Hà Nội

Ban Nội chính TƯ từng chi tiền "mua tin" tố tham nhũng vụ Vinalines

06-06-2014 07:13 | Thời sự
google news

“Ban Nội chính Trung ương đã chi tiền cho những tin tố giác tham nhũng có giá trị. Nhờ đó làm sáng tỏ một số vụ án, trong đó có vụ án lớn dư luận đặc biệt quan tâm”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nói.

“Ban Nội chính Trung ương đã chi tiền cho những tin tố giác tham nhũng có giá trị. Nhờ đó làm sáng tỏ một số vụ án, trong đó có vụ án lớn dư luận đặc biệt quan tâm”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nói.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương trao đổi với báo chí về cơ chế mua tin tố giác tội phạm tham nhũng từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng vừa được đơn vị này triển khai xuống các địa phương.

Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng có chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội rằng việc triển khai cơ chế mua tin tố giác tội phạm tham nhũng không phải họ nghĩ ra mà được sự chỉ đạo từ Ban Nội chính Trung ương. Vậy xin ông cho biết, tại sao Ban Nội chính Trung ương triển khai cơ chế này?

Việc chi này đảm bảo đúng mục đích đặt ra - tức là để có được những thông tin có giá trị, làm căn cứ cơ sở để chứng minh quá trình khởi tố điều tra.

Căn cứ vào đâu để Ban Nội chính Trung ương đưa ra cơ chế mua tin tố giác tội phạm tham nhũng từ 500.000 đồng đồng đến 10 triệu đồng?

Cái chính dựa vào độ tin cậy và giá trị của tin. Người đứng đầu các cơ quan phòng chống tham nhũng chịu trách nhiệm về nội dung chất lượng, tính hiệu quả và mức độ chi trong từng nguồn tin.

Trước khi triển khai xuống địa phương, Ban Nội chính Trung ương đã áp dụng cơ chế này chưa, chất lượng nguồn tin thế nào và cơ chế "mua tin" có đạt được hiệu quả như mong muốn không, thưa ông?

Vừa qua khoản "mật chi" trong phòng chống tham nhũng đã được thực hiện với khoảng vài chục nguồn tin. Ban Nội chính Trung ương đã chi cho những tin thực sự có giá trị, những thông tin góp phần làm sáng tỏ một số vụ án, trong đó có những vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Vinalines. Nhờ đó, tiến độ xét xử các vụ án được đẩy nhanh.

Các nguồn tin này đều được chi trả đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chặt chẽ và có hiệu quả. Tuy nhiên, giai đoạn này phần lớn nguồn tin họ muốn đóng góp cho công tác phòng chống tham nhũng là chính chứ không quan tâm đến phần hỗ trợ.

Đây được coi là khoản “mật chi” thì cơ quan chức năng làm sao giám sát được?

Ban Nội chính ở địa phương hàng năm sẽ phải xây dựng kế hoạch chi. Kế hoạch này được thường trực tỉnh ủy của các địa phương cân đối trong ngân sách. Thậm chí còn được thường vụ cấp ủy đưa vào kế hoạch chi và sẽ được phân cho các Ban Nội chính tỉnh ủy. Trong đó Trưởng Ban Nội chính là người sẽ phải là người chịu trách nhiệm chính về mức chi này theo đúng định mức, chế độ, đặc biệt là giám sát kiểm tra độ tin cậy và giá trị của tin để quyết định mức chi. Và mức tin có giá trị cao nhất cho một tin là không quá 10 triệu. Quá trình chi đã thanh toán và quyết toán theo thực tế.

Nhiều người cho rằng khoản tiền chi cho nguồn tin nên trích từ số tiền thu được từ đối tượng tham nhũng?

Kinh phí mua tin phòng chống tham nhũng vẫn dựa vào ngân sách cấp. Nếu thành lập quỹ phòng chống tham nhũng trên cơ sở trích tỷ lệ phần trăm thu hồi được từ phòng chống tham nhũng đem lại để hỗ trợ cho mua sắm trang thiết bị, đội ngũ thực hiện trực tiếp và phục vụ nguồn tin phòng chống tham nhũng thì chắc chắn hiệu quả.

Người cung cấp tin tố giác tham nhũng được nhận tiền khi nào, thưa ông?

Đây được gọi là khoản mật chi mà nếu xong rồi hoặc đang điều tra vụ án mới hỗ trợ thì không mang tính chất khuyến khích cho người cung cấp nguồn tin.

Vậy người muốn cung cấp thông tin tố giác tội phạm tham nhũng họ sẽ tiếp xúc với cơ quan đứng ra "mua tin" qua kênh nào?

Các nguồn tin cung cấp đều có giá trị như nhau, nhưng phần lớn là họ gặp trực tiếp để phản ánh, có ghi chép. Nếu là nặc danh thì phải xử lý bằng con đường khác, vì không biết được người cung cấp tin thì khó có cơ chế để thưởng.

Ngoài việc hỗ trợ tiền cho người cung cấp thông tin tố giác tội phạm tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng việc cơ bản nhất là có cơ chế nào để bảo vệ người tố cáo khỏi cảnh bị trả thù?

Bảo vệ người cung cấp thông tin tố giác tham nhũng là điều chắc chắn. Vì vậy cơ quan chức năng mới quy định về phần sử dụng nguồn tài chính kiểu "mật chi", nghĩa là không công khai danh tính của người được nhận tiền khi cung cấp thông tin.

Xin cảm ơn ông!

 

 


Ý kiến của bạn