Hà Nội

Băn khoăn việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi

19-06-2014 23:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày19/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu đã thảo luận về Dự án Luật Căn cước công dân.

Ngày19/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu đã thảo luận về Dự án Luật Căn cước công dân.

Kiến nghị dừng cấp chứng minh nhân dân 12 số

Thảo luận về Dự án Luật Căn cước công dân, các đại biểu đã tập trung vào tính khả thi của Dự án luật này như: cơ sở dữ liệu căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân, đặc biệt là quy định thẻ căn cước công dân sẽ thay thế cho chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu; thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Về số định danh cá nhân, đại biểu (ĐB) Phạm Trọng Nhân - đoàn Bình Dương cho rằng đây là vấn đề không chỉ của Dự án Luật Căn cước mà còn cả Dự án Luật Hộ tịch. Hiện đã có địa phương triển khai cấp mẫu chứng minh nhân dân 12 số, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Căn cước công dân cũng dự kiến mã hóa dữ liệu và gắn chức năng định danh cho 12 số này với mục tiêu không trùng lặp, không tràn số trong 500 năm. Tuy nhiên, ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng, Dự thảo quy định thay thế chứng minh nhân dân 9 số bằng chứng minh nhân dân 12 số sẽ gây xáo trộn và lãng phí lớn. Chỉ xét riêng về mặt kỹ thuật, việc tăng từ 9 lên 12 số phải tốn tài nguyên lưu trữ, làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lý dữ liệu. Do đó, ĐB Phạm Trọng Nhân kiến nghị dừng cấp chứng minh nhân dân 12 số và tiến hành hợp nhất toàn quốc kho chứng minh nhân dân 9 số hiện nay.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân kiến nghị ngừng cấp CMND 12 số.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân kiến nghị ngừng cấp CMND 12 số.

Về cơ sở dữ liệu công dân, ĐB Đỗ Trọng Niễn - đoàn Bình Thuận cho rằng, Dự thảo có quy định, cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được xác lập từ 2 nguồn gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công dân trực tiếp đi khai báo khi đến làm thẻ căn cước công dân là chưa khoa học.

Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu kiến nghị cần thay đổi mô hình, cách làm thủ công trước đây, chỉ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về căn cước và hộ tịch, giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho một bộ duy nhất tiến hành cập nhật và đồng bộ dữ liệu hộ tịch vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong hệ thống này, mỗi công dân sẽ có một mã số để xác định các dữ kiện căn cước và sự kiện hộ tịch của công dân đó trong suốt cuộc đời... Chính 2 hệ thống này không thể tách rời nên có ý kiến đề nghị nhập Luật Căn cước công dân trở thành 1 chương của Luật Hộ tịch để đảm bảo tính thống nhất.

Có cấp căn cước cho công dân dưới 15 tuổi?

Lo ngại về sự tốn kém khi đổi từ chứng minh thư (CMT) sang thẻ căn cước công dân, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, xem xét kỹ có thể thấy bản chất của căn cước và CMT không có gì thay đổi. ĐB Phương cũng không đồng tình việc cấp căn cước cho công dân dưới 15 tuổi. “Bản thân dự luật đã có sự mâu thuẫn. Điều 3 quy định căn cước công dân là các thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân theo quy định của luật này để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Trong khi Điều 18 lại quy định đối với người dưới 15 tuổi thì không in ảnh, vân tay và ghi đặc điểm nhân dạng của người đó trên thẻ”, ĐB Phương bình luận và nói thêm rằng thẻ căn cước không thể thay thế giấy khai sinh vì giấy khai sinh là quyền của mỗi công dân khi sinh ra.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), đúng là có sự cần thiết nhất thể hóa thông tin công dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng thẻ căn cước chưa chứng minh được sự cần thiết này. Hiệu quả kinh tế xã hội chưa rõ ràng, tác động về kinh tế, về sự ổn định pháp lý còn chưa rõ. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng cho rằng với dự án Luật Căn cước công dân như hiện nay, mong muốn đơn giản hóa giấy tờ của công dân chưa được giải quyết triệt để. Ông Hùng phân tích: “Căn cước có thể thay thế được hộ khẩu, hộ chiếu, các giấy tờ khác như giấy khai sinh, nhóm máu, mã số thuế, bảo hiểm y tế có tích hợp được không? Luật cần ghi rõ đến bao giờ thay thế được. Nếu thay thế được thì có phải tiến hành các dự án khác không, công nghệ đáp ứng được không? Đó là các câu hỏi mà ban soạn thảo luật cần giải đáp. Dự án luật có tầm nhìn xa hơn, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để tránh phát sinh những vấn đề bất cập khi thực hiện”.

Anh Tuấn - Văn Hậu

 


Ý kiến của bạn