SKĐS - Nhận điện thoại của thủ trưởng khi mâm cơm tối với hai con vừa dọn ra, Thiếu tá, ThS Bùi Thanh Tuyết, nữ cán bộ Bệnh viện 108, bình tĩnh nói với con việc chị sẽ phải lên đường ngay....
Gửi con, đi vào tâm dịch
Trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát, Thiếu tá, ThS Bùi Thanh Thuyết cùng các đồng đội đều có mặt, dũng cảm đi vào tâm dịch. Đồng nghiệp nói vui, nữ cán bộ Khoa Vi sinh vật - Trung tâm Xét nghiệm thuộc Bệnh viện 108 ấy là một trong những người có kinh nghiệm "bắt con covid".
Tháng 2/2020, nữ Thiếu tá Bùi Thanh Thuyết là Đội trưởng đội lấy mẫu và vận chuyển mẫu SARS-CoV-2. Với vai trò ấy, chị hướng dẫn chính xác cho nhân viên lấy mẫu các kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học và chất lượng mẫu, bảo vệ tối đa bản thân. Vì làm nhiệm vụ đặc biệt, toàn đội ở khu vực cách ly riêng, có đợt tới hai tháng không về nhà. Chị luôn động viên anh chị em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đợt dịch thứ 4 ở Bắc Giang - Bắc Ninh một lần nữa thử thách nữ nhân viên y tế ấy. Tối 10/5/2021, mâm cơm tối vừa dọn ra, chị Thuyết nhận điện thoại từ cấp trên yêu cầu lên đường ngay. Quá gấp, chị đành gửi tạm hai con sang nhà cô giáo. Chị bình tĩnh thu dọn đồ, lau nước mắt cho hai con, giải thích rằng: "Mẹ đi làm nhiệm vụ, cứ yên tâm ở nhà cô giáo, sẽ có người đưa các con vào đơn vị của bố trong Thanh Hóa, cách Hà Nội hơn 150km".
Đến Bắc Giang, tận mắt chứng kiến những hình ảnh các nhân viên y tế thức trắng đêm để lấy mẫu xét nghiệm, người ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ ngất xỉu vì làm việc quá mệt…, chị Thuyết càng thấu cảm được những cố gắng, hy sinh của đồng nghiệp trong cuộc chiến chống dịch.
Quá trình lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên y tế phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao. Vất vả, nguy hiểm, nhưng tuyệt đối không ai nề hà, phàn nàn. Mọi người chạy đua với thời gian, lấy mẫu nhanh nhất, chuyển mẫu kịp thời để có kết quả sớm nhất.
Từ sứ mệnh tại Phái bộ Nam Sudan đến nỗ lực vượt nắng thắng mưa ở Army Games
Bentiu, Nam Sudan là vùng đất khô cằn, nắng nóng như thiêu đốt, nhiệt độ ngoài trời từ 45 đến 50 độ C, vậy mà những ''đóa sen Việt" vẫn tỏa hương. Đó là 13 nữ quân nhân tại Bệnh viện dã chiến 2.3. Một trong những "đóa sen" đó chính là điều dưỡng viên, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Mai Liên - cán bộ Bệnh viện 108.
Với vốn tiếng Anh có thể hoạt động được trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia, chị Liên còn thường xuyên ôn luyện những kiến thức cần thiết về phòng, chống, điều trị COVID-19, cập nhật các chương trình đào tạo chuyên môn trực tuyến từ Tổ chức Y tế Thế giới và các quy trình tiêu chuẩn của Liên hợp quốc.
Trong điều kiện của một bệnh viện dã chiến, có nhiều khác biệt và khó khăn hơn so với môi trường làm việc tại quê nhà, chị luôn cố gắng trau dồi kiến thức và kỹ năng để thích nghi với công việc.
Tại khoa khám bệnh Bệnh viện dã chiến 2.3, hàng ngày chị Liên đảm nhiệm việc tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân, nhân viên Liên hợp quốc từ các quốc gia làm việc trong phái bộ.
Không chỉ là một điều dưỡng viên, chị còn thực hiện nhiệm vụ của một người lính: canh gác, hậu cần, củng cố doanh trại, giữ sạch môi trường địa bàn, tặng quà cho trẻ em địa phương, giao lưu văn hóa với người dân bản địa và các đơn vị từ nhiều quốc gia trên thế giới tại phái bộ…
Trong đội tuyển Quân y Việt Nam tham gia Hội thao Quân sự quốc tế năm 2021, có hai nữ bác sĩ trẻ (26 tuổi) của Bệnh viện 108, Lê Thị Thanh Mai và Đỗ Thị Thanh Huyền.
Ở môn thi "Tiếp sức Quân y", Mai và Huyền cùng các y, bác sĩ phải xử lý tình huống cấp cứu, vận chuyển thương binh qua sông, đòi hỏi cùng lúc nhiều chuyên môn y tế và kỹ năng vận động trên chiến trường.
Không phân biệt nam, nữ, các vận động viên phải thực hiện nhiệm vụ với yêu cầu thể lực cao: cõng thương binh, vừa lê trườn trên mặt đất, vừa di chuyển thương binh có trọng lượng lên tới 80kg.
Các kỹ năng mắc dây, đu dây, vượt sông đều được những người vốn chỉ quen cầm dao mổ, ống nghe, kim tiêm, thực hành khá chuyên nghiệp. Kỹ năng bắn súng, tháo lắp súng, vượt vật cản, chui rào thép gai trong quá trình làm nhiệm vụ cấp cứu thương binh cũng được họ luyện tập thành thục.
Đây là năm thứ 4 đội tuyển tiếp sức Quân y Việt Nam tham dự Army Games. Sau 3 lần chinh chiến tại đấu trường quốc tế, lần đầu tiên mô hình thao trường huấn luyện xây dựng chính quy với đầy đủ hạng mục mô phỏng sát với thao trường thi đấu tại Uzbekistan.
Với nỗ lực vượt nắng thắng mưa, say sưa rèn luyện cộng với quyết tâm cao, các tuyển thủ Quân y đã sẵn sàng bước vào thi đấu.
"Tham gia Army Games giúp trải nghiệm không khí chiến trường khốc liệt và hiểu hơn nhiệm vụ một bác sĩ quân y. Phải rèn luyện nhiều hơn để có một trái tim nóng, không sợ gian nan, nguy hiểm" – nữ bác sĩ Lê Thị Thanh Mai chia sẻ...
An Ngọc