Bạn nghĩ rằng mình dị ứng với penicillin?

13-06-2019 10:58 | Dược
google news

SKĐS - Rất nhiều khả năng là bạn đã nhầm! Nếu bạn nghĩ rằng bản thân, hay bạn bè, người thân của mình dị ứng với penicillin, cũng không phải điều ngạc nhiên, vì cứ 10 người có 1 người nói với bác sĩ rằng mình dị ứng với penicillin. Nhưng, liệu đó có thực sự là dị ứng?

Sự thật về dị ứng penicillin

Penicillin là loại thuốc gây dị ứng được báo cáo nhiều nhất, nhưng ở đây chỉ là “báo cáo”, nghĩa là do chính người bệnh “cho rằng” mình dị ứng, hoặc do các bác sĩ không phải chuyên khoa dị ứng “chẩn đoán” mà không bằng các xét nghiệm chuyên biệt. Thực ra, trong số những trường hợp báo cáo có dị ứng với penicillin, chỉ khoảng 20% người thực sự có dị ứng. Điều này có nghĩa trong 50 người, chỉ khoảng 1 người có dị ứng penicillin chứ không phải 1 trong 10 người như được báo cáo.

Nhiều người có các triệu chứng khiến họ nghĩ là dị ứng sau khi sử dụng penicillin nhưng thực ra lại không liên quan đến dị ứng. Nếu tình trạng này không được thăm khám kỹ càng, họ sẽ tin rằng mình bị dị ứng penicillin và sẽ tránh sử dụng nó lâu dài. Đây sẽ là vấn đề nếu người đó bị nhiễm trùng và cần đến kháng sinh.

Penicillin là nhóm thuốc được sử dụng để điều trị nhiều trường hợp nhiễm trùng, từ viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu tới nhiễm trùng da và các mô mềm. Việc chẩn đoán quá mức và sai lầm về dị ứng penicillin sẽ làm cho bệnh nhân được điều trị bằng các loại kháng sinh phổ rộng khác một cách không cần thiết, là một yếu tố nguy cơ dẫn đến vấn đề kháng thuốc của vi khuẩn.

Penicillin được tìm thấy vào năm 1928 và được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1941.Penicillin được chiết xuất từ loại nấm mốc nuôi cấy trong canh cấy chứa dưỡng chất.Khi chiết xuất, canh cấy sẽ được lọc đi và penicillin sẽ được tinh chiết từ đó. Vào những năm 1930 và 1940, thậm chí là đến những năm 1960 và 1970, kỹ thuật tinh chiết penicillin chưa được tốt như ngày nay, dẫn đến nhiều phản ứng dị ứng do các thành phần tạp chất còn lẫn trong penicillin trong quá trình tinh chiết. Tuy nhiên, ngày nay kỹ thuật tinh chiết đã tốt hơn rất nhiều nên khả năng dị ứng do tạp chất hầu như không còn nữa.

Bạn nghĩ rằng mình dị ứng với penicillin?

Các phản ứng không mong đợi sau khi sử dụng penicillin không phải lúc nào cũng là phản ứng dị ứng. Ví dụ như việc sử dụng penicillin hoặc amoxicillin trong các trường hợp “sốt tuyến” (grandular fever) do Epstein-Barr Virus gây ra, có thể gây ra phát ban rầm rộ giống như dị ứng, nhưng người bệnh không thực sự dị ứng với thuốc. Ngoài ra, một số người bệnh bị các tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, tiêu chảy và được chẩn đoán là dị ứng. Nhiều trường hợp nghi ngờ dị ứng penicillin, nhưng do không được thăm khám, xét nghiệm kỹ càng, và các bác sĩ chỉ đơn giản cho một chẩn đoán là: dị ứng thuốc. Kể từ đó, kháng sinh penicillin không được sử dụng cho người bệnh nữa.

Trong số những trường hợp báo cáo có dị ứng với penicillin, chỉ khoảng 20% người thực sự có dị ứng

Vấn đề kháng kháng sinh của vi khuẩn

Việc chẩn đoán dị ứng penicillin cũng có thể dẫn đến việc tránh sử dụng các loại kháng sinh có thể phản ứng chéo với penicillin. Phản ứng chéo xảy ra khi sử dụng các kháng sinh khác có cấu trúc hoá học gần giống với penicillin, khiến cho hệ miễn dịch nhầm lẫn và gây ra phản ứng dị ứng. Để phòng ngừa phản ứng chéo, bác sĩ thường kê toa các loại kháng sinh thuộc nhóm khác cho những bệnh nhân được chẩn đoán dị ứng penicillin.

Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng khi kê toa các loại kháng sinh phổ rộng, vì khi càng nhiều vi khuẩn bị ảnh hưởng bởi kháng sinh, khả năng xảy ra kháng thuốc càng cao hơn. Hiện nay, để kiểm soát tình trạng kháng thuốc kháng sinh, các bác sĩ cố gắng hạn chế sử dụng, hoặc sử dụng các loại kháng sinh ở phổ hẹp nhất có thể để tiêu diệt đúng loại vi khuẩn cần thiết.

Việc tránh sử dụng nhóm penicillin có cả loại kháng sinh phổ rộng và phổ hẹp vì một chẩn đoán dị ứng sai lầm sẽ tự hạn chế chúng ta trong việc lựa chọn kháng sinh. Ngoài ra, chúng ta không “giết ruồi bằng búa tạ”, do đó, các bác sĩ nên dùng các loại kháng sinh phổ hẹp nếu có thể, và “để dành” các loại kháng sinh phổ rộng cho các trường hợp nhiễm trùng nặng, hoặc phức tạp, hoặc đã kháng thuốc.

Nên xét nghiệm dị ứng penicillin không?

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng dị ứng penicillin có thể mất dần theo thời gian. Vì vậy, cho dù một người có thực sự dị ứng với penicillin, tình trạng đó có thể biến mất sau nhiều năm, nên việc tránh sử dụng penicillin suốt đời nhiều khi không cần thiết.

Do đó, bác sĩ chuyên về dị ứng có thể tiến hành các xét nghiệm để xác định một người có đang hoặc còn dị ứng với penicillin hay không.

Xét nghiệm đầu tiên hết là test lẩy da, tức là đưa một ít kháng sinh penicillin vào lớp trên cùng của da (thượng bì) và quan sát phản ứng da (có nổi mẩn đỏ hay không). Sau đó, các xét nghiệm khác như tiêm trong da, hoặc thậm chí là cho uống thử penicillin ở các liều từ thấp đến cao để xác định tình trạng dị ứng nếu cần thiết.

Cần làm gì khi xảy ra phản ứng sau dùng thuốc?

- Bạn cần ghi nhận thật chi tiết về loại thuốc bạn sử dụng, thời gian xảy ra phản ứng sau khi sử dụng thuốc, số lần xảy ra phản ứng, và các triệu chứng đó là gì (phát ban, khó thở, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, choáng váng, ngất…). Nếu có thể, bạn nên chụp lại các phát ban trên da để lưu giữ lại dữ liệu cho bác sĩ thăm khám sau đó.

- Đừng bao giờ tự ý thử sử dụng lại thuốc nghi ngờ dị ứng tại nhà nếu chưa được bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, vì việc đó có thể khiến bạn tử vong do sốc phản vệ.

- Luôn biết rõ tên thuốc mà bạn sử dụng, cho dù là uống hay tiêm. Nếu bác sĩ, dược sĩ từ chối không cho bạn biết tên, bạn có quyền từ chối không sử dụng.

- Nếu bác sĩ chuyên khoa dị ứng đã làm xét nghiệm và cho bạn biết dị ứng với loại thuốc nào, luôn mang theo “Phiếu cảnh báo dị ứng” bên người và báo với nhân viên y tế mỗi khi cần sử dụng thuốc.

Luôn nhớ rằng: dị ứng là phản ứng không ai có thể đoán trước được, nên việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào lần đầu hay các lần sau cũng có thể gây ra dị ứng, cho dù trước đó bạn có thể sử dụng an toàn.


TS.BS. PHẠM LÊ DUY
Ý kiến của bạn