Nhiều ý kiến đồng tình, công khai tất cả các khoản thu ngay đầu năm là việc làm cần thiết.
Tiền trường, gồm các khoản học phí và nhiều khoản thu ngoài học phí dồn vào đầu năm học là gánh nặng đối với nhiều gia đình, gây ra tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế và xã hội. Năm nay, bên cạnh một số chính sách về học phí, miễn học phí, từ đầu năm học, ngành giáo dục đã ban hành các quy chế, quy định nhằm chấn chỉnh nghiêm túc công tác thu chi tài chính, đóng góp đầu năm học.
Tại Hà Nội, những khoản thu của các trường mầm non, tiểu học, THCS hiện áp dụng theo Quyết định số 73/2000/QĐ - UB của UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2000.
Đối với tiểu học, học sinh được miễn học phí. Các khoản thu khác theo quy định là: Thu hỗ trợ cho các hoạt động phục vụ học sinh tiểu học: 10.000 đồng/học sinh/tháng (học sinh có cha và mẹ làm nông nghiệp: 5.000 đồng/học sinh/tháng); thu học hai buổi ngày: 50.000 đồng/học sinh/tháng.
THCS, mức học phí được quy định: Học sinh có cha mẹ làm nghề nông: 15.000 đồng/tháng (cha mẹ học sinh ở Sóc Sơn: 10.000 đồng); các thành phần khác: 20.000 đồng/học sinh/tháng. Các khoản thu khác: thu học 2 buổi/ngày: Không quá 70.000 đồng/học sinh/tháng.
Cũng quyết định trên cho biết, mức thu đóng góp xây dựng trường cao nhất không quá 40.000 đồng/học sinh/năm (học sinh có cha mẹ làm nông nghiệp không quá 20.000 đồng/học sinh/năm).
Ngoài các khoản thu trên đây, Quyết định 73 của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: “Các trường tuyệt đối không được thu thêm một khoản nào khác”.
Quy định là vậy, nhưng các khoản thu khác như: quỹ phụ huynh trường, quỹ phụ huynh lớp, quỹ khuyến học, tiền mua đồng phục... và các khoản khác nữa được nấp dưới danh nghĩa hội cha mẹ học sinh tự nguyện quyên góp, đã khiến các khoản thu đầu năm của mỗi học sinh lên đến hàng triệu. Nhà nào có hai con đang tuổi đi học, thì các khoản thu cho hai con đã chiếm hết cả tháng lương của bố hoặc mẹ. Thực tế vào đầu mỗi năm học, rất nhiều khoản thu phải nộp, nhưng phụ huynh thường có rất ít thông tin về các khoản thu này. Việc công khai tất cả các khoản thu ngay từ đầu năm là cần thiết, đảm bảo công tác quản lý nhà trường, cũng như phối hợp, giám sát của phụ huynh, tránh gây bức xúc cho phụ huynh.
Ngay khi năm học sắp bắt đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc T.Ư thực hiện mức thu học phí năm học 2017-2018 không vượt mức trần học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Đối với các khoản thu ngoài học phí, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục tiết giảm chi phí hoạt động, hạn chế thu các khoản thu ngoài học phí, đồng thời phải cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo; xây dựng và công bố công khai chuẩn chất lượng đầu ra đối với sinh viên; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo công khai, minh bạch, có cơ chế để cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên và các tổ chức khác tham gia giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường.
Đối với các bậc học phổ thông, Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quán triệt thực hiện thu học phí theo đúng quy định ban hành cho năm học 2017-2018 như đã báo cáo Bộ GD-ĐT; yêu cầu địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Văn bản của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cơ sở đào tạo thực hiện giãn thời gian thu, thời điểm thu, tránh thu cùng một thời điểm đối với các trình độ đào tạo để hạn chế tối đa tác động của học phí đến chỉ số giá tiêu dùng.
Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu các khoản trái quy định và sẽ xử lý nghiêm, kịp thời những hiệu trưởng thực hiện thu chi không đúng quy định. Bên cạnh đó, người dân có thể phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định theo các đường dây nóng.
Hy vọng với những chính sách, quy định, biện pháp quản lý cụ thể của Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục địa phương đã đề ra sẽ phát huy hiệu quả, góp phần giảm bớt nỗi lo lắng về gánh nặng tiền trường đầu năm đối với các gia đình. Đồng thời, với sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan quản lý, hoạt động thu chi trong nhà trường sẽ ngày càng minh bạch, người dân không còn bức xúc trước những khoản đóng góp sai quy định.