Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn - Nỗ lực bảo vệ rừng

22-10-2018 14:00 | Tin nóng y tế

SKĐS - Đóng chân trên địa bàn huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn luôn xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm.

Các khó khăn khách quan ngày càng nhiều như: Lực lượng mỏng, đại đa số đồng bào dân tộc tại chỗ cũng như đồng bào di cư ở các xã Ea Wer, Ea Huar, Krông Na (huyện Buôn Đôn) và các xã lân cận ven rừng không từ bỏ thói quen muốn xâm hại đất rừng để tăng gia sản xuất. Lực lượng bảo vệ rừng phải tăng cường tuyên truyền liên tục.

Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn luôn nỗ lực giữ rừng.

Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn luôn nỗ lực giữ rừng.

Tổng số cán bộ, công nhân viên của Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn hiện nay chỉ có 16 người nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của Sở NN&PTNT Đắk Lắk, Huyện ủy Buôn Đôn, UBND huyện Buôn Đôn, sự chỉ đạo giúp đỡ của các ngành, các chủ trương, chính sách của Đảng với ngành cùng với nỗ lực của mỗi cán bộ trong Ban nên đã hạn chế được tối đa việc xâm hại rừng.

Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn có 5 trạm quản lý bảo vệ rừng, mỗi trạm chỉ có 01 - 02 người nên luôn phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm khi gặp các đối tượng phá rừng manh động. Vậy nên, đơn vị đã túc trực liên tục, phân công lịch trực lãnh đạo cụ thể, tổ chức họp chỉ đạo 24/24 giờ nhằm ngăn chặn việc khai thác vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm nương rẫy trái phép. Các trạm quản lý bảo vệ rừng đều có nhật trình công tác ghi cụ thể hàng ngày, tuần, tháng để báo cáo tình hình cụ thể khi họp giao ban về công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị. Giữa các trạm liên tục phối hợp ngăn chặn các phương tiện vào rừng trái phép và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau khi có sự việc xảy ra.

Do lực lượng quá mỏng nên mỗi nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn phải quản lý từ 01 tiểu khu trở lên. Khi có dấu hiệu “lâm tặc” vào rừng, các nhân viên phải khẩn cấp báo cáo để có phương án xử lý. Để vận dụng tối đa công suất làm việc của các bộ, nhân viên, ngay bộ phận văn phòng của Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cũng phải thường xuyên đi vào rừng kiểm tra, giám sát các trạm trong việc thực thi công tác quản lý, bảo vệ rừng, sẵn sàng triển khai công việc nếu có sự việc xảy ra.

Cùng với nỗi lực tối đa của mỗi cá nhân, Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn còn phối hợp chặt chẽ với Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn để lập hồ sơ, xử lý các vụ vi phạm theo đúng quy định của pháp luật đồng thời tăng cường làm các bảng, biểu PCCCR, bảng cấm lửa, cấm mọi phương tiện vào rừng và cấm phá rừng làm nương rẫy, cấm mọi hành vi xâm hại rừng trái phép.

Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, dẫu thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, người dân quanh rừng ý thức về đề phòng cháy rừng chưa cao nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn đã không để xảy ra bất cứ vụ cháy rừng nào. Bên cạnh đó, ngăn chặn kịp thời 8 vụ lấn chiếm đất rừng, chuyển hồ sơ cho Hạt kiểm lâm huyện xử phạt hành chính số tiền hơn 97 triệu đồng.

Thực tế, các hành vi khai thác, lấn chiếm rừng diễn biến rất phức tạp, tinh vi. Các đối tượng lại manh động nên việc tăng cường công cụ hỗ trợ và nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ rừng là điều rất cần thiết. Ngoài việc giao ban thường xuyên và ghi nhật trình công tác liên tục thì để công tác bảo vệ rừng tốt hơn, Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn còn ký kết với chính quyền địa phương các xã Quy chế phối kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ký kết kế hoạch với Hạt kiểm lâm huyện trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng.

Để kịp thời trấn áp các đối tượng phá rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cũng đã ký kết quy chế phối hợp với: Công an huyện, Huyện đội, Tiểu đoàn huấn luyện cơ động D19 và các đơn vị chủ rừng giáp ranh để thực thi công tác quản lý, bảo vệ rừng được hiệu quả nhất.

Cùng với sự nỗ lực của các cán bộ, nhân viên thì Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn vẫn luôn mong muốn các ngành chức năng cần có giải pháp ổn định cho số đồng bào dân tộc di cư từ miền Bắc vào để giảm áp lực với công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị, giảm việc lấn chiếm đất rừng. Bên cạnh đó, mong muốn được sớm tăng thêm biên chế để đảm bảo đủ biên chế cho các Trạm Quản lý bảo vệ rừng vì thực tế với lực lượng quản lý bảo vệ rừng hiện nay của đơn vị quá mỏng (bình quân 02 người/trạm), không tương xứng với nhiệm vụ được giao, không đảm bảo về mặt tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao.


ĐÔNG HƯNG
Ý kiến của bạn