Cho đến nay, có lẽ ở ta chưa có một chương trình, tài liệu nào hoàn chỉnh, chính thống; chưa có bộ phận nào được đào tạo bài bản để chuyên trách việc giáo dục giới tính cho giới trẻ, học sinh. Vấn đề khá quan trọng ảnh hưởng tới nhiều mặt: văn hóa, y tế, chất lượng dân số quốc gia, đang thực sự bị bỏ ngỏ.
Đủ kiểu mày mò
Buồn cười nhất là cứ nói đến giáo dục giới tính, người ta lại chỉ nghĩ đến… cấu tạo cơ thể, nhất là cấu tạo bộ phận sinh dục, sinh sản nam, nữ; đến chuyện “có baby bằng cách nào”. Chẳng thế mà sách giáo khoa bậc tiểu học, lớp 3 (hoặc lớp 4 gì đó) đã cho học sinh học rằng: trứng của phụ nữ kết hợp với tinh trùng của đàn ông “thành ra em bé”. Chỉ qua vài chữ với hình vẽ sơ sài như vậy hỏi học sinh chúng ta học được cái gì về giới tính, đã hết thắc mắc (nếu có) chưa? (“trứng” ở đâu, “tinh trùng” thế nào, “kết hợp” ra sao?...) Lại có bà mẹ chuyên cho con trai (4 - 5 tuổi) tắm chung với mình và bảo để kết hợp “giáo dục giới tính” cho con luôn(!). Bà nữa thì giải thích khi con thắc mắc “tình dục là gì” rằng đó là… “tình cảm có giáo dục”.
Giới trẻ, học sinh cần được trang bị kiến thức về giới tính. Ảnh minh họa |
Đường “chạy” nào cho “hươu”?
Vẫn biết giới trẻ hiện nay dậy thì sớm hơn vài thế hệ trước nên nhu cầu khám phá, hiểu biết cơ thể, ham muốn tình dục cũng sớm hơn. Nhưng thiết nghĩ, không phải chúng ta chỉ cần xoáy vào việc làm cho giới trẻ biết “vì đâu em bé sinh ra”, để rồi giá mà chúng… đừng vội yêu đương gì là chắc nhất. Yêu thì đừng có “đụng chạm” gì hoặc có cũng đừng để phải dắt nhau vào… khoa sản. Thế cũng chẳng sai, nhưng vậy chắc mới chỉ là lo giải quyết phần ngọn của vấn đề.
Chẳng nên đợi đến khi bọn trẻ vào tuổi dậy thì, biết yêu, đòi yêu rồi mới dạy về giới tính. Không là xa vời nếu nói phải dạy ngay từ khi chúng mới… lên 3, lên 5, bằng cách… đọc cho chúng nghe nhiều thơ ca hò vè, chuyện cổ tích. Đưa chúng đi bơi, trồng cây, nuôi cá và cả đi làm việc từ thiện nữa… Nghĩa là phải dạy con em chúng ta về quan điểm sống, lối sống. Bồi dưỡng cho chúng một nhân sinh quan, thế giới quan trong sáng, nhân văn, cao cả ngay từ bé. Được như vậy, khi lớn lên, các em sẽ biết sống đúng, yêu đẹp; biết trân trọng bản thân và người khác; biết kiềm chế dục vọng; biết chán ghét, lánh xa đúng sự việc, đúng người, đúng chỗ. Như thế cũng sẽ góp phần hạn chế được tình trạng yêu đương phóng túng, thiếu hiểu biết; việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai sau này.
Không lạ khi có nhiều em 23, 25 tuổi, sức đương trai cuồn cuộn nhưng em vẫn sống “bình yên”, không phải cuống lên vì chưa có bạn gái, chưa một lần phải bức xúc thủ dâm… Vì tâm trí em còn bị cuốn vào việc lo học thêm bằng đại học; tìm hiểu thêm về tôn giáo, triết học… Những điều tự em thấy cần, không do ai áp đặt hay vì nhu cầu công việc. Hoặc có em nọ tuổi mới 22 đã làm cùng lúc 3 công ty, thu nhập đủ để lo cho cả gia đình gồm người cha liệt vì đột quỵ, mẹ bệnh tim và mấy đứa em còn nhỏ. Em đã phải vừa đi học vừa kiếm tiền từ lúc mới học lớp 10. Nhưng đừng tưởng em chỉ biết có tiền. Tâm hồn em là cả một thế giới của sử sách, thi ca. Như em đã xúc động tột cùng, lòng lâng lâng tự hào khó tả khi… Hà Nội phát lộ ra di tích Hoàng thành Thăng Long! Từ phương Nam, chưa một lần đặt chân ra đất Bắc, nhưng em cứ yêu vô cùng phong cảnh làng quê Bắc bộ với lũy tre xanh, mái chùa cổ kính. Rồi khi nghe tin về di tích Trường Lũy ở Quảng Ngãi, em đã gọi điện ra tận bảo tàng ngoài đó để hiểu rõ thực hư… Với những em đó, hầu như chẳng phải lo việc em sẽ “yêu”, sẽ “sex”, ham muốn “bẻ cành vặt hoa” ra sao. Rất xin lỗi nếu làm chạm tự ái ai đó nhưng thực tình, những em lười học, học dốt, ngang tàng bất trị lại thường yêu sớm,“yêu giỏi”, mới lắm chuyện chơi bời bồ bịch để cha mẹ, thầy cô phải phiền lòng…
Bên cạnh đó, phải dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể. Như cách từ chối “sex”, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm… Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp. Như khi các con còn 5-7 tuổi, hãy cứ giải thích là “con cò mang em bé đặt bên cửa sổ” cũng chẳng sao. Còn khi đã 13, 15 tuổi, thời nay chắc chẳng em nào còn phải hỏi “em bé ra đời từ đâu” nữa. Khi đó lại phải bảo con đừng đi chơi riêng với bạn trai chỗ vắng người, nơi thiếu ánh sáng, lúc có hơi men… Cũng phải dạy con cách tự vệ ngay từ nhỏ: khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ dụ cho ăn uống, cho quà… Ở gia đình là sự thủ thỉ, tâm sự giữa mẹ với con gái, bố với con trai. Là những cuốn sách chuyên đề về giáo dục giới tính gối bên đầu giường con. Ở trường thì nên là những giờ như ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề, phòng tư vấn và tùy nội dung có thể để nam nữ học riêng. Tránh chuyện học chung để rồi tất cả - cả thầy cô, cũng ngượng ngùng thì thường chỉ là thấp thoáng cưỡi ngựa xem hoa cho qua chuyện chứ học được cái gì. Ngành giáo dục chẳng có chuyện tiếu lâm: cô giáo THCS dạy bài ca dao chống phong kiến đã quấy quá: “Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình. Ba bộ đồng tình… như sách giáo khoa” (…“bóp vú con tôi” - nguyên văn, SGK cũ). Nói chi tự tin oang oang cho cả học sinh nam nữ cùng lúc: về cơ chế rụng trứng, thụ thai, vệ sinh kinh nguyệt, thủ dâm… Có là ở đại học Y khoa…
Giáo dục giới tính là vấn đề nhạy cảm và còn nhiều quan điểm trái chiều. Bỏ qua, xem nhẹ, coi như chuyện phàm tục chẳng đáng quan tâm hay quan trọng hóa quá mức đều là không nên. Dù xưa nay chẳng ai bảo cho hoa nở cách nào, hoa vẫn nở thắm, nhưng cũng đừng bỏ mặc để “hươu” chạy lung tung, đến khi người lớn biết thì đã muộn.
Chuyên gia tâm lý NGUYỄN THỊ KIM BẮC