1. Những ảnh hưởng sức khỏe khi tiêu thụ quá nhiều đường
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn quá nhiều đường có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe như làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, rối loạn chuyển hoá, đái tháo đường, trầm cảm, gout, bệnh tim và một số bệnh ung thư...
Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, đồ uống có đường, nước ngọt có gas, thực phẩm chế biến sẵn… có thể gây mất cân bằng và thiếu hụt chất dinh dưỡng. Thực phẩm chứa nhiều đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no.
Trên thực tế, việc tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có đường được coi là rất nguy hại đối với sức khỏe và là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì, đặc biệt ở trẻ em.
Trẻ béo phì dễ có nguy cơ tăng huyết áp và cholesterol trong máu cao. Cả hai đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch trong tương lai.
Trẻ em béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn những trẻ bình thường. Chúng cũng có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hô hấp như ngừng thở khi ngủ, hen suyễn, bị các vấn đề về khớp, gan nhiễm mỡ…
Có một mối liên hệ giữa thừa cân hoặc béo phì và bệnh đái đường type 2. Theo thời gian, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và đồ uống có nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân, béo phì. Và béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Đái tháo đường cũng là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch. Đây là một căn bệnh khác với các nguy cơ ảnh hưởng lâu dài nghiêm trọng.
Sử dụng nhiều đồ uống có đường cũng làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi và vitamin. Không những thế, chúng còn làm cạn kiệt vitamin khỏi cơ thể trong quá trình tiêu hóa, ví dụ như vitamin B tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose.
2. Nhiều người đang ăn quá nhiều đường mà không biết
Tất cả chúng ta đều biết rằng các món ngọt như: bánh ngọt, bánh quy, kẹo, mứt, kem, nước ngọt… là nguồn thực phẩm chứa đường. Thông thường, mọi người thường chú ý đến những thực phẩm phổ biến chứa đường như trên mà không để ý các sản phẩm khác như: nước sốt, gia vị, nước trái cây đóng hộp, sữa chua, ngũ cốc ăn liền, đồ uống như cà phê, trà, đồ ăn nhẹ… cũng có thể được thêm đường dẫn đến tiêu thụ quá nhiều đường mà không biết.
Có hai loại đường là đường tự nhiên và đường bổ sung. Đường tự nhiên có trong các loại thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, ngũ cốc… Đường bổ sung là thành phần chính trong các loại bánh, kẹo, nước ngọt, mứt, thực phẩm chế biến sẵn…
Đặc biệt, các loại bánh, kẹo, nước ngọt chứa rất nhiều đường bổ sung. Đường cũng có thể được ẩn trong các sản phẩm có vẻ bổ dưỡng như sữa chua, ngũ cốc ăn liền, các loại nước sốt… Đồ uống có chứa đường bổ sung bao gồm:
- Soda thông thường
- Đồ uống thể thao
- Nước có hương vị
- Nước trái cây đóng hộp
- Trà ngọt
- Cà phê hòa tan…
3. Nên ăn bao nhiêu đường mỗi ngày?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khẩu phần một ngày của mỗi người, lượng đường tự do chỉ nên chiếm không quá 10% năng lượng và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để bảo vệ sức khoẻ. Tương đương dưới 25-50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo, trẻ em từ 2 - 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25g) mỗi ngày, tức là dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và đồ uống có đường nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Vì vậy, khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ, chúng ta cần chú ý đọc nhãn thực phẩm để phát hiện ra lượng đường được thêm vào. Tốt nhất nên lựa chọn các thực phẩm nguyên chất như: sữa không đường, sữa chua nguyên chất, nước tinh khiết, nước sốt không đường, trái cây tươi… để loại bỏ lượng đường dư thừa không tốt cho sức khỏe.
Xem thêm video đang được quan tâm
Ăn cá hay thịt tốt hơn | SKĐS