Nhà nước ta đã tặng ông Huân chương Độc Lập hạng Nhất, tặng Giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm “Việt Nam một thiên lịch sử”; Viện Hàn lâm Pháp tặng ông Giải thưởng Lớn về bản dịch Truyện Kiều và nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp; các thành phố Hà Tĩnh, T.P. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… đã có tên đường Nguyễn Khắc Viện.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm việc trong chuyến thăm Thụy Điển năm 1978
Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và cũng vừa tròn 20 năm ngày mất BSNKV (1997 - 2017), xin được giới thiệu “nhà báo Nguyễn Khắc Viện” - một danh hiệu mà công luận ít khi nhắc tới, nhưng đây là một công việc mà ông đã bỏ rất nhiều tâm huyết trong suốt cuộc đời mình, đã có những cống hiến đặc biệt đối với đất nước. Nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong một bài viết đăng trên Tạp chí “Người làm báo” năm 1998, sau khi nêu những kinh nghiệm viết báo của BSNKV, đã viết:
“…Làm báo không phải là nghề chính của Anh. Nó chỉ là cái “nghiệp” - chữ này của Anh dùng, khi bộc bạch với các bạn trẻ: “Cái may của tôi là lúc bắt đầu làm báo, không ai bắt buộc cả, cũng không phải nộp bài vì ăn lương làm báo; bắt buộc đây là một thứ xung lực bên trong, thúc đẩy phải nói, phải viết, viết cho anh em kiều bào, viết cho người Pháp hiểu rõ đất nước ta, chính nghĩa của ta. Mỗi lần cầm bút - nói đúng hơn là ngồi bên máy chữ - là hiện lên trước mắt tôi người đọc; họ hỏi han, chất vấn, cãi lại, thậm chí, có khi còn chửi mắng “mình)…Nghề báo vì không phải là một kỹ thuật, cho nên cái “nghiệp” thường quan trọng hơn; điểm này thấy rõ ở điều, đa số các nhà báo nổi tiếng không xuất thân từ các trường dạy nghề làm báo. Họ viết báo vì tự trong lòng, họ có cái gì để nói với người đọc.”
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nhắc đến “lúc bắt đầu làm báo” là khi ông còn phụ trách phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp; để giúp bà con hiểu rõ tình hình trong nước - nhất là giai đoạn bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ - Hội Việt kiều ra tờ tin “Quyết thắng” phổ biến đến các nhóm Việt kiều, từ đó lan truyền tới các tổ chức Pháp. Cũng trong thời gian hoạt động ở Pháp trước lúc về nước (năm 1963), BSNKV còn viết cho nhiều tờ báo lớn của Pháp, tuyên truyền cho Việt Nam và do Paris là một trung tâm của châu Âu, nên qua những bài báo của BSNKV, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn nhiều vấn đề khá phức tạp của Việt Nam giai đoạn đó, như sai lầm trong “Cải cách ruộng đất”, sự kiện “Di cư vào Nam” sau 1954 hay việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam… Quả là những tác phẩm báo chí viết trong thời gian này, BSNKV không ăn lương để làm báo, không bị ai bắt buộc, mà “tự trong lòng” - tấm lòng của một trí thức yêu nước nồng nhiệt. Ông Hữu Ngọc, nguyên Giám đốc NXB Thế giới, trong một bài viết về BSNKV “Thầy Đồ Nghệ làm sách báo tiếng Tây” có đoạn viết: “…Anh đã có uy tín một nhà viết sách báo sành sỏi ở Pháp. Ở Việt Nam, thỉnh thoảng chúng tôi được đọc bài của Anh ở một số tạp chí của Đảng Cộng sản Pháp…”
Việt kiều ở Pháp tiễn bác sĩ Nguyễn Khắc Việnvề nước năm 1963
Sau ngày về nước (tháng 3/1963), với uy tín trong các mối quan hệ với bạn bè quốc tế, BSNKV được cử làm Ủy viên Ủy ban liên lạc văn hoá với nước ngoài và sau đó được giao phụ trách báo đối ngoại Le Courrier du Vietnam và Tạp chí Etudes Vietnamiens. Cũng trong bài viết vừa dẫn, nhà văn hoá Hữu Ngọc đã nêu bật bản lĩnh của nhà báo Nguyễn Khắc Viện khi phải “đấu tranh chống những quan điểm tuyên truyền đối ngoại cũ kỹ. Trước đó, có vị đã chỉ thị “Làm ngọai văn chủ yếu là dịch bài của các vị lãnh đạo. Mà dịch là dịch cho đúng, chấm là chấm, phẩy là phẩy, cấm thay một chữ nào!” Nhn mạnh về đặc trưng của tuyên truyền đối ngoại và đối tượng nước ngoài bị coi là “mất lập trường”. Người ta rất ngại nêu những khó khăn yếu kém của Việt Nam… Bức tranh của Việt Nam ra ngoài phải tô đậm màu hồng. Có những quan điểm “ấu trĩ” bây giờ nhắc lại có vẻ “chuyện đùa” mà lúc đó đã có thật…”
BSNKV, trong hồi ký “Ứớc mơ & Hoài niệm” (NXB Đà Nẵng) đã kể lại những cuộc “đấu tranh” ấy, trong đó, có đoạn như sau:
“… Trong bài phóng sự về Hưng Yên L’eau, le riz et l,homme (Dòng nước, cây lúa và con người), tôi nêu cả hai mặt: tiến bộ và lạc hậu. Quan niệm chung từ trước là tuyên truyền chỉ nói thành tích, những gì không hay phải giấu đi. Vì vậy, bài báo đưa lên trên duyệt vấp phải sự phản ứng của Đảng đoàn. Nảy ra một sự tranh luận gay gắt giữa Đảng đoàn với tôi: “Người nào làm báo mà chỉ nói một mặt, không ai tin cả, phí công vô ích”. Có đồng chí nói: “Thôi anh mới về, làm sao anh nắm hết”. Tôi trả lời ngay: “Vấn đề không phải tôi mới về còn các anh ở đây lâu. Bài báo sai chỗ nào các anh nói cho rõ, các anh dựa trên luận điểm gì. Nếu các đồng chí là cấp trên mà ra chỉ thị cho tôi phải thay đổi, tôi là đảng viên, làm sai tôi xin chịu kỷ luật. Nhưng ai ra chỉ thị, có văn bản ký vào đây cho tôi”. Tất nhiên không ai ký cả. Thế rồi bài báo phải đưa lên Ban Tuyên huấn Trung ương. Một thời gian sau, bài đó được chấp nhận, không phải thay đổi gì cả, được in vào tập Etudes Vietnamiennes số 2. Trong số báo ấy cũng có một việc nữa là bài của Tổng Bí thư Lê Duẩn tôi không để lên trang 1, mà lại mở đầu bằng bài phóng sự của tôi. Một số anh em trong nước không đồng tình. Tôi nói đối với người trong nước bài của Tổng Bí thư là chỉ thị để thi hành. Còn đối với người nước ngoài, đưa chỉ thị ra không để làm gì cả, chỉ để cho họ biết quan điểm chính thức của Đảng Việt Nam là thế. Họ cần xem bài phóng sự để biết cụ thể vì không ở tại chỗ, không thấy được. Họ kết hợp việc cụ thể tai nghe mắt thấy được ghi lại trong bài phóng sự với ý kiến của lãnh đạo Việt Nam mà hiểu và đánh giá tình hình Việt Nam.
Bài L’eau, le riz et l,homme đưa ra quốc tế được sự hoan nghênh của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế xã hội của các nước nghèo nàn lạc hậu, và được tạp chí “La Pensée” ở Pháp cho in lại ngay.
… Năm 1969, lớn nhất là sự kiện Bác Hồ mất. Tôi không có dịp được gặp riêng Bác. Duy nhất là Hội nghị Chính trị đặc biệt ấy, khi tôi phát biểu thấy Bác gật gù, có vẻ vui. Sau Bác chỉ vào mặt tôi hỏi: “Sao độ này thế nào rồi?” Bác biết tôi đau phổi.(*) Chỉ chốc lát thế thôi. Nhưng khi Bác ra đi, cũng như toàn dân, tôi cảm thấy một sự mất mát lớn, từ nay vắng bóng một con người không bao giờ thấy lại được nữa…
…Lúc Bác mất, tôi viết một bài đưa tin rất ngắn. Nhiều vị cấp này, cấp khác nhao lên hỏi tại sao một tin lớn như thế mà báo “Le Courrier du Vietnam” lại chỉ có một đoạn ngắn cun củn như vậy, nghĩa là thế nào? Tôi trả lời: Cạnh bài đó, tôi đăng điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương rồi. Nếu tôi viết một bài xã luận lặp lại những nội dung như bài điếu văn thì nó thừa. Chuyện cứ lặp đi lặp lại mãi như muốn nhồi người ta, độc giả nước ngoài rất ghét…”
Đó là việc làm báo trong nước trước thời “Đổi Mới”. “Nghiệp” làm báo của BSNKV còn có một khối lượng rất lớn chưa ai thống kê được là trong nhiều chuyến được Trung ương tin cậy cử ra nước ngoài trước những sự kiện lớn của đất nước để giải thích chính sách, đường lối của Việt Nam cho bạn bè thế giới, ông đã viết và trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn cho các tờ báo, các hãng thông tấn của gần 20 nước! Như dịp Hiệp định Paris được ký (ngày 27/1/1973), BSNKV ở Pháp 40 ngày, ngày nào cũng có những cuộc tiếp xúc, từ 9 giờ sáng đến nửa đêm… Tổng biên tập báo Jeune Afrique của châu Phi đã phỏng vấn BSNKV đến 3 giờ liền, sau đó, dành hầu như cả một số tạp chí để nói lý do Việt Nam làm thế nào để thắng Mỹ… Tháng 4/1977, trong dịp Tổng thống Pháp đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, BSNKV lại được cử sang Paris làm “tiền trạm” trong nhiệm vụ thông tin, Đài Vô tuyến truyền hình Pháp đã đưa lên màn hình cuộc tranh luận giữa BSNKV với 3 nhà báo Pháp về vấn đề thống nhất nước Việt Nam. Thời gian đó, đây là vấn đề không đơn giản, vì có dư luận cho rằng miền Bắc xâm chiếm miền Nam, họ hy vọng sau giải phóng, hai miền sẽ có hai Chính phủ. BSNKV không dùng luận điểm chính trị mà lấy chuyện tình cảm gia đình để thuyết phục họ. Ông kể gia đình vợ ông ở Sài Gòn, 1947 sang Pháp học rồi về Hà Nội đến nay, chỉ trông hết chiến tranh là về thăm mẹ. Thống nhất đối với nhân dân Việt Nam là như thế!...
Đặc biệt, trước và sau Đổi Mới 1986, BSNKV đã viết hàng trăm bài báo bàn về những vấn đề lớn của đất nước, không e ngại cả những chuyện “nhạy cảm” đăng trên nhiều tờ báo lớn như Lao động, Tiền Phong, Văn nghệ, Sài gòn giải phóng… Ông hăng hái đến mức có lúc bị một số người quy kết những điều rất nặng nề. Cho mãi đến cuộc gặp giữa BSNKV và Tổng Bí thư Đỗ Mười (Tháng 9/1991), các dư luận sai trái về ông mới được giải tỏa. Và trong lễ tang BSNKV, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Khắc Viện, người đảng viên cộng sản giàu nghị lực, một nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng. Đồng chí đã góp phần công lao xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc và làm hết sức mình cho sự nghiẹp văn hoá - giáo dục của Việt Nam…”
Tròn 20 năm đã qua, từ ngày đó. Vào lúc đất nước ta đang bước vào giai đoạn “đổi mới toàn diện”, nhắc lại vài câu chuyện về bản lĩnh nhà báo Nguyễn Khắc Viện, hẳn cũng có điều bổ ích, nhất là với đội ngũ những người làm công tác truyền thông…
(*) Từ khi còn ở Pháp, do bị bệnh lao mà khi đó chưa có thuốc đặc trị, BSNKV đã phải lên bàn mổ 7 lần, cắt hẳn lá phổi bên phải, 1/3 phổi trái và 8 xương sườn.