Hà Nội

Bán thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP bị xử phạt thế nào?

05-10-2018 07:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Nghị định 115/2018 /NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 20/10/2018, các hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị xử phạt từ mức 500.000 - 1 triệu đồng. Có thể nói, đây là một quy định mới có tính tích cực vì sẽ góp phần thúc đẩy các hàng quán bán thức ăn đường phố phải nỗ lực hoàn thiện về các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thức ăn đường phố: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP

Những quán cơm, bún, phở nghi ngút khói ở một góc phố. Chiếc xe kéo với những túi quà vặt xanh, đỏ bán ngay cổng trường… Tất cả những thức ăn đường phố này từ lâu đã trở thành một phần của đời sống người dân Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác trong cả nước và luôn được thực khách yêu thích không chỉ bởi hương vị của món ăn mà còn vì sự tiện lợi, giá cả phải chăng. Thế nhưng, những thức ăn đường phố này có đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hay không thì không ai dám khẳng định chắc chắn.

Đơn cử, nhiều hàng quán trên hè phố bày bán thức ăn chín như phở, bún, miến, thịt nướng… nhưng không trang bị tủ, kệ; đặc biệt là thiếu các vật dụng, thiết bị che đậy ngăn bụi bẩn, côn trùng, vi khuẩn. Và phổ biến nhất là rất nhiều hàng quán bán thức ăn đường phố không thực hiện đúng các quy định về bảo đảm vệ sinh trong chế biến, điển hình là người bán/chế biến thức ăn không mang găng/bao tay khi bốc, hốt bánh phở, bún, thịt, rau giá… cho vào bát nhưng cũng vừa thu tiền và trả lại tiền trong khi tiền giấy lưu thông trên thị trường rất dễ thấm mồ hôi, nhiễm khuẩn… Thậm chí, họ cũng kiêm luôn việc dọn rác dưới gầm bàn/ghế rồi sau đó chỉ việc lau vào một chiếc khăn chung dùng để lau tay, lau tô bát, lau thớt, lau bàn…

Tất nhiên, nhiều thực khách cũng thấy như vậy là mất vệ sinh, phản cảm, song mỗi khi phản ứng lại hành vi ấy thậm chí còn bị xem như “sinh vật lạ”, làm khó, vẽ chuyện hoặc sẽ bị nghe những câu kiểu như “đã ăn thực phẩm đường phố còn bày đặt ATTP”.

Bán thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP bị xử phạt thế nào?Tăng mức xử phạt khi kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP.

Theo ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc (Cục ATTP, Bộ Y tế), việc kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng rất được ưa chuộng do có thể lựa chọn nhanh, đa dạng, nhiều chủng loại, giá cả hợp lý. Loại hình kinh doanh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng hiệu lực quản lý thức ăn đường phố của các cấp còn chưa thường xuyên, chưa cao.

Tăng mức xử phạt vi phạm về ATTP khi kinh doanh thức ăn đường phố

Liên quan đến việc xử phạt vi phạm về ATTP, ngày 4/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP. Nghị định 115 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP.

Vi phạm hành chính về ATTP quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn...

Theo đó, Nghị định quy định sẽ phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng (quy định hiện hành là 300.000 - 500.000 đồng) đối với một trong các hành vi kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP sau:  Không có bàn, tủ, thiết bị, dụng cụ… đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:  Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn; Người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn; Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

Ngoài mức phạt tiền nêu trên, người vi phạm có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn còn bị buộc tiêu hủy đối với thực phẩm đó.


Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn