Bản quyền Quốc ca nhìn từ nhiều góc độ

07-12-2021 17:11 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Buổi phát trực tiếp trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với Lào tại AFF Cup 2020 trên Youtube tối 6/12 bị tắt tiếng phần lễ Quốc ca đang được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt.

Quốc ca Việt Nam lại bị "đánh bản quyền" trên Youtube?Quốc ca Việt Nam lại bị 'đánh bản quyền' trên Youtube?

SKĐS - Khán giả xem trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam – Lào tại giải AFF Cup 2020 tối ngày hôm qua, 6/12 trên Youtube đã không được nghe 'Tiến quân ca'. Vì sao vậy?

Khán giả không được nghe Quốc ca, lỗi do ai?

Do lo ngại bị mất doanh thu và vi phạm bản quyền ghi âm bản nhạc Tiến quân ca – Quốc ca của Việt Nam, kênh Youtube Next Sports khi phát trực tiếp trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào tối 6/12 trên Youtube đã cắt tắt âm thanh màn cử hành quốc ca của cả hai đội. Đây là một sự việc chưa có tiền lệ, lần đầu tiên xảy ra khi khán giả một trận theo dõi bóng đá trực tiếp Youtube mà người xem không được nghe Quốc ca của Việt Nam vang lên.

Bản quyền Quốc ca từ nhiều góc độ - Ảnh 2.

Khi phát trực tiếp trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào tối 6/12 trên Youtube, đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng đã cắt tắt âm thanh màn cử hành quốc ca của cả hai đội.

Sự việc này đã khiến dư luận rất bức xúc bởi Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, ra đời hơn 70 năm trước, trải qua thời gian đã đồng hành với lịch sử dân tộc, luôn được vang lên trong các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, trong đó có các trận đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài đều hát ca khúc này như một biểu tượng thiêng liêng về Tổ quốc Việt Nam và tiếp tục vang mãi như một lời hiệu triệu non sông.

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra, ai là... thủ phạm trong việc tắt tiếng màn cử hành quốc ca của hai đội Việt Nam và Lào trên sóng trực tiếp Youtube. Nhiều người nghi vấn BH Media – đơn vị gần đây cho biết được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi Tiến quân ca trên nền tảng số có liên quan đến việc này.

Tuy nhiên, BH Media khẳng định không có bất cứ động thái nào về việc "đánh bản quyền" của bản ghi âm Quốc ca Việt Nam khi Next Sports phát trực tiếp trên Youtube. BH Media cũng không biết bản ghi âm Quốc ca Việt Nam phát ở trận đấu này do đơn vị nào sản xuất và cho rằng, Next Sports tự tắt tiếng phần quốc ca để phòng xa, tránh đi vào vết xe đổ của một đơn vị đã gặp phải sự cố do vi phạm bản quyền bản ghi âm Tiến quân ca thuộc sở hữu của một đơn vị nước ngoài vào tháng 11/2021, khi phát trong trận Việt Nam gặp Saudi Arabia trên nền tảng số.

Bản quyền Quốc ca từ nhiều góc độ - Ảnh 3.

Đội tuyển Việt Nam hát quốc ca trong một trận thi đấu quốc tế. (Ảnh VFF).

Bản thân Next Sports cũng có dòng chữ thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ" khi phát sóng trực tiếp trên kênh Youtube tối 6/12. Như vậy, đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng trận Việt Nam và Lào tại AFF Cup 2020 đã chủ động tắt tiếng phần lễ Quốc ca do lo ngại vi phạm bản quyền bản ghi âm Tiến quân ca. Việc đề phòng này dẫn đến sự việc khán giả không được nghe các cầu thủ Việt Nam hát vang Quốc ca trên kênh Youtube phát trực tiếp, dư luận và người hâm mộ vì thế rất bức xúc.

Về vấn đề này, ngày 7/12/2021, Bộ VH-TT&DL phát đi ý kiến chính thức: Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

"Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ VH-TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam", thông báo của Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh.

Cần phải xác định chủ sở hữu Tiến quân ca

Cùng với sự việc trên, việc BH Media gần đây cho biết được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi Tiến quân ca trên nền tảng số, dư luận rất quan tâm điều này.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó GĐ Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), chúng ta cần phải phân định rõ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Những bản gốc tác phẩm như Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác thì họ có quyền tác giả (còn gọi là tác quyền, bản quyền) đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Còn đối với bản quyền bản ghi tác phẩm được coi là quyền liên quan đến quyền tác giả.

Bản quyền Quốc ca từ nhiều góc độ - Ảnh 4.

Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bài hát do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944.

Sự khác nhau của hai loại quyền này là quyền tác giả bảo hộ tác phẩm của tác giả sáng tạo ra hoặc sở hữu; quyền liên quan là quyền được trao cho một, một vài nhóm người vì vai trò quan trọng của họ đối với việc truyền bá và phổ biến một số loại hình tác phẩm đến với công chúng.

Tác giả có đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản (được quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019). Quyền liên quan đến quyền tác giả, cụ thể ở đây là quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền (i) sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hành của mình; (ii) nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kì phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

Đồng thời, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng. Như vậy, bản quyền của tác giả là bản quyền đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra, còn bản quyền của nhà sản xuất tác phẩm là bản quyền của bản ghi âm, ghi hình do mình đầu tư công sức, tiền bạc, kĩ thuật thực hiện. Các bên có quyền lợi khác nhau đối với bản quyền đối tượng sản phẩm của mình.

Bản quyền Quốc ca từ nhiều góc độ - Ảnh 5.

Thế hệ trẻ khi cất tiếng hát Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam.

Đối với việc BH Media nhận là chủ sở hữu bản quyền bản ghi âm Tiến quân ca, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng cơ quan chức năng cần thiết phải vào cuộc để xác minh, làm rõ hiện tại tác phẩm Tiến quân ca thuộc quyền sở hữu của ai, của Nhà nước hay của toàn dân. Nếu BH Media xác nhận quyền sở hữu phải đưa ra bằng chứng về mối quan hệ của họ với sản phẩm này.

BH Media có được sử dụng tác dụng tác phẩm không? Người tổ chức bản ghi âm, ghi hình có mối quan hệ gì với họ không? Quyền của họ với bản ghi âm, ghi hình chứ không phải nội dung bài hát. Nếu Hồ Gươm Audio là đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình này, cần xem xét đơn vị này nắm giữ quyền với bản ghi này ra sao. Bản ghi sản xuất trên đĩa CD sẽ là hành vi phân phối, đưa lên mạng là hành vi truyền tải tác phẩm tới công chúng. Cần xem xét Hồ Gươm Audio có quyền truyền tải hay không?

Nếu là bài hát của quốc gia thì không được khai thác kinh doanh

Từ sự việc của Next Sports, nhiều ý kiến cho rằng Bộ VH-TT&DL cần chỉ đạo một đơn vị nghệ thuật nào đó biểu diễn Quốc ca, rồi ghi âm và đăng tải trên mạng. Sau đó Bộ này ra thông báo để các tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng bản ghi âm Quốc ca này đúng mục đích và theo luật định. Nếu như vậy sẽ không còn tình trạng "tắt" phần âm thanh Quốc ca như Next Sports đã làm trong buổi phát trực tiếp trận Việt Nam và Lào vừa qua.

Về câu chuyện này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đưa ra quan điểm, bài hát gốc là 1 bức tranh trắng đen, mỗi ca sĩ/ đơn vị/ công ty muốn sử dụng thì phải xin phép tác giả/ chủ sở hữu và tô màu (sản xuất bản ghi: hoà âm, thu âm giọng ca sĩ) lên đó rồi khai thác kinh doanh trên chính bản ghi đó, trả tác quyền/ lợi nhuận cho tác giả/ chủ sở hữu bài hát gốc.

Nếu đơn vị khác muốn sử dụng, muốn khai thác thì thực hiện bản ghi mới, thì xin phép tác giả/chủ sở hữu của bài hát, chứ không phải xin phép đơn vị sản xuất bản ghi.

Nếu bài hát được tác giả trao/tặng cho quốc gia thành tài sản chung nghĩa là tác giả đã trao tặng hoàn toàn quyền tác giả và quyền nhân thân (quyền lớn nhất đối với 1 tác phẩm âm nhạc), thì bất cứ ai cũng được hát, được biểu diễn, được trình chiếu trên 1 bản ghi mới (bản hoà âm mới), nhưng không ai được phép tự ý sửa đổi lời bài hát, không được khai thác kinh doanh dù cho mình là chủ sở hữu bản ghi. Đồng thời cũng không có quyền sở hữu, cho phép hay cấm đoán các đơn vị khác sản xuất hoặc biểu diễn hoặc phát sóng bài hát này.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã luật hóa để bảo vệ, gìn giữ cũng như lan tỏa Quốc ca nước họ. Theo Tân Hoa Xã, Quốc hội Trung Quốc tháng 9/2019 thông qua luật quy định nhằm ngăn chặn việc lạm dụng, xuyên tạc và bôi nhọ Quốc ca của CHND Trung Hoa. Điều luật sẽ cấm người dân sử dụng ca khúc Nghĩa dũng quân tiến hành khúc – Quốc ca của Trung Quốc làm nhạc nền tại các địa điểm công cộng. Luật này cũng nghiêm cấm sử dụng quốc ca cho mục đích quảng cáo thương mại.

South China Morning Post cũng đưa tin, tháng 6/202, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã thông qua dự luật quốc ca, theo đó sẽ bỏ tù đối với những ai xúc phạm quốc ca Trung Quốc. Luật cũng yêu cầu "mọi cá nhân và tổ chức" phải thể hiện thái độ tôn trọng, trang nghiêm với quốc ca Trung Quốc.

Thái Lan cũng có luật buộc khán giả đến rạp phim phải đứng nghiêm khi quốc ca được cử hành. Tại đất nước chùa Vàng, quốc ca được cử hành lúc 8 giờ sáng và 6 giờ chiều/ngày, trên loa phát ở trường học, công sở, bãi đậu xe và ga đường sắt. Công dân được khuyến khích đứng nghiêm và giữ im lặng.

Hạ viện Phillipines từng thông qua dự luật, công dân không hát quốc ca Lupang Hinirang nhiệt tình ở nơi công cộng sẽ bị kết án tù 1 năm, phải nộp phạt số tiền từ 1.000 đến 2.000 USD. "Việc hát quốc ca là bắt buộc và phải hát thật nhiệt tình. Việc xem thường, trêu chọc, làm mất danh dự của quốc ca phải bị trừng phạt", theo dự luật Hạ viện Phillipines từng thông qua.

Mở cửa Triển lãm sắp đặt gốm đương đại 'Loong Koong'Mở cửa Triển lãm sắp đặt gốm đương đại "Loong Koong"

Từ ngày 08/12/2021, Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ mở cửa triển lãm gốm "Loong Koong". Đây là triển lãm nghệ thuật giới thiệu gần 50 tác phẩm gốm của hai nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu và Bùi Quốc Khánh với chủ đề xuyên suốt từ truyền thống cho tới những phản ánh hiện thực xã hội ngày nay.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn