Hà Nội

Băn khoăn của học sinh lớp 12 khi năm học mới bắt đầu

27-09-2024 14:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Thời điểm này, song song với việc học theo kế hoạch của nhà trường, học sinh khối 12 bắt đầu tìm hiểu về công tác tuyển sinh đại học năm tới. Nhiều em băn khoăn phương thức tuyển sinh năm 2025 có gì thay đổi?

Học sinh lo lắng

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, em Vũ Hoàng Bách - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Trung Văn (Hà Nội) băn khoăn không biết liệu năm tới các trường đại học sẽ thay đổi phương thức xét tuyển ra sao. "Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 chúng em thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018, do vậy chúng em khá là lo lắng. Em và các bạn đều mong các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh chính thức để chúng em biết rõ hơn về phương thức, chỉ tiêu cũng như các điều kiện cụ thể và cả tiêu chí phụ (nếu có) để chủ động ôn tập, chuẩn bị tốt nhất yêu cầu của từng trường".

Trần Tùng Lâm - học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) cho biết, thời điểm này, học sinh chúng em bắt đầu tìm hiểu về tuyển sinh đại học năm 2025. "Em đã liên hệ với trường đại học mà em có dự định xét tuyển vào năm tới để hỏi về tổ hợp, phương thức xét tuyển… nhưng nhà trường trả lời có thể sẽ có những điều chỉnh về quy chế nên chưa thể trả lời ngay và dặn em theo dõi trên trang thông tin của nhà trường".

Ý kiến từ chuyên gia tuyển sinh

Về vấn đề này, ThS. Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, học sinh không nên lo lắng bởi mọi điều chỉnh (nếu có) sẽ không ngoài chương trình học và thi. "Tổ hợp xét tuyển tùy thuộc vào từng trường.

Tại Trường ĐH Luật TP.HCM, phương thức tuyển sinh năm 2025 không khác nhiều so với năm 2024. Để thuận lợi hơn cho thí sinh, nhà trường dự kiến đưa ra nhiều tổ hợp hơn theo chương trình mới, tùy thuộc lựa chọn của học sinh" - ThS. Lê Văn Hiển chia sẻ.

Băn khoăn của học sinh lớp 12 khi năm học mới bắt đầu- Ảnh 1.

Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông mới.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin, học sinh học Chương trình GDPT 2018 không phải học tất cả các môn như chương trình cũ. Các em chỉ học nhóm môn bắt buộc và các môn lựa chọn; thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ 4 môn với 2 môn bắt buộc Toán - Văn và 2 môn lựa chọn. Về cơ bản, mỗi khối ngành xét những môn bắt buộc, như khối kỹ thuật chắc chắn có toán, vật lý và môn khác… Vậy nên, để có nhiều thông tin cho các trường xây dựng đề án tuyển sinh thì Bộ GD&ĐT cần sớm công bố việc lựa chọn các môn học của học sinh khối 12.

Liên quan đến phương án tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Cùng với quá trình đẩy mạnh tự chủ đại học, tuyển sinh đại học đã có nhiều thay đổi mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian qua.

Trong bối cảnh giáo dục phổ thông đi đến chặng cuối của đổi mới, Kỳ thi tốt nghiệp THPT bước vào năm đầu tiên thực hiện theo phương án mới, những điều chỉnh, đổi mới về công tác tuyển sinh là cần thiết để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Từ định hướng như vậy, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội".

Trường đại học đầu tiên công bố phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2025

Về phương thức tuyển sinh năm 2025, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, năm tới trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển; đồng thời sử dụng các phương thức khác, như: xét tuyển thẳng và ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét học bạ, xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.

Đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, nhà trường duy trì 3 phương thức xét tuyển năm 2025 như năm 2024, tuy nhiên dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 50% như năm 2024 xuống còn 40%; tăng chỉ tiêu ở các phương thức còn lại.

Năm 2025, Trường ĐH Kinh tế quốc dân giữ ổn định 3 phương thức như năm trước, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 15% (giảm 3% so với năm 2024).

Trường ĐH Nha Trang sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập bậc THPT và kết quả đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.


Những trường đại học nào xét tuyển bổ sung đến hết tháng 9?Những trường đại học nào xét tuyển bổ sung đến hết tháng 9?

SKĐS - Thời điểm này, hầu hết trường đại học đã cho thí sinh trúng tuyển nhập học, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường thông báo xét tuyển bổ sung.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn