Cập nhật dịch bệnh COVID-19 tại bản tin hàng ngày.
Tính đến 14h00 ngày 1/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:
* Thế giới: 17.758.802 người mắc; 682.999 người tử vong
* Việt Nam: 558 người mắc; 373 người điều trị khỏi
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19. Việt Nam đứng thứ 162/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
- Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, hiện có 14 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2
- Vào lúc 9h40 sáng nay, Bộ Y tế đã công bố trường hợp tử vong có liên quan đến COVID-19, nâng số ca tử vong có liên quan đến COIVD-19 lên 03 trường hợp. Các bệnh nhân tử vong đều là người cao tuổi, có hàng loạt bệnh lý nền kèm theo.
Bệnh nhân 499: (BN 499), có họ tên: T.T.B.T, nữ, 68 tuổi. Bệnh nhân mắc bạch cầu cấp dòng tủy kháng trị; đái tháo đường type 2; tăng huyết áp.
Bệnh nhân điều trị ung thư máu (leucemia) tại Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng ra viện 23/7/2020.
Sau đó bệnh nhân có ho, sốt nên tái khám tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng . Do có dịch tễ nghi ngờ nên bệnh viện đã chuyển ngay Khu cách ly. Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính.
Bệnh nhân có biến chứng suy tủy, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Đến 19 giờ ngày 31/07, suy hô hấp nặng hơn. Tiến hành đặt nội khí quản, thở máy. Có hội chẩn trực tiếp với chuyên gia của Bộ Y tế đang có mặt tại Đà Nẵng.
Đến 22h30, hội chẩn và điều trị cho kết quả thất bại. Vẫn tiếp tục thở máy, vận mạch liều cao.
Đến 04h55 phút 01/08 thì bệnh nhân ngừng tuần hoàn, hô hấp và được xác nhận tử vong vì suy hô hấp.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc, thành viên Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19: Ba trường hợp COVID-19 tử vong đến nay đều là bất khả kháng
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc, thành viên Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân: ung thư máu không đáp ứng hoá chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19.
GS Nguyễn Gia Bình cũng nhấn mạnh: ở giai đoạn trước có bệnh nhân nặng, các bác sĩ tập trung sức lực cứu chữa, bệnh nhân có khả năng hồi phục. Tuy nhiên lần này các bệnh nhân đều cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kèm theo, thường ngày đã sống nhờ máy móc, khi thêm COVID-19 tấn công không qua khỏi.
Theo GS Nguyễn Gia Bình, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước. Rất nhiều bệnh nhân nặng, do tuổi cao, bệnh mãn tính kèm theo như suy tim, đái tháo đường, suy thận, chạy thận chu kỳ, ung thư... Các chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy đã hỗ trợ cho Đà Nẵng, nhưng những ca tử vong là bất khả kháng, các y bác sĩ không thể làm gì khác được...
Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang gia tăng số ca mắc mới và tử vong. Nhiều quốc gia đã quay lại việc giãn cách xã hội.
Tại Việt Nam, hôm nay ghi nhận thêm 45 ca mắc mới, đây là các ca bệnh mà sau khi phát hiện có người mắc bệnh đã được khoanh vùng và cách ly. Theo nhận định, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm ra một số tỉnh.
Trước diễn biến dịch bệnh tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời về cả nhân lực và trang thiết bị y tế để giúp địa phương ứng phó tốt hơn với dịch COVID-19. Sáng nay, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã họp trực tuyến với Bộ Chỉ huy chống dich tiền phương của Bộ tại Đà Nẵng do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế làm tổng Chỉ huy.
Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cũng các chuyên gia đã báo cáo về tình hình hiện tại của Đà Nẵng trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Phát biểu từ điểm cầu Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của các đội quân tinh nhuệ của Bộ Y tế đang có mặt tại Đà Nẵng để cùng hỗ trợ địa phương phòng chống dịch. Đồng thời yêu cầu lực lượng của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương, nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này
Quyền Bộ trưởng nhận định thời gian tới tình hình tiếp tục phức tạp nên phải cùng nhau cố gắng. Ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam đang được nhận định nằm trong vùng nguy cơ rất cao. Địa phương này đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại một số khu vực, tới đây sẽ có thể phát hiện thêm các ca ở Quảng Nam.
Ngoài ra, Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... cũng là những tinh có nguy cơ cao trong lây nhiễm COVID-19.
Đối với các địa phương có liên quan đến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng như Quảng Nam, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương xây dựng kịch bản, kế hoạch điều tra, giám sát tất cả những người đi đến và trở về từ Đà Nẵng, đến các địa điểm đã được Bộ Y tế cảnh báo, đảm bảo không để dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn.
Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm COVID-19 theo các quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở thực hiện: đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng, không được để sót những người có liên quan đến COVID-19 tại Đà Nẵng.
Tính đến sáng 1/8, kết quả xét nghiệm 350 nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, nơi các bệnh nhân 449 và 450 từng đến khám bệnh, đều có kết quả âm tính với COVID-19.
Khuyến cáo:
Trước tình hình này, Bộ Y tế xây dựng khuyến cáo phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hình mới.
1. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
2. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.
3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
6. Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
7. Nếu bạn từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ.
8. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn/ hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn/ và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.
9. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.