Một trong những thay đổi đáng chú ý mà Bộ GD&ĐT mới công bố về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đó là dự kiến xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng: "Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018, đồng thời tăng hiệu quả đạt mục tiêu kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Dự kiến trên đang nhận nhiều ý kiến, trong đó, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về "nạn" làm đẹp học bạ cho học sinh để đỗ tốt nghiệp.
Cô Nguyễn Hương Giang - giáo viên một trường THPT tại tỉnh Phú Thọ cho rằng, so với quy chế cũ chỉ sử dụng kết quả lớp 12 thì việc đánh giá 3 năm trong dự thảo mới sẽ toàn diện hơn. "Tôi thấy hợp lý bởi học sinh sẽ phải phấn đấu học tập, rèn luyện ngay từ lớp 10 chứ không chờ tới "nước đến chân mới nhảy". Các em sẽ phải tập trung ngay từ những bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ bởi từng bài đều ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp sau này của các em".
Bên cạnh đó, theo cô Giang, việc sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở lớp 10, 11, 12 khi xét tốt nghiệp cũng bắt buộc giáo viên phải thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với chương trình 2018 và cấu trúc đề minh họa của Bộ đã có sớm giúp học sinh làm quen càng sớm càng tốt".
Thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc tăng tỷ lệ lấy điểm học bạ từ 30% lên 50% là một biện pháp thích hợp. "Tuy nhiên, nó cũng là "con dao hai lưỡi" khi có thể tiếp tục tạo đà cho việc "lạm phát" điểm học bạ. Do đó, cần có các công cụ kiểm tra, đánh giá để đảm bảo độ chính xác của kết quả giáo dục trong nhà trường".
TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, dự kiến này là một chủ trương đúng. "Việc sử dụng kết quả học tập của học sinh ở cả lớp 10, 11 và 12 để xét tốt nghiệp sẽ khó để các nhà trường làm sai lệch điểm số hơn so với cách tính hiện này là chỉ dùng điểm học bạ lớp 12. Mặt khác, chương trình GDPT 2018 chuyển từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá năng lực. Như vậy, nếu chỉ dựa vào một kỳ thi thì không thể đánh giá toàn diện năng lực người học mà cần thêm đánh giá năng lực qua quá trình học tập bậc phổ thông".
Đối với lo ngại làm đẹp học bạ, TS. Hoàng Ngọc Vinh cho biết, việc gian lận, mua điểm, làm đẹp học bạ là khó tránh được nhất là khi kết quả học bạ được sử dụng có động cơ là xét tốt nghiệp, xét tuyển đầu vào đại học thì sự liêm chính sẽ dễ bị xem nhẹ.
Để tránh tình trạng gian lận điểm học bạ, TS. Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm: Ở bậc phổ thông cần áp dụng quản lý bằng học bạ điện tử. Bên cạnh đó, Luật Nhà giáo cần sớm được thông qua để nâng cao trách nhiệm, ý thức nhà giáo. "Từ giáo viên, lãnh đạo trường phổ thông đến các trường đại học nên nhận thức rõ, thương học trò, dễ dãi cho điểm số là hại các em. Nếu năng lực người học không được đánh giá công bằng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực đất nước".
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi gồm 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).