Băn khoăn... sổ đỏ

27-11-2017 07:42 | Thời sự

SKĐS - Những ngày vừa qua, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh nội dung Thông tư 33 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường,

trong đó quy định bắt đầu từ ngày 5/12 tới đây, Sổ đỏ sẽ ghi tên của các thành viên trong gia đình. Sau khi thông tin này được đưa ra thì đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Theo lý giải của đại điện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin mấy ngày vừa qua đưa lên chưa đầy đủ, nó chưa bao hàm toàn diện mà nó chỉ trích một phần sửa đổi nên khiến bạn đọc hiểu lầm đây là một quy định mới hoàn toàn mà phủ nhận tất cả những trường hợp khác. Lý do mà thông tư mới lần này bổ sung vào để điều chỉnh duy nhất một trường hợp đó là đối tượng hộ gia đình. Cũng theo lý giải của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phải điều chuyển ghi tên các thành viên trong hộ gia đình vì trong quá trình triển khai thực tế thì một số thành viên trong gia đình sẽ không có quyền sử dụng đất trong hộ gia đình vì vậy xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp. Thứ hai là khi chủ hộ đi giao dịch về đất đai như thế chấp mà không có khả năng chi trả thì bắt buộc phải thực hiện việc phát mại tài sản, khi triển khai phát mại tài sản thì các cá nhân, các thành viên trong gia đình sẽ khiếu nạn dẫn đến tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình với cơ quan thi hành án. Vì vậy, việc sửa đổi lần này đặt đúng vào chủ thể của quyền sử dụng đất tức là thành viên có quyền sử dụng đất sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận, việc này sẽ tạo ra việc quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch trong quyền sử dụng đất chung trong hộ gia đình và giảm thiểu tranh chấp, rủi ro về khiếu nại.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, tài sản của bố mẹ thì bố mẹ đứng tên, của con cái thì con cái đứng tên. Nếu như Thông tư 33 quy định ghi hết tên tất cả thành viên trong gia đình thì liệu tài sản đó có thuộc quyền sở hữu của cả nhà không hay vẫn là tài sản của người kiến tạo ra? Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định người đứng tên trong Sổ đỏ phải căn cứ vào việc ai là người tạo lập được tài sản chứ không thể chia đầu người chung cho tất cả các thành viên trong gia đình, kể cả con chưa thành niên? Một vấn đề nữa được dư luận đặt ra là quy định mới như thế nhưng với những giấy đã cấp thì giá trị pháp lý và thực tiễn khi áp dụng sẽ như thế nào?

Cùng với đó, khi có vấn đề thay đổi hoặc thực hiện quyền dân sự liên quan đến chuyển giao quyền sử dụng thì bắt buộc phải có xác nhận và lại phải có tất cả các chữ ký của các thành viên ở trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ấy. Khi đó sẽ rất khó khăn nếu như trong gia đình có những xung đột, có những thành viên khác mâu thuẫn thì rất khó để quyết định thực hiện quyền dân sự của mình đối với từng thành viên một trong gia đình.

Dư luận cho rằng, đây là những vấn đề đặt ra cần có lời giải thỏa đáng nhằm tránh phát sinh những rắc rối trong việc xác định ai là chủ sở hữu thực sự của tài sản cũng như dẫn đến hệ quả pháp lý phải xử lý có liên quan đến khiếu nại về lợi ích sau này.


Hoàng Trần Tôn
Ý kiến của bạn