Bán tín chỉ carbon thu hàng trăm triệu USD, ai sẽ hưởng lợi?

12-06-2024 18:09 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, để phát triển một thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ, Việt Nam cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch.

Thả cá thể trăn gấm quý hiếm về môi trường tự nhiênThả cá thể trăn gấm quý hiếm về môi trường tự nhiên

SKĐS - Trăn gấm quý hiếm nặng hơn 2 kg, nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm IIB) được thả về môi trường rừng tự nhiên.

Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm từ rừng

Chiều 12/6, tại TPHCM đã diễn ra tọa đàm với chủ đề "Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý". GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TPHCM) cho hay Việt Nam có 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, theo quy định là những đối tượng tiềm năng cho thị trường tín chỉ carbon.

Ngoài ra, Việt Nam có 276 dự án với gần 30 triệu tín chỉ carbon đã được chứng nhận từ các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Tính đến nay, hơn 300 chương trình, dự án đã thực hiện các giao dịch mua, bán tín chỉ carbon tự nguyện.

Bán tín chỉ carbon thu hàng trăm triệu USD, ai sẽ hưởng lợi?- Ảnh 2.

Thị trường tín chỉ carbon cần được phát triển một cách minh bạch.

Theo ông Vinh, Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng với tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ, phục hồi rừng. Ước tính Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, các dự án nông nghiệp như canh tác carbon thấp và quản lý bền vững nguồn tài nguyên đất cũng có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra tín chỉ carbon.

Ông Vinh đánh giá tham gia thị trường tín chỉ carbon còn mở ra khả năng hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhận được hỗ trợ tài chính và công nghệ từ các quỹ đầu tư xanh. Cơ hội đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm chi phí dài hạn mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và tuân thủ các quy định phát thải nghiêm ngặt hơn.

Ông Cao Tung Sơn, Trưởng phòng khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) cho rằng, TPHCM có nhiều thuận lợi để thực hiện các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu nhằm tạo ra tín chỉ carbon, như có thể tận dụng các mái nhà công để tăng cường tiết kiệm năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải, chuyển đổi sang xe máy điện…

Tỉ lệ chi trả tiền cho người trồng rừng thế nào?

GS.TS Võ Xuân Vinh đặt câu hỏi, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD/năm. Giá tín chỉ carbon hiện tại khoảng 5 USD/tín chỉ. Số tiền này sẽ được chi trả cho người trồng rừng hay chi trả cho Nhà nước, hay theo tỷ lệ nào?". Theo Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nhà nước khuyến khích việc tham gia thị trường tín chỉ carbon và có các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của các bên tham gia.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, luật nói trên chưa quy định chi tiết về tỷ lệ phân chia thu nhập từ tín chỉ carbon. Do đó, thu nhập sẽ được xác định dựa trên hợp đồng thỏa thuận giữa các bên liên quan.

"Tôi cho rằng, phát triển một thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân. Cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư vào thị trường này để tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa các loại hình tín chỉ carbon có thể giao dịch", ông Vinh đưa ra quan điểm.

TS Võ Trung Tín, Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TPHCM - cho rằng cần có quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon. Cần sửa đổi Nghị định 06/2022, trong đó, bổ sung các quy định như với dự án tín chỉ carbon nói chung, cần có quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon. 

Một dự án tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cần trải qua các bước cơ bản như đăng ký ý tưởng dự án và phương pháp luận, đăng ký dự án, báo cáo thực hiện dự án, thẩm định và cấp tín chỉ carbon.

Về cơ quan thẩm quyền, Chính phủ có thể giao cho từng bộ quản lý công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ carbon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện hệ thống giám sát - báo cáo - thẩm định (MRV) cấp lĩnh vực, cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý lĩnh vực.

Về thuế của tín chỉ carbon nói riêng cũng như hạn ngạch phát thải nói chung, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành đồng bộ. Dự kiến, lộ trình sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành vào 2025 và đi vào hoạt động chính thức năm 2028. Nếu chậm trễ ban hành sẽ dẫn đến thiệt hại cả về thất thu ngân sách và gây khó khăn cho doanh nghiệp phải xử lý về mặt kế toán đối với loại tài sản mới này.

Trước vấn đề doanh nghiệp sẵn sàng xả thải, sẵn sàng mua tín chỉ carbon thì quy định thế nào, ông Cao Tung Sơn cho biết, quy định về thị trường tín chỉ carbon, trong đó các doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải vượt quá hạn ngạch. Tuy nhiên, việc này phải minh bạch và công khai, nhằm tránh tình trạng lợi dụng mua bán tín chỉ carbon để tiếp tục xả thải không kiểm soát".

Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương 1 tấn CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. Đây là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Giá của tín chỉ carbon phụ thuộc vào thị trường và có thể dao động theo cung cầu. Hiện tại, giá trung bình trên thị trường quốc tế dao động khoảng 5 USD/tín chỉ carbon (tương đương với 1 tấn CO2 giảm phát thải).

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Tín chỉ carbon hay định mức carbon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra 1 lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2).

Vận hành tín chỉ carbon, doanh nghiệp đua giảm phát thải, người trồng rừng hưởng lợiVận hành tín chỉ carbon, doanh nghiệp đua giảm phát thải, người trồng rừng hưởng lợi

SKĐS - Doanh nghiệp phát thải nhiều phải trả tiền nhiều để mua chứng chỉ carbon. Người trồng rừng, giữ rừng sở hữu chứng chỉ carbon tương đương với diện tích và chất lượng rừng, dùng chứng chỉ này bán cho doanh nghiệp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thời tiết tuần này: Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng, Nam Bộ mưa rào | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn