Không thiếu tác phẩm đậm bản sắc văn hóa, tính dân tộc
TS. Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, tính dân tộc trong tác phẩm điện ảnh Việt Nam thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng tập trung rõ nhất ở 3 điểm: Tư tưởng, tâm hồn và những nét sinh hoạt của một dân tộc.
Đặt trong bất kỳ một thời kỳ lịch sử nào, phim truyện đã thể hiện các yếu tố đó ở chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, ở chủ nghĩa anh hùng bình dị với cuộc sống giản dị, bình thường, sự gắn bó với ông bà tổ tiên, mối quan hệ gắn kết hữu cơ giữa gia đình và xã hội.
Tính nhân văn là một điểm mạnh của phim truyện, có sức mạnh chinh phục mang tính toàn cầu. Đây không phải là đặc trưng riêng của Việt Nam, song tính nhân văn lại mang tâm hồn dân tộc của chính quốc gia đó. Điều quan trọng là tinh thần nhân văn của phim Việt được thể hiện theo tâm hồn, cốt cách Việt Nam, tạo nên nét đặc sắc của tác phẩm…
Nhiều cuộc bàn tròn về bản sắc văn hóa, tính dân tộc của tác phẩm điện ảnh trong thời đại mới, giới chuyên môn khẳng định những yếu tố này làm nên "chất" của một bộ phim. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, tính dân tộc là những bản sắc riêng biệt, độc đáo của dân tộc đó, làm cho người xem dễ nhận ra nhất.
Dòng chảy điện ảnh Việt Nam nói chung đã có những tác phẩm được yêu thích, khán giả quan tâm và đánh giá cao khi nêu bật được bản sắc văn hóa, tính dân tộc. "Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Đời cát, Bến không chồng, Thung lũng hoang vắng... là những tác phẩm thể hiện rõ bản sắc dân tộc, và trong đó có sự hiện đại, tiên tiến", TS. Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL đánh giá.
Cùng với đó, không ít bộ phim đã để lại dấu ấn đậm nét khi toát lên tính dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam. Phim Đời cát là câu chuyện éo le của những con người sau cuộc chiến; Áo lụa Hà Đông mô tả câu chuyện về đời sống hàng ngày của một gia đình nghèo ở Hội An và cuộc đấu tranh để sinh tồn trong cảnh ngộ khó khăn; Canh bạc là bộ phim âm thầm khơi mạch nguồn cuộc sống của nhân dân; Thương nhớ đồng quê phản ánh sự xao động đổi thay từ tâm tư đến nhịp sống thường ngày của làng quê vốn yên ả sau lũy tre xanh.
Cây bạch đàn vô danh cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc và đem đến cho khán giả những cảm xúc đặc biệt. Xem phim, khán giả nhận ra chuỗi những mất mát và nỗi cô đơn trong chiến tranh, sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh không chỉ ở tiền tuyến mà cả ở hậu phương trong sự chờ đợi, cô đơn, khát khao, giằng xé của những người vợ, người mẹ, người cha có người thân nơi chiến trường.
Ngoài ra, rất nhiều tác phẩm trở thành những bộ phim đi cùng năm tháng, trở thành niềm tự hào của điện ảnh Việt: Sao Tháng Tám, Hà Nội mùa chim làm tổ, Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Số đỏ, Vị đắng tình yêu, Hoa ban đỏ, Long thành cầm giả ca, Cánh đồng bất tận… Thời gian gần đây có Song lang, Cô Ba Sài Gòn, Hai Phượng…
Những bộ phim kể trên được yêu thích vì đã bám sát hiện thực sinh động và sự đa dạng của dân tộc trong các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là cuộc sống hôm nay khi đất nước tiếp tục cuộc hành trình đổi mới và hội nhập. Những chiều sâu nội tâm, những số phận nghiệt ngã của con người được miêu tả sinh động, thể hiện rõ nét tính cách dân tộc, tính cộng đồng...
Nhiều trăn trở
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lần dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, ngoài việc ghi nhận điện ảnh Việt có những thành tựu nhất định thì ông cũng chỉ ra những mặt tồn tại điện ảnh nước nhà. Cụ thể, điện ảnh Việt thiếu những tác phẩm lớn mang tầm vóc dân tộc, thời đại. Số lượng phim điện ảnh, phim truyền hình về đề tài chính luận còn hạn chế, phim về đề tài lịch sử phần nhiều còn chưa thoát được khuôn sáo…
Làm gì để đưa bản sắc văn hóa, tính dân tộc, để định vị phim "made in Việt Nam" luôn là trăn trở với những người làm điện ảnh thời gian qua. Do sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, nhà phát hành nên phim Việt sa đà vào tính giải trí hoặc những câu chuyện tình bi lụy, tình yêu tay ba, hôn nhân gia đình đổ vỡ, bạo lực, phản cảm...
Dẫn chứng để thấy phim Việt thiếu đi bản sắc văn hóa, tính dân tộc được thể hiện ở đề tài hôn nhân gia đình. Gần đây, đề tài này được các nhà làm phim khai thác ngày một nhiều. Dù có những chi tiết, câu chuyện gần gũi với đời sống song một sự thật ai cũng nhận ra, nhiều tác phẩm đề cập đến chuyện tiểu tam, ngoại tình, vợ chồng ly hôn... vô tình đã lan tỏa cho điều không mấy tốt đẹp này.
Về nhà đi con là phim truyền hình "gây bão" nhưng có lúc người xem "nghẹn" lại vì nam chính trong phim vui vẻ bên người tình ngay cả lúc vợ vào viện sinh con. Hoa hồng trên ngực trái, nam chính đã có sự nghiệp ổn định, vợ đảm, con ngoan nhưng vẫn ngoại tình và chết mê chết mệt với cô gái trẻ là nhân viên. Thậm chí nam chính Hoa hồng trên ngực trái công khai ngoại tình, tìm mọi cách để bảo vệ "bồ", chửi bới, sỉ nhục vợ và phủi sạch những hy sinh của vợ.
Hướng dương ngược nắng là phim truyền hình hút người xem nhưng đem đến hình ảnh người phụ nữ lẳng lơ, mê trai từ thuở con gái đến tuổi trung niên và có con cái đã trưởng thành. Chưa kể bộ phim có tuyến nhân vật với gốc gác liên quan đến việc ngoại tình, phản bội và lừa dối phi thực tiễn. Tương tự, phim truyền hình về tiểu tam, ngoại tình đã được thể hiện nhiều tác phẩm khác: Đừng bắt em phải quên, Cả một đời ân oán, Bán chồng, Tình khúc Bạch Dương, Heo may qua phố, Mưa bóng mây, Hôn nhân trong ngõ hẹp…
Câu hỏi được nhiều khán giả đặt ra khi xem các phim trên: Đời sống hôn nhân, gia đình ở nước ta chỉ toàn đổ vỡ, chuyện "ông ăn chả bà ăn nem", kẻ chen ngang phá vỡ hạnh phúc người khác vậy sao? Dù ý đồ của các nhà làm phim về hôn nhân gia đình thế nào đi chăng nữa, nó có thể gây hiệu ứng ngược là ảnh hưởng xấu về mặt tư tưởng, thuần phong mỹ tục và cái nhìn không đúng mực của đời sống gia đình, hôn nhân ở nước ta.
Ở lĩnh vực phim điện ảnh, nhiều tác phẩm mang tính bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng bị tuýt còi hoặc khán giả phản ứng. Bẫy cấp 3 bị Cục Điện ảnh bị cấm phát hành vì có quá nhiều chi tiết phi lý và chứa nhiều nội dung mang tính bạo lực, chuyện giường chiếu của lứa tuổi học sinh không phù hợp với đạo đức cũng như lối sống của người Việt. Phim Vị dù giành một số nhiều giải thưởng ở nước ngoài nhưng gần đây đã bị cấm chiếu ở Việt Nam do cảnh khỏa thân của các nhân vật kéo dài, hình ảnh các nhân vật sinh hoạt trong phim như thời tiền sử.
Rừng xác sống - bộ phim kinh dị chứa quá nhiều cảnh kinh dị và có yếu tố tâm linh không lành mạnh cũng phải đắp chiếu. Bụi đời Chợ Lớn cũng vĩnh viễn không thể ra rạp dù được đầu tư lớn, có những cảnh hành động kịch tính, do phim mô tả về những cuộc giao chiến đẫm máu giữa các băng nhóm giang hồ ở vùng Chợ Lớn, Sài Gòn để tranh giành địa bàn.
Đạo diễn, biên kịch Lê Lâm chia sẻ: "Tôi thấy có những bộ phim bạo lực, hỗn loạn, tranh đấu giữa các phe phái được xây dựng bắt chước các phim nước ngoài. Nhiều người nước ngoài không biết về nước ta, khi xem những bộ phim ấy sẽ đánh giá rằng xứ mình quá hỗn loạn. Mà sự thật đâu có như vậy".
Để phim Việt mang bản sắc văn hóa, tính dân tộc phải làm gì?
Nguyên nhân điện ảnh Việt thiếu hụt tác phẩm mang bản sắc văn hóa, tính dân tộc có nhiều, nhưng nhìn chung chúng ta thiếu biên kịch, đạo diễn, diễn viên… tài năng và đặc biệt những người am hiểu văn hóa dân tộc không nhiều. Bên cạnh đó, xã hội ngày một phát triển, thị hiếu khán giả thay đổi từng ngày nên các nhà sản xuất cũng phải chạy theo nếu không muốn khóc ròng vì thua lỗ.
Theo NSND Trà Giang, điện ảnh Việt Nam phải mang được màu sắc văn hóa Việt Nam, tâm hồn con người, tính nhân văn Việt Nam vào trong tác phẩm nhiều hơn. Nếu làm được điều này, khán giả trong và ngoài nước mới hiểu được đời sống của người, tâm hồn người Việt thế nào, dân tộc đã trải qua ra sao để có Việt Nam ngày hôm nay.
Đạo diễn – NSND Nguyễn Hữu Phần nêu quan điểm, nếu tác giả phản ánh chân thực (không cố tình bịa đặt, thêm thắt những yếu tố ngoại lai vào) chắc chắn phim Việt sẽ có tính dân tộc. Cộng thêm tài năng và sự hiểu biết của các nghệ sĩ sẽ khai thác sâu sắc, tinh tế hơn vào những chi tiết, ứng xử, cảnh sắc làm cho màu sắc của dân tộc mà các nhân vật đang sống nổi bật, gây được ấn tượng sâu sắc với người xem. Được vậy, tác phẩm điện ảnh sẽ chân thực, sâu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc hơn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương từng đúc kết, yếu tố cần và đủ để làm nên bản sắc văn hóa, tính dân tộc của điện ảnh Việt Nam là tài năng - vốn sống - tấm lòng người nghệ sĩ dành cho đất nước và dân tộc. Người nghệ sĩ phải không ngừng học tập, nghiên cứu, bền bỉ khám phá cuộc sống muôn màu, muôn vẻ để phản ánh chân thật và hùng hồn công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Xem thêm video đang được quan tâm:
MV Vì chúng ta yêu – Sống là hy vọng của Trọng Hiếu lan tỏa năng lượng tích cực mùa COVID-19.