Nhưng sau hết, đọng lại là những câu hỏi chưa có lời giải: Giải pháp nào để những con người nghĩa hiệp không còn phải ngã xuống vì bình yên cuộc sống?
Lòng nghĩa hiệp trong thời hiện đại
Sau sự việc đêm 13/5, cả TP.HCM bàng hoàng và chấn động. Ai cũng ngậm ngùi tiếc thương cho sự ra đi cùng lúc của 2 “hiệp sĩ” đường phố của nhóm Tân Bình. Người dân đang từng giờ từng phút trông chờ vào việc trừng trị thích đáng những kẻ dã tâm sát hại những con người tử tế như thế. Song song với đó, rất nhiều ý kiến đã trông đợi những nhà quản lý TP.HCM sẽ sớm có giải pháp và quan điểm rõ ràng cho những nhóm hiệp sĩ hoạt động hoàn toàn vì bình yên cuộc sống như thế này.
Được biết, Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước cho phép thành lập các câu lạc bộ phòng chống tội phạm (CLBPCTP) với lực lượng nòng cốt là các “hiệp sĩ đường phố”. Hiện tỉnh này có hàng chục đội nhóm “hiệp sĩ”, được công an tỉnh tổ chức đào tạo nghiệp vụ, kiến thức pháp luật. Mỗi năm, các “hiệp sĩ” Bình Dương bắt quả tang gần 300 vụ trộm, cướp giật, giao cơ quan chức năng xử lý hàng trăm đối tượng...
Ở TP.HCM, đội hiệp sĩ có những nét tương đồng, tuy nhiên, hoạt động của các anh hoàn toàn là tự phát, rải rác và hầu như không được sự hỗ trợ gì từ phía cơ quan chức năng. Sự ra đời của các nhóm hiệp sĩ là biểu hiện của những nghĩa cử cao đẹp, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự phức tạp của an ninh trật tự thành phố.
Các đội “hiệp sĩ đường phố” xuất hiện tự phát trong bối cảnh an ninh ở nhiều nơi không được đảm bảo, do những người thích làm việc nghĩa, tự nguyện giúp đỡ cộng đồng ngăn chặn cái ác. Phải khẳng định rằng rất nhiều “hiệp sĩ” đã có những đóng góp nhất định khi nhiều lần phát hiện và bắt tội phạm, giúp đỡ người dân bảo vệ tài sản, tính mạng, hỗ trợ lực lượng công an giữ gìn ANTT. Việc tham gia của người dân vào đấu tranh trấn áp tội phạm là một nội dung của phong trào “Quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” mà ngành công an phát động nhiều năm qua. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của mô hình “hiệp sĩ đường phố” ở một số nơi vẫn mang tính phong trào, hoàn toàn xuất phát từ sự nghĩa hiệp của người dân.
Đến lực lượng công an đã có đủ chuyên môn nghiệp vụ lẫn vũ khí, trang thiết bị tự vệ mà còn phải phối hợp cả 3 lực lượng, vậy mà các “hiệp sĩ” lại đấu tranh chống tội phạm chỉ bằng nghĩa khí và lòng nhiệt tình thì rõ ràng không cân sức.
Người dân yêu mến những hiệp sĩ hoạt động vì trượng nghĩa, nhưng cũng vô cùng băn khoăn về sự an toàn cho các anh.
Hướng đi nào cho mô hình “trượng nghĩa” ?
Sáng 15/5, lãnh đạo UBND TP.HCM đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM khen thưởng, động viên lực lượng đã nhanh chóng bắt được 2 nghi can đâm tử vong 2 hiệp sĩ và làm 3 người trọng thương, đồng thời chia sẻ mất mát, đau thương khó có thể bù đắp với gia đình các nạn nhân.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM đánh giá vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây mất mát đau thương không chỉ cho gia đình nạn nhân mà còn là nỗi đau của lãnh đạo UBND và Công an thành phố. Nói về mô hình hiệp sĩ đường phố tại TP.HCM hơn chục năm qua, ông Minh tỏ ra khá trăn trở. Ông cho biết, dù đau lòng, nhưng sau đây, công an thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu các căn cứ để hợp thức mô hình này.
Tướng Minh đánh giá các hiệp sĩ đang làm việc nghĩa: “Công an thành phố day dứt vì chưa chuẩn hóa được, nhóm hiệp sĩ cũng không lường trước được các nguy hiểm sẽ gặp phải để hạn chế mất mát tuyệt đối”.
Đứng ở góc độ quản lý, Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an cho rằng, từ những vụ án đau lòng này, chúng ta cần phải đẩy nhanh tiến độ quy định pháp luật, chế độ người dân thiệt hại tính mạng, sức khỏe khi tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Ngoài ra, rất cần sự hỗ trợ thường xuyên từ những mô hình chính quy. Nhìn từ mô hình 141 của Công an Hà Nội, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết, sau khoảng 7 năm thành lập, hoạt động tại Hà Nội, có thể nói, mô hình tổ công tác 141 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và đang dần trở thành một phần trong thương hiệu về sức mạnh của Công an Hà Nội. Từ khi thành lập đến nay, lực lượng đã bắt giữ hàng chục nghìn vụ tội phạm về hình sự, ma túy và tội phạm về kinh tế, thu giữ hàng vạn dao kiếm, vũ khí quân dụng, chất nổ, xe tang vật, ma túy…
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, nhóm “hiệp sĩ” đã lường trước nguy hiểm nhưng vẫn đối mặt bất chấp nguy hại đến tính mạng, đây là nghĩa cử cao đẹp cần trân trọng. Qua việc này, ông Hiếu cho rằng, nên trang bị công cụ hỗ trợ, các thành viên của câu lạc bộ phòng chống tội phạm nếu như đây là tổ chức được cấp chính quyền cơ sở thành lập ra.
Ông cho biết từng tham dự các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng chống tội phạm tương tự như CLB hiệp sĩ Tân Bình tại Hà Nội. Những người tham gia các CLB này là các bác xe ôm, tiểu thương làm việc ngoài đường. Các thành viên được phổ biến các kiến thức pháp luật, bắt giữ tội phạm trong trường hợp nào, quy trình ra sao. Có CLB còn triển khai hướng dẫn các động tác võ thuật cơ bản phục vụ bắt giữ tội phạm.
Trong cuộc họp báo sáng 15/5, Công an TP. HCM đã cung cấp thông tin về hai nghi phạm đâm nhóm hiệp sĩ khi bị bắt quả tang đang trộm xe SH trên đường Cách mạng tháng Tám tối 13/5. Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP. HCM, 2 nghi can bị bắt là Nguyễn Hoàng Châu Phú (SN 1994, trú tại Hóc Môn) và Nguyễn Tấn Tài (SN 1994, trú quận 12). Qua đấu tranh, Phú đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Phú khai sau khi bàn với Tài đi trộm xe, cả hai rảo qua nhiều tuyến đường từ quận 10 về quận 3 và phát hiện một chiếc xe SH tại một cửa hàng trên đường Cách mạng tháng Tám nên Phú dừng xe để Tài xuống trộm. Lúc này, đội hiệp sĩ Tân Bình vây bắt nên Tài rút dao tấn công các hiệp sĩ; sau đó, Phú chở Tài chạy theo hướng ngã sáu Vòng xoay Dân Chủ (quận 3). Sau khi Phú sa lưới, Tài lẩn trốn nhiều nơi và bị Công an TP. HCM bắt trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp. Hiện Công an TP. HCM đang tiếp tục làm rõ vụ việc và thu giữ phương tiện gây án là một xe Exciter màu đỏ đen.
TQ