Bắn súng Việt Nam từ kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh nghịch lý của những chiếc bia giấy

26-08-2016 09:32 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là một trường hợp ngoại lệ, đột xuất mà kỳ tích của anh tại Olympic vượt quá xa nền tảng của bắn súng Việt Nam.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là một trường hợp ngoại lệ, đột xuất mà kỳ tích của anh tại Olympic vượt quá xa nền tảng của bắn súng Việt Nam. Quá khó để có thêm những Xuân Vinh với điều kiện gian khó về mọi mặt của môn này, nhất là một trường bắn đã lạc hậu, duy trì một hệ thống bia giấy mà thế giới đã bỏ từ lâu.

Nghịch lý tập bia giấy, bắn bia điện tử

Phải đến lúc trở thành tuyển thủ trọng điểm cách đây 4 năm, xạ thủ Xuân Vinh mới cơ bản thoát khỏi nghịch cảnh khi được ưu tiên có 3 đợt xuất ngoại tập huấn tại các trường bắn hiện đại của Hàn Quốc, dự tranh 7-10 giải quốc tế. Chính anh, trong cả chục năm trước đó đều đã phải quen với việc tập luyện bia giấy rồi đấu bia điện tử. Và giờ, cả làng bắn súng Việt, ngoại trừ Vinh và một vài xạ thủ hàng đầu khác, đều quanh năm suốt tháng chỉ tập luyện với bia giấy tại trường bắn Nhổn. Do điều kiện đã trở nên quá quen thuộc, dù các xạ thủ đã nỗ lực thích nghi để vượt khó thì đặc thù bia giấy vẫn hoàn toàn khác với bia điện tử, dẫn đến cảm giác và phản xạ cũng lệch hẳn nhau. Điểm yếu tâm lý của Xuân Vinh từng gặp phải suốt một thời gian suy cho cùng cũng xuất phát từ nguyên nhân của việc tập bia giấy, đấu bia điện tử ấy. Thảm trạng này càng trở thành một nguy cơ lớn đối với các xạ thủ Việt khi họ được cọ xát thi đấu quốc tế quá ít do sự bó buộc về kinh phí. Mỗi năm, cả môn bắn súng chỉ được cấp khoảng trên dưới 4 tỷ đồng. So với mặt bằng chung thế giới, chứ chưa nói đến những nền bắn súng phát triển, ngay cả một trụ cột cỡ Xuân Vinh, mức đầu tư dù thuộc diện ưu tiên đặc biệt cũng chỉ bằng 1/3 - 1/4. Với những người khác, sự chênh lệch và khác biệt càng quá rõ.

Với xuất phát điểm đầy thua thiệt như vậy nên trước các giải quốc tế, nhất là các đấu trường khốc liệt như Olympic hay ASIAD, cơ hội bắn đúng và bắn hết khả năng của các xạ thủ luôn không cao, thiếu hẳn sự ổn định về phong độ, tâm lý. Có thể tin chắc rằng, nếu các xạ thủ của ta trưởng thành từ cả quá trình được tập bia điện tử, với cơ số đạn đảm bảo, số giải đấu, cuộc tập huấn tăng thêm vài lần, mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. Và thành quả ngoạn mục của chính Xuân Vinh là một minh chứng sinh động.

Các xạ thủ của VN luôn phải tập luyện với bia giấy và thi đấu với bia điện tử.

Giấc mơ thập kỷ

Đến năm 2003, nhờ đăng cai SEA Games 22, một trường bắn mới có quy mô hiện đại được xây dựng tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Chỉ có điều, không hiểu sao, bia bắn tại đây vẫn là... bia giấy. Tức là chuyện bia giấy - bia điện tử vẫn chưa được giải quyết. Các xạ thủ tiếp tục phải chấp nhận tập luyện thi đấu trong nghịch cảnh. Hệ thống bia giấy tại trường bắn Nhổn sớm xuống cấp và ngày càng xuống cấp trầm trọng. Nó đã trở thành “của hiếm” ngay cả trong khu vực Đông Nam Á. Đơn cử, năm 2009, nước chủ nhà Lào xây dựng trường bắn để đăng cai SEA Games 25 cũng đã hiện đại và đồng bộ luôn bằng một  hệ thống bia điện tử “xịn”. Một trường bắn đạt tiêu chuẩn quốc tế vẫn là một giấc mơ của những người trong nghề mà chưa biết bao giờ mới có thể hiện thực hóa. Giấc mơ ấy nằm ngoài tầm với của họ và thậm chí cả Tổng cục TDTT vì để thay đổi, cần phải có một dự án lên tới hàng trăm tỷ đồng. Khoản kinh phí ấy quá lớn nên cả lãnh đạo ngành thể thao cùng bộ môn bắn súng đều rất nhiều “vấn đề” song cũng vẫn đang phải “bó tay”. Vì thế, những xạ thủ đủ sức tranh chấp huy chương của một môn đầy truyền thống này đã và đang phải đối mặt, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, được chừng nào hay chừng ấy. Kết thúc Olympic đại thắng, điều mà những người làm bắn súng mong mỏi và chờ đợi vẫn là chuyện làm sao để các xạ thủ được tập luyện trong điều kiện tiếp cận với chuẩn quốc tế, chí ít cũng được tập luyện thường xuyên với bia điện tử. HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Thị Nhung, người hùng Xuân Vinh khi được hỏi đều bày tỏ giấc mơ bắn súng Việt Nam sẽ có một trường bắn hiện đại để không chỉ giải quyết được những khó khăn, thiếu thốn thường trực mà còn làm bệ phóng để môn truyền thống này tiếp tục cất cánh. Lãnh đạo ngành thể thao cũng hứa sẽ xem xét xây dựng một đề án để trình các cấp có thẩm quyền, để nếu không xây dựng được một trường bắn mới, chí ít cũng nâng cấp cơ bản hệ thống bia giấy thành bia điện tử cho đúng chuẩn quốc tế.

Những người làm bắn súng Việt Nam đã đau đáu giấc mơ ấy trong suốt cả thập kỷ. Không hiểu sau cú đột phá phi thường của Xuân Vinh trên đỉnh Olympic, giấc mơ ấy có thành hiện thực hay vẫn là câu chuyện... hãy đợi đấy.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn