Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, có kinh nghiệm lâu năm và nhiều thành tựu về công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận. Với sự chung tay của các tổ chức trong nước, quốc tế; các chuyên gia, kỹ thuật viên, tình nguyện viên và đặc biệt là nhiều cá nhân yêu động vật đã và đang làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội, góp phần vào việc cứu nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, giữ được sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tự nhiên.
Tính đến nay, Cúc Phương đã thực hiện hàng trăm đợt tái thả với số lượng hàng ngàn cá thể của nhiều loài khác nhau, tại rừng nguyên sinh Cúc Phương và nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khác trên cả nước. Mục đích cuối cùng và cao cả nhất của công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã chính là để đưa chúng trở lại thiên nhiên - nơi chúng vốn thuộc về và làm nên vẻ đẹp.
Chính vì vậy, hoạt động tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ luôn là một công việc quan trọng và mang rất nhiều cảm xúc. Được chứng kiến khoảnh khắc những loài động vật hoang dã được trở về với thiên nhiên, sẽ dâng lên rất nhiều xúc cảm tốt đẹp với thiên nhiên nói chung và với động vật hoang dã nói riêng. Đó là một niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội!
Với chủ đề “Khôi phục rừng: con đường dẫn tới khôi phục kinh tế và hạnh phúc”, Vườn quốc gia Cúc Phương quyết định cho phép một số khách tham quan tham gia chứng kiến đợt tái thả động vật vào ngày 20/3/2021 .
Tại một số địa điểm có sinh cảnh phù hợp với tập tính của các loài, trong Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt, Vườn quốc gia Cúc Phương sẽ thả 92 cá thể của 17 loài là động vật hoang dã được cứu hộ, chăm sóc tại Trung tâm Cứuhộ Động vật hoang dã Hà Nội, tiếp nhận từ các nguồn khác nhau.
Ảnh do Vườn Quốc gia Cúc Phương cung cấp