Hà Nội

Bản tin dịch COVID-19 đến 14h: Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhiều chợ trên địa bàn

23-08-2020 14:23 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Để đẩy mạnh tầm soát, phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, Đà Nẵng đã triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm tất cả tiểu thương tại các chợ. Cùng với đó, Đà Nẵng cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2.000 người nước ngoài hiện đang cư trú trên địa bàn.

Cập nhật dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 14h hàng ngày.

Tính đến 14h00 ngày 23/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:

* Thế giới: 23.383.472 người mắc; 808.715 người tử vong; 15.910.371 người bình phục.

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

* Việt Nam: 1014 người mắc; 563 người điều trị khỏi, 27 người tử vong

Nhiều bệnh nhân COVID-19 suy thận, chạy thận nhân tạo được chữa khỏi

Thông tin từ Bộ Y tế chiều ngày 23/8 cho biết, đã có nhiều bệnh nhân COVID-19 bị suy thận, đang chạy thận nhân tạo được điều trị khỏi COVID-19 và chuyển về điều trị thông thường.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2 đã điều trị khỏi COVID-19 cho 4 bệnh nhân nặng và chuyển họ về Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cách ly và tiếp tục điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Tại Trung tâm y tế Hoà Vang- Tp Đà Nẵng có 31 bệnh nhân suy thận, chạy thận nhân tạo (04 bệnh nhân đã tử vong, còn 27 bệnh nhân trong đó 07/27 bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19).

Nhiều bệnh nhân COVID-19 suy thận, chạy thận nhân tạo được chữa khỏi

Nữ bác sĩ hai lần hoãn cưới, xung phong vào tâm dịch Đà Nẵng

Đáp lại lời kêu gọi tăng viện cho tuyến đầu chống dịch, mặc dù đã ấn định ngày cưới nhưng Bác sĩ Cao Thị Kim Băng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) đã gác tình cảm riêng, lại hoãn cưới, tình nguyện xung phong vào “chia lửa” cho tâm dịch Đà Nẵng.

Một ngày trước lúc lên đường tăng viện cho tuyến đầu Đà Nẵng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tổ chức lễ ra quân tiễn các cán bộ y tế tăng viện, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cầm trên tay quyết định điều động tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19 cho Đà Nẵng, Bác sĩ Cao Thị Kim Băng, Khoa huyết học – vi sinh Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, không giấu nổi những cảm xúc vui buồn.  Bác sĩ Băng chia sẻ: Trước khi có chủ trương tăng viện thì các y bác sĩ ở Bệnh viện chúng em đã xung phong, đăng ký, sẵn sàng lên đường đi vào các vùng dịch. Bản thân em chỉ nghĩ khi đã khoác lên mình chiếc áo Blouse trắng thì luôn phải có trách nhiệm với sức khỏe nhân dân, với đất nước mình.

Có thể nói, mặc dù đã 2 lần phải hoãn đám cưới, nhưng bác sĩ Cao Thị Kim Băng và người chồng tương lai của mình đã chấp nhận phần thiệt về mình, gác lại những tình cảm riêng, xung phong lên tuyến đầu, chi viện cho đồng nghiệp để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng cứu chữa bệnh nhân, góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19.

Kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19

-Đoàn kiểm tra số 5 của Bộ Y tế do ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế làm trưởng đoàn cùng các đại diện của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý môi trường Y tế, Vụ Kế hoạch Tài chính, thanh tra bộ, Vụ trang thiết bị và công trình y tế đã đến kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 của BV Phụ sản TW vào cuối tuần qua

Trước đó, ngày 8/8/2020, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định số 3492/QĐ-BYT về việc thành lập 05 đoàn kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19, Công điện số 1158/CĐ-BCĐQG ngày 27/7/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Công điện số 1212/CĐ-BYT ngày 3/8/2020 của Bộ Y tế và Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020.

Tại buổi kiểm tra, PGS.TS.Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản TW cho biết: ngay từ đầu dịch đến nay, BV Phụ sản TW luôn có các phương án phòng, chống dịch hết sức chặt chẽ bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn, hiệu quả, chất lượng. Công tác này được xem là trọng tâm và được thực hiện liên tục, không nghỉ.

Theo đó, để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 "thăm" bệnh viện, giữ an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế, BV Phụ sản TW đã lắp đặt, đưa vào sử dụng phòng khám dã chiến contener với trang thiết bị hiện đại, nhân lực chuyên môn cao; đồng thời dành một khu riêng biệt làm phòng bệnh nội trú cho những ca bệnh nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ...

-Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Hải Dương, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biêt, từ ngày 24/8, sẽ triển khai kế hoạch xét nghiệm sàng lọc COVID-19 đợt 2 bằng kỹ thuật ELISA- xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể, đối với những người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7-20/7/2020, những người đến nhà hàng Thế giới bò tươi từ ngày 15/7-20/7/2020,những người dân trong ổ dịch 36 Ngô Quyền từ 10 tuổi trở lên.

Dự kiến khoảng 2.000 mẫu, trong đó 1.000 mẫu gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 1000 mẫu Viện sẽ cử cán bộ chuyển giao kỹ thuật tại Trung tâm CDC tỉnh.

Hiện sức khoẻ của 12 bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương đều ổn định, không sốt do đa phần bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh lý nền

Đà Nẵng vẫn phòng dịch nghiêm ngặt

Đà Nẵng đã cơ bản khống chế được dịch theo nhận định của các chuyên gia y tế, nhưng lãnh đạo địa phương này vẫn quán triệt tâm thế không lơ là, chủ quan.

Trong những ngày tới vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ thị 16 hiện hành và dứt khoát không ai được phép mang tâm lý "ngủ quên trên chiến thắng".

Nhận định các chợ là điểm nóng, nhiều nguy cơ nên những ngày qua cơ quan chức năng Đà Nẵng đã cho lấy mẫu xét nghiệm tất cả tiểu thương tại các chợ.

Đà Nẵng cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2.000 người nước ngoài hiện đang cư trú trên địa bàn.


Bộ Y tế khuyến cáo người dân về những việc cần làm khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở:

Ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở:

1. Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;

2. Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 19009095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;

3. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, hoặc khăn vải hoặc khăn tay hoặc khan giấy; Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;

4. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;

5. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…

6. Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;

7. Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.

Minh Châu
Ý kiến của bạn