Cập nhật dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 14h hàng ngày.
Tính đến 14h00 ngày 5/9/2020, theo thống kê của worldometers.info:
* Thế giới: 26.799.409 người mắc; 879.028 người tử vong; 18.910.430 người bình phục.
* Việt Nam: 1.049 người mắc; 786 người khỏi bệnh, 35 người tử vong
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
Mở lại đường bay quốc tế
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ: Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tham mưu Thủ tướng quyết định vấn đề mở lại đường bay quốc tế. Việc mở đường bay thương mại quốc tế tới 6 quốc gia trên nguyên tắc là mở đường bay tới các nước đã kiểm soát bệnh tốt và tương đồng với chúng ta, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước đó.
Trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chúng ta mở lại các đường bay một cách cẩn trọng, mở dần từng bước và đúc kết kinh nghiệm. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ từ 3/9, nhưng hiện nay các bộ, ngành chưa có ý kiến về việc này và chưa đưa ra các giải pháp.
Theo Bộ trưởng, đây là giải pháp về ứng xử, mang tính chất có đi có lại với nước bạn theo nguyên tắc đối ngoại. Ngoài chuyên gia, lao động, các cơ quan ngoại giao, người dân du lịch… chúng ta cũng sẽ phải tính toán đối tượng và tần suất bay, vừa làm vừa thí điểm sau đó mới nâng tần suất.
Các chuyên gia BV Việt Đức hội chẩn từ xa các ca bệnh khó với các bệnh viện tuyển tỉnh tại lễ khai trương
Dịch COVID-19: Khai trương Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa của BV Việt Đức
Chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã tham dự lễ khai trương Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa của BV Việt Đức.
Tại chương trình, GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc BV Việt Đức cho biết, chương trình được kết nối tới 128 điểm cầu với sự tham dự của 500 bác sĩ, các chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện, trong đó có 4 điểm cầu tham gia tư vấn khám chữa bệnh từ xa (BVĐK tỉnh Quảng Ninh, BVĐK tỉnh Điện Biên, BVĐK tỉnh Phú Thọ, BVĐK tỉnh Hà Giang).
Trong buổi khai trương Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, các chuyên gia của BV Việt Đức thực hiện tư vấn, khám bệnh từ xa các ca lâm sàng khó trong lĩnh vực Ngoại tiêu hóa, Ngoại chấn thương chỉnh hình, Ngoại thần kinh cho các bệnh viện tuyến tỉnh kể trên
Theo đó, các chuyên gia đầu ngành về ngoại khoa của BV Việt Đức đã trực tiếp tư vấn phẫu thuật qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D cho BVĐK tỉnh Quảng Ninh để thực hiện phẫu thuật cho người bệnh 60 tuổi được chẩn đoán viêm túi mật do sỏi mật trên người bệnh có hẹp đường mật chưa rõ nguyên nhân tại BVĐK tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời các chuyên gia BV Việt Đức giúp các bác sỹ BVĐK tỉnh Điên Biên xử lý vết thương và phẫu thuật gấp cho một bệnh nhi 14 tuổi bị đa chấn thương do tai nạn giao thông mới nhập viện sáng nay. Với sự hỗ trợ chuyên môn và hội chẩn trực tuyến, các bệnh nhân này đều được thực hiện phẫu thuật ngay lập tức tại bệnh viện tỉnh mà không phải chuyển lên tuyến trên như trước.
Phẫu thuật nội soi 3D là xu hướng mới trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi. Hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D hiện đại, đem lại hình ảnh không gian nổi, giúp các góc khuất giải phẫu trở nên rõ nét, dễ tiếp cận, phóng đại các mạch máu nhỏ, tập trung được dụng cụ phẫu thuật vào mục tiêu chính, do đó hạn chế làm chấn thương mô lành xung quanh.
Quảng Nam đã có 48 bệnh nhân COVID-19 xuất viện
Sáng 5/9, Tiến sĩ Mai Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng tiểu ban điều trị Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, hôm nay có thêm 4 bệnh nhân (BN) COVID-19 khỏi bệnh và xuất viện, đưa số BN xuất viện lên 48 ca.Các BN được công bố hết bệnh COVID-19 lần này đều được điều trị tai BVĐK Trung ương Quảng Nam và cùng quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tất cả BN nói trên được lấy mẫu xét nghiệm 4 lần đều có kết quả âm tính với COVID-19 và tình trạng sức khỏe ổn định. Sau khi xuất viện các BN được xe bệnh viện đưa về tận nhà và cách ly 14 ngày tại nhà để tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định.
TP Đà Nẵng nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội từ 0 giờ hôm nay (5-9)
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký ban hành quy định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện tại. Theo đó, TP Đà Nẵng nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội từ 0 giờ hôm nay (5-9).
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhận định phòng chống dịch trong thời gian dài nên Đà Nẵng thực hiện mục tiêu kép vừa sẵn sàng phòng chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không để dịch bệnh lây lan nhưng cũng không để đứt gãy các hoạt động kinh tế.
Quy định phòng chống dịch trong tình hình hiện tại ở Đà Nẵng cũng phân loại theo 4 cấp độ tùy vào trạng thái lây nhiễm dịch bệnh từ có nguy cơ cao đến có nguy cơ, nguy cơ thấp và trạng thái đã kiểm soát được.
Từ 0 giờ ngày 5/9, Đà Nẵng sẽ áp dụng biện pháp phòng dịch trong tình hình mới ở mức độ trạng thái có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo đó, quy định tiếp tục yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết và bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, ở nơi công cộng... Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, tối thiểu 1 m, không được tập trung quá 20 người nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Các hoạt động tiếp tục tạm dừng gồm: lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, giải đấu thể thao, sự kiện, đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu; hoạt động thể dục, thể thao, thể hình; hoạt động tắm biển…
Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ được bán mang đi. Hoạt động dạy và học trực tiếp tại các trường học tiếp tục tạm dừng. Phương tiện vận tải hành khách công cộng được vận chuyển không quá 1/2 số người cho phép. Tiếp tục áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân theo "Thẻ đi chợ" (3 ngày một lần).
Ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở:
1. Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;
2. Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 19009095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;
3. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, hoặc khăn vải hoặc khăn tay hoặc khan giấy; Thảo bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;
4. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;
5. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…
6. Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;
7. Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.