Tính đến 14h00 ngày 21/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:
* Thế giới: 22.865.932 người mắc; 797.158 người tử vong; 15.520.570 người bình phục.
*215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
* Việt Nam: 1007 người mắc; 542 người điều trị khỏi, 25 người tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung trong thời gian gần đây, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công tác chống dịch, động viên các nhân viên y tế đang tham gia chống dịch tại các cơ sở y tế an tâm công tác, Công đoàn Y tế Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho các nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19.
Với chính sách hỗ trợ là trợ cấp khi nhiễm bệnh: hỗ trợ một lần, với kinh phí 10 triệu đồng đối với nhân viên y tế chẩn đoán dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trong thời gian của chương trình.
Hỗ trợ khi tử vong: hỗ trợ 100 triệu đồng đối với mỗi nhân viên y tế bị tử vong trong thời gian của chương trình do nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cùng các y bác sĩ trên cả nước đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Về tình hình dịch bệnh tại một số địa phương:
*Thừa Thiên-Huế: Thêm một bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh
Ngày 21/8, Bệnh viện Trung ương Huế công bố khỏi bệnh đối với bệnh nhân mắc COVID-19 số 438 (56 tuổi, nam giới, trú tại thành phố Đà Nẵng) sau 5 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (từ ngày 16- 20/8).
Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 nhưng vẫn đang duy trì điều trị tại đơn vị.
Tiên lượng bệnh nhân đang rất nặng và phải thở máy do có nhiều bệnh lý nền nặng như viêm phổi đa đề kháng-suy hô hấp, u ác tính niệu quản đã phẫu thuật, tăng huyết áp và đái tháo đường…
Được biết, ca bệnh số 438 được lấy mẫu xét nghiệm ngày 27/7 và được Bộ Y tế công bố dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 28/7.
Trước đó, trường hợp này là bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc của Bệnh viện Đà Nẵng.
Sáng 29/7, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị bệnh nhân số 438 tại cơ sở 2 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) trong tình trạng sốt 38 độ C, bóp bóng qua khai khí quản, phổi nhiều ran nổ, độ bão hòa oxy trong máu SpO2 là 92%.
Tính đến hết ngày 20/8, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Hiện tỉnh đang triển khai cách ly tập trung cho hơn 2.000 trường hợp trở về từ vùng dịch và hơn 2.500 trường hợp đã hoàn thành đợt cách ly tập trung.
*Hải Dương: Lập các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng, phát hiện sớm ca nghi mắc. Ngày 21/8, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3045/UBND-VP về việc thành lập các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng. Mỗi tổ có 02 người gồm cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể đến từng tổ.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn ra Quyết định thành lập ngay các tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng” gọi tắt là “Tổ COVID cộng đồng” ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm nâng cao năng lực chống dịch tại địa phương.
Tổ COVID cộng đồng chính là cầu nối chủ động của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, làm cho người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác phòng chống dịch. Qua tổ COVID cộng đồng cũng sẽ nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân và những vấn đề nảy sinh tại cộng đồng để báo cáo chính quyền địa phương và Trạm y tế tuyến xã xử lý và điều chỉnh kịp thời.
*Quảng Nam: Năng lực xét nghiệm của Quảng Nam đã tăng gấp 10 lần so với trước đây, đặc biệt tổ giám sát COVID-19 cộng đồng đứng cao nhất cả nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng thành lập 5.400 tổ giám sát COVID-19 cộng đồng. Hoạt động của tổ này phát huy hiệu quả góp phần vào việc truy vết và khoanh vùng dập dịch nhanh.
Tính riêng trong 1 tháng trở lại đây, toàn tỉnh Quảng Nam đã xét nghiệm được gần 70 nghìn mẫu bệnh phẩm, năng lực xét nghiệm được nâng cấp lên gấp 10 lần. Giai đoạn 1 của chống dịch COVID-19, Quảng Nam chỉ xét nghiệm được 300 mẫu/ngày đến nay năng lực xét nghiệm được 4.500 mẫu/ngày. Tốc độ xét nghiệm nhanh, chính xác, đáp ứng kịp thời nhu cầu truy vết, điều trị.
Để phòng, chống dịch COVID Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện tốt các điểm sau đây:
1. Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
2. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc.
6. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.
Liên hệ ngay với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19: http://www.bluezone.gov.vn