Theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015, từ ngày 1 - 20/8/2015, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1. Thí sinh chỉ được nộp vào 1 trường với tối đa 4 ngành theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 (ghi theo phiếu đăng ký xét tuyển). Vì thế, ngay bây giờ, thí sinh cần tìm hiểu kỹ trường/ngành mình dự định xét tuyển nguyện vọng 1 để tránh phải khép lại cánh cửa vào đại học vì trượt nguyện vọng 1 ngay từ đầu...
Các trường top đầu điểm chuẩn sẽ tăng?
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, tuy rằng phổ điểm không cao bằng năm ngoái, nhưng với hình thức biết điểm rồi mới nộp hồ sơ, thì những thí sinh có điểm cao sẽ lựa chọn ĐH Y Hà Nội là cơ hội đầu tiên. Cho nên chắc chắn điểm chuẩn vào trường sẽ không thấp hơn năm ngoái. Năm nay trường tuyển 1.000 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo, trường chỉ tuyển sinh khối B. Trong đó, bác sĩ đa khoa là 550 chỉ tiêu, bác sĩ y học cổ truyền 50 chỉ tiêu, bác sĩ răng hàm mặt 80 chỉ tiêu, bác sĩ y học dự phòng 100 chỉ tiêu, cử nhân điều dưỡng 90 chỉ tiêu, cử nhân kỹ thuật y học 50 chỉ tiêu, cử nhân y tế công cộng 30 chỉ tiêu, cử nhân dinh dưỡng 50 chỉ tiêu.

Điểm chuẩn một số ngành có tính cạnh tranh sẽ cao hơn mọi năm. Ảnh: TM
Ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thí sinh giỏi. Qua điểm chuẩn năm nay, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho rằng: “Điểm chuẩn dự kiến của ngành này sẽ tiếp tục cao, thậm chí còn cao hơn năm trước” (Năm 2014, điểm chuẩn ngành cao nhất là bác sĩ đa khoa với 26 điểm và thấp nhất là y tế công cộng 18,5 điểm). Cũng theo ông Khôi, trường vẫn có những ngành điểm chuẩn khá “mềm” như: y tế công cộng, điều dưỡng, bác sĩ y học dự phòng...
Một số trường thuộc top trên khác như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng đã có những phương án tuyển sinh cụ thể. Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho biết, kết quả thi môn Toán sẽ là thước đo tin cậy về năng lực tư duy logic của thí sinh, vốn rất cần thiết khi theo học các ngành kỹ thuật tại trường. Do đó, Toán được chọn là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn cho rằng, điểm chuẩn một số ngành có tính cạnh tranh cao (Công nghệ thông tin; Kỹ thuật cơ điện tử; Kỹ thuật điện - điện tử...) sẽ cao hơn mọi năm nhưng không nhiều. “Nói chung là điểm chuẩn vào các ngành dao động từ 20 - 25 điểm” - ông Sơn dự kiến.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, với phổ điểm và cách xét tuyển năm nay, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến sẽ tăng mức điểm chuẩn ít nhất là 0,5 điểm.
Còn ông Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông dự đoán điểm chuẩn vào trường sẽ cao hơn năm trước 1,5-2 điểm. Ví dụ, năm ngoái ngưỡng điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 13, thì điểm đầu vào ngành thấp nhất của Học viện là 18; nếu năm nay, ngưỡng điểm sàn là 15 thì điểm chuẩn ngành thấp nhất của Học viện phải từ 20-21 điểm.
Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn nguyện vọng
Năm nay, theo quy định, thí sinh biết điểm thi rồi mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH; thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng, trong thời gian xét tuyển được rút hồ sơ nộp sang trường khác, ngành khác. Những quy định đó sẽ tạo nhiều cơ hội cho thí sinh, bản thân các trường cũng có điều kiện lựa chọn được thí sinh có năng lực tốt, phù hợp với yêu cầu của trường. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với thí sinh, bởi năm trước, thí sinh đăng ký vào trường rồi mới thi, thì chỉ cạnh tranh nguyện vọng 1 với các thí sinh khác cùng thi vào trường. Năm nay, thí sinh điểm cao trong cả nước sẽ nộp hồ sơ vào trường top đầu, cho nên dù có đạt điểm cao, cơ hội trúng tuyển cũng rất khó nếu không biết cân nhắc chọn trường phù hợp.
Bởi vậy, tại thời điểm này, với kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh, PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú đưa ra lời khuyên, những em có tổng điểm từ 27 trở lên (đã cộng điểm ưu tiên theo đối tượng, khu vực) nếu muốn vào ngành y đa khoa có thể đăng ký xét tuyển. Những em có số điểm thấp hơn một chút cũng muốn đăng ký vào ngành này có thể chờ ít ngày để xem phổ điểm thế nào. Nếu không, các em đăng ký các nguyện vọng khác vào trường. Trường có nhiều mã ngành rất hay, đặc biệt năm nay có thêm ngành mới là Khúc xạ nhãn khoa.
Theo PGS.TS. Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí, Bộ GD&ĐT, với phổ điểm tập trung từ 5-7 điểm, thí sinh muốn trúng tuyển đại học phải đạt ít nhất từ 5 điểm 1 môn trở lên, vì điểm sàn xét tuyển năm nay có thể cao hơn kỳ tuyển sinh năm ngoái. Đặc biệt, với các trường top đầu, hoặc những ngành nghề được nhiều thí sinh lựa chọn thì điểm nhận hồ sơ xét tuyển chắc chắn sẽ tăng. Ông Lê Hữu Lập đưa ra lời khuyên, thí sinh phải chú ý đến việc đăng ký nguyện vọng 1 của mình. Khi nộp hồ sơ phải theo dõi thông tin từ trường đăng ký. Nếu xem xét thấy khả năng không đỗ nguyện vọng 1 phải rút, chuyển hồ sơ sang trường khác ngay.
Ngưỡng xét tuyển vào ĐH năm 2015 là 15 điểm
Chiều 28/7, Bộ GD&ÐT đã công bố ngưỡng tối thiểu thí sinh phải đạt được để xét tuyển vào ÐH ở tất cả tổ hợp là 15 điểm. Ngưỡng xét tuyển vào CÐ là 12 điểm. 15 điểm là tổng điểm 3 môn không nhân hệ số dành cho thí sinh khu vực 3 và nhóm không ưu tiên. Sau khi có ngưỡng xét tuyển này, các trường đại học, cao đẳng sẽ nhận hồ sơ của thí sinh. Căn cứ vào chỉ tiêu, lượng thí sinh đăng ký và ngưỡng xét tuyển, các trường sẽ ra được mức điểm chuẩn.
Tú Oanh