Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí thuốc điều trị.
Nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, trong đó vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, đặc biệt là sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Hướng dẫn bệnh nhân và thân nhân người bệnh rửa tay tại BV Chợ Rẫy (Ảnh: Thiên Chương)
Dù tỷ lệ nhiễm khuẩn từ bàn tay tiếp xúc với người bệnh tại bệnh viện ngày càng thấp, song chấp hành đúng những kỹ thuật rửa tay trong chăm sóc bệnh nhân vẫn là yêu cầu then chốt nhằm ngăn ngừa lây truyền vi sinh vật gây bệnh và làm giảm mắc bệnh cho bệnh nhân, cho người nuôi bệnh và cả nhân viên.
Luôn phải rửa tay
Hưởng ứng Ngày Thế giới Rửa tay 15/10, nhiều bệnh viện tại TP.HCM, trong đó có BV Chợ Rẫy đã hướng dẫn cho gần 300 người nuôi bệnh các kiến thức chống nhiễm khuẩn và cách rửa sạch đôi bàn tay. Là bệnh viện có lượng bệnh nhân nội ngoại trú đông nhất khu vực miền Nam, vấn đề chống nhiễm khuẩn bệnh viện, trong đó vệ sinh tay luôn được ban giám đốc BV Chợ Rẫy và toàn bộ nhân viên y tế quan tâm.
Bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương rửa tay sau khi khám bệnh (Ảnh: An Quý)
Theo TS.BS Phùng Mạnh Thắng - Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Chợ Rẫy, chỉ trừ những trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp, nhân viên phải luôn luôn rửa tay. Thời điểm thích hợp để rửa tay có thể là “trước” và “sau” những sự việc như trình bày dưới đây:
Trước khi tiếp xúc trực tiếp với từng bệnh nhân, từ nhân viên y tế đến người nuôi bệnh, việc làm sạch bàn tay là rất quan trọng. Với nhân viên y tế, trước một thao tác hay thủ thuật mới trên cùng một bệnh nhân để ngăn ngừa lây nhiễm chéo cho những vị trí khác nhau trên cùng một cơ thể (ví dụ, khi chuyển thao tác từ vị trí bị nhiễm đến vị trí sạch của cơ thể trong chăm sóc một bệnh nhân). Việc rửa tay phải thực hiện trước khi mang găng để làm thủ thuật; trước khi ăn; trước khi rời bệnh viện về nhà.
Rửa tay cũng được thực hiện sau khi tiếp xúc với da lành lặn của bệnh nhân (ví dụ, lấy mạch nhiệt huyết áp hay nâng bệnh nhân; sau khi tiếp xúc với dịch tiết, niêm mạc, da không lành lặn và băng vết thương; sau khi tiếp xúc với những dụng cụ mà có khả năng bị nhiễm với một số lượng lớn các vi khuẩn; bao gồm những dụng cụ đo nước tiểu hay thùng chứa bệnh phẩm; sau khi tiếp xúc với những đồ vật cố định (kể cả thiết bị y tế) trong môi trường xung quanh bệnh nhân; sau khi tháo găng và sau khi đi vệ sinh.
“Tất cả chăm sóc sạch - nằm trong bàn tay bạn”
Cũng trong ngày 15/10/2019, BV Nguyễn Tri Phương tổ chức Ngày hội Vệ sinh tay. Đây là hoạt động thường niên của bệnh viện, do Hội đồng Kiểm soát Nhiễm khuẩn (KSNK) và khoa KSNK phát động nhằm nhắc nhở nhân viên y tế (NVYT) tại bệnh viện quan tâm đến “Vệ sinh tay, việc làm nhỏ - Lợi ích lớn” theo chủ đề hàng năm của thế giới. Năm 2019, theo định hướng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viện khởi xướng ngày hội Vệ sinh tay với chủ đề “Tất cả chăm sóc sạch - nằm trong bàn tay bạn”.
Theo WHO, vệ sinh tay là biện pháp đơn giản, rẻ tiền làm giảm 30% vi khuẩn gây bệnh, có hiệu quả góp phần đáng kể làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, hạn chế tình trạng lây lan của các mầm bệnh.
BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, hướng dẫn thân nhân người bệnh rửa tay (Ảnh: An Quý)
BSCKII. Võ Đức Chiến - Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, nhấn mạnh: “Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch không chỉ đơn giản và rẻ tiền mà còn có thể giảm đáng kể số trẻ nhỏ mắc bệnh cũng như tỷ lệ người mắc một số bệnh dễ lây nhiễm khác như: Giảm số người mắc bệnh tiêu chảy khoảng 23 - 40%, giảm số ngày vắng mặt do các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ em học sinh 29 - 57%, giảm 58% tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở những người có hệ miễn dịch yếu, giảm các bệnh về đường hô hấp, như cảm lạnh, trong dân số nói chung khoảng 16 - 21%.”
Trong ngày cổ động, lãnh đạo các khoa phòng của BV cùng đồng thuận ký cam kết tuân thủ vệ sinh tay. Trong dịp này Ban giám đốc đã khen thưởng các khoa phòng thực hiện tốt công tác vệ sinh tay nhằm khích lệ tinh thần của NVYT.
BSCKII Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định chương trình rửa tay thường xuyên trong bệnh viện cũng như tuyên truyền chủ động rửa tay trong cộng đồng những năm qua về cơ bản đã kiểm soát được một số bệnh lây nhiễm như về tiêu hoá, tay chân miệng…
Rửa tay là một vắc xin rẻ tiền, hữu hiệu làm giảm 30% vi khuẩn gây bệnh, góp phần đáng kể làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, hạn chế tình trạng lây lan của các mầm bệnh (Ảnh: An Quý)
Tuy nhiên, BS. Hưng cho rằng một trong những trở ngại hiện nay ý thức của bệnh nhân và người dân vẫn chưa tốt, nhất là thói quen vệ sinh thường quy, rửa tay sau khi đi vệ sinh, nấu nướng, chăm sóc người bệnh... Do đó, để thay đổi một thói quen của người bệnh và thân nhân, nhân viên trong bệnh viện cần tập trung truyền thông rửa tay đúng cách, đúng thời điểm trong cộng đồng, dần hình thành thói quen, hành vi có lợi cho sức khoẻ.
Ngày hội Vệ sinh tay được phát động vào ngày 15/10 hàng năm tại các bệnh viện không chỉ là đợt hưởng ứng phong trào “Ngày thế giới rửa tay – Global Handwashing Day” mà còn là dịp giúp toàn thể nhân viên bệnh viện nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc vệ sinh tay, đây là một hành động đơn giản, thiết thực nhưng lại mang lại hiệu quả to lớn góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn cho người bệnh, thân nhân bệnh nhân cũng như nhân viên y tế.
Xà phòng rửa tay có thể là dạng dung dịch nước hay xà phòng bánh. Tốt nhất nên dùng bình xà phòng dạng dung dịch có vòi.
Nếu dùng lại bình đựng dung dịch rửa tay, cần phải rửa sạch bình trước khi bỏ dung dịch mới vào, không bỏ dung dịch vào bình đang sử dụng còn một phần, vì sẽ làm cho xà phòng bị nhiễm khuẩn.
Nếu không có xà phòng nước, bánh xà phòng phải được đặt trên hộp đựng xà phòng có lỗ để nước nhỏ xuống sau khi sử dụng. Nên cắt xà phòng bánh thành từng miếng nhỏ để thay xà phòng thường xuyên hơn, ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh vật.
Nước rửa tay phải là nước chảy, nước máy hoặc nuớc sạch chứa trong thùng có nắp đậy kín và có vòi. Vòi nước nên có cần gạt, bồn rửa tay phải luôn giữ sạch, đặt ở vị trí tiện lợi. Nước tù đọng chứa trong hồ là nơi nuôi dưỡng vi sinh vật gây bệnh không nên sử dụng.