Bắn súng Việt Nam trước thềm ASIAD 17: Chạy đua khốc liệt

23-02-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Vẫn giữ được vị trí số 1 ở đấu trường SEA Games, đội tuyển bắn súng Việt Nam đã dẫn đầu tuyệt đối ở Myanmar 2013 với 7 HCV. Thế nhưng, đối với HLV Nguyễn Thị Nhung và các xạ thủ Xuân Vinh, Thành Đạt, Hoàng Ngọc hay Minh Châu..., phía trước còn cuộc chạy đua khốc liệt hơn đang chờ đợi.

SKĐS - Vẫn giữ được vị trí số 1 ở đấu trường SEA Games, đội tuyển bắn súng Việt Nam đã dẫn đầu tuyệt đối ở Myanmar 2013 với 7 HCV. Thế nhưng, đối với HLV Nguyễn Thị Nhung và các xạ thủ Xuân Vinh, Thành Đạt, Hoàng Ngọc hay Minh Châu..., phía trước còn cuộc chạy đua khốc liệt hơn đang chờ đợi.

Quyết tâm đổi màu huy chương tại Asiad

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (ảnh: Xuân Gụ)
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (ảnh: Xuân Gụ)

Việc chiếm ưu thế và dẫn đầu tại SEA Games đối với các xạ thủ Việt Nam lúc này có thể xem là điều đương nhiên khi đội tuyển bắn súng của chúng ta sở hữu những gương mặt xuất sắc, vượt khỏi tầm khu vực, đồng thời tranh chấp thành tích với châu Á và thế giới. Mục tiêu gần của bắn súng Việt Nam là Asiad 17 (tháng 9/2014). Thành tích hiện nay của bắn súng qua các kỳ Asiad còn rất khiêm tốn. Vì vậy, quyết tâm đổi màu huy chương ở Asiad 17 tới là gánh nặng trách nhiệm và các xạ thủ được “chỉ mặt, giao vàng” là Hà Minh Thành, Kiều Thanh Tú, Bùi Quang Nam (súng ngắn bắn nhanh), Hoàng Xuân Vinh (súng ngắn hơi, súng ngắn ổ quay nam), Đặng Hồng Hà (súng trường di động nữ), Triệu Thị Hoa Hồng, Lê Thị Hoàng Ngọc, Nguyễn Minh Châu (súng ngắn nữ), Nguyễn Thành Đạt (súng trường nam), Nguyễn Thị Phương (súng trường nữ).

 

Xạ thủ Lê Thị Hoàng Ngọc
Xạ thủ Lê Thị Hoàng Ngọc

 

Đặc biệt là 2 cái tên Hà Minh Thành và Hoàng Xuân Vinh. Cách đây 4 năm, Hà Minh Thành trở thành xạ thủ duy nhất đem về cho bắn súng Việt Nam tấm HCB ở Asiad 16. Thành khi đó xếp nhì ở lượt bắn chung kết nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh, chỉ sau xạ thủ Li Yuehong (Trung Quốc). Tới nay, HLV Nguyễn Thị Nhung vẫn không khỏi nuối tiếc khi nhắc lại việc học trò của bà để vuột tấm HCV Asiad trong gang tấc. Trong năm 2014, Thành sẽ được đi tập huấn ở Hàn Quốc và Đức. Bà Nhung cho biết: “Được tập huấn ở Đức sẽ có thể đưa trình độ súng ngắn bắn nhanh của Hà Minh Thành lên một tầm cao mới bởi đây là nội dung trọng điểm của Olympic, có rất nhiều xạ thủ lớn tham gia thi đấu mà hiện nay Đức là vô địch ở nội dung này. Tuy nhiên, kinh phí cho 1 ngày tập luyện cùng với chuyên gia quá lớn, song nếu quyết tâm thì vấn đề nào cũng có thể giải quyết được”.

Còn xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hiện là người anh cả của đội tuyển bắn súng Việt Nam. Anh trở thành xạ thủ Việt Nam đầu tiên giành vé chính thức dự Olympic năm ngoái. Anh cũng chính là trọng điểm của bắn súng Việt Nam tại Asiad 17. Bên cạnh đó, với một số cá nhân đã tiệm cận với thành tích châu lục và thế giới, chúng ta cũng nhắm tới một số nội dung đồng đội như: súng ngắn bắn nhanh, đồng đội súng ngắn ổ quay, súng trường di động nam, nữ. Các nội dung này đều có khả năng tranh chấp HCV tại Asiad. Bắn súng Việt Nam đã có được chỗ đứng đáng nể ở sân chơi châu lục.

Tập huấn trường kỳ ngay tại “xứ Kim chi”

Tại châu Á, bắn súng Hàn Quốc hiện được xem là số 1. Cách đào tạo VĐV bài bản và đặc biệt là nêu cao tinh thần kỷ luật, sự tự tin đã mang lại thành danh cho bắn súng nước này.

Về kế hoạch hoạt động năm 2014, HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung khẳng định: “Việc đội tuyển chuyển hướng sang Hàn Quốc tập luyện là hoàn toàn đúng đắn. Tại đây, các xạ thủ đã được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại, được học hỏi nhiều về phương pháp đào tạo VĐV bắn súng của quốc gia số 1 châu lục. Đặc biệt, các HLV Hàn Quốc rất giỏi về huấn luyện tâm lý. Họ luôn biết giúp các xạ thủ có lòng tin, biết vượt qua khủng hoảng tinh thần. Lâu nay, bắn súng Việt Nam vẫn được cho là giàu bản lĩnh vì thường các xạ thủ chỉ tập chay (ít khi được tập với đạn thật vì thiếu kinh phí) nhưng vẫn đoạt những tấm HCV thật. Năm nay, trường bắn bia điện tử tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội sắp đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Trọng Hổ - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trường bắn đã gần như hoàn thiện, bây giờ chỉ còn lắp đặt máy móc và vận hành thử, chuyển giao công nghệ là xong. Chúng tôi tin rằng ngay sau Tết, các xạ thủ sẽ được tập trong môi trường không kém gì các trường bắn hiện đại quốc tế”. Được tập trong môi trường chuyên nghiệp không chỉ là ước mơ của các xạ thủ trong đội tuyển quốc gia mà còn đáp ứng được nhu cầu của đội tuyển trẻ, các đội tuyển địa phương sẽ sớm “xếp hàng” để được tham gia tập luyện tại trường bắn bia điện tử hiện đại này. 

Bích Việt

 

 

 


Ý kiến của bạn