Hà Nội

Bán kết World Cup 2014: Cuộc chiến thực dụng!?

07-07-2014 14:50 | Văn hóa – Giải trí
google news

Càng đi về giai đoạn cuối, World Cup càng giảm tính cống hiến và tăng chất thực dụng. Đó cũng là chất liệu làm nên thành công của Đức, Brazil, Hà Lan và Argentina

Càng đi về giai đoạn cuối, World Cup càng giảm tính cống hiến và tăng chất thực dụng. Đó cũng là chất liệu làm nên thành công của Đức, Brazil, Hà Lan và Argentina, 4 đội bóng đã giành vé vào bán kết…

World Cup 2014 là giải đấu cống hiến nhất lịch sử! Đó là khẳng định không quá lời nếu nhìn lại vòng đấu bảng, giai đoạn mà NHM bóng đá thế giới đã được chiêm ngưỡng 136 bàn thắng/48 trận (trung bình 2,83 bàn/trận). Tuy nhiên, những cơn mưa bàn thắng không còn xuất hiện thường xuyên trên đất Brazil khi giải đấu đi vào giai đoạn knock-out. Minh chứng là ở vòng 1/8, tỉ lệ bàn thắng/trận đã giảm từ 2,83 xuống 2,2. Đáng kể, có 5/8 trận đấu ở vòng 1/8 phải đá thêm hiệp phụ, 2/8 trận phải quyết định bằng loạt đấu súng.

World Cup 2014 ngày càng có ít bàn thắng

Vậy cơn mưa bàn thắng đã đi đâu? Phải chăng ở giai đoạn đấu knock-out, các đội bóng không còn chơi cống hiến như trước? Có lẽ là không bởi theo thống kê của Opta, số cú dứt điểm trung bình ở vòng 1/8 đã tăng từ 19,85/trận lên mức 26,13/trận. Số cú dứt điểm chính xác tăng từ 9,04/trận lên mức 11,63/trận. Nhưng so với vòng bảng, số bàn thắng lại giảm đi 22%.

Lí do đầu tiên phải kể tới là chất lượng của các thủ môn. Kể từ khi World Cup 2014 bước vào vòng 1/8, NHM bóng đá thế giới đã được chiêm ngưỡng vô số tình huống cản phá xuất thần của các thủ thành. Đáng kể nhất trong số đó là Tim Howard, người đã phá kỉ lục cản phá ở trận gặp Bỉ. Ngoài ra còn có Bravo (gặp Brazil), Ochoa (gặp Hà Lan), Vincent Enyeama (gặp Pháp), Raïs M'Bolhi (gặp Đức), Diego Benaglio (gặp Argentina) hay mới nhất là Keylor Navas, người đã khiến Hà Lan trải qua 120 phút nhọc nhằn ở vòng tứ kết.

Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới sự sụt giảm bàn thắng lại là sự thay đổi đấu pháp của các đội bóng. Sự cẩn trọng ở vòng đấu loại trực tiếp buộc các đại gia, kể cả các đội bóng có hàng công mạnh, phải áp dụng lối chơi chậm chắc. Sự thay đổi này thể hiện rất rõ ở vòng tứ kết.

Brazil mặc dù có lợi thế sân nhà nhưng không hoàn toàn bùng nổ trước một Colombia tiềm ẩn đầy hiểm nguy. Họ thắng nhờ 2 pha lập công của 2 trung vệ và một hàng tiền vệ cơ bắp. Cả trận, Selecao có tới 31 pha phạm lỗi. Đó là tính thực dụng mà Scolari đã áp dụng để khỏa lấp sự thiếu hụt những ngôi sao.

Trước đó, Đức cũng phải đưa ra những thay đổi lớn về đấu pháp khi kéo Lahm về vị trí hậu vệ phải, đẩy Boateng về vị trí trung vệ và sử dụng trung phong Klose. Sơ đồ này đã giúp Joachim Low đập tan ý đồ tấn công biên của ĐT Pháp. Kết quả, Mannschaft thắng nhờ hàng thủ vững chắc và 1 bàn thắng 50-50 của 1 trung vệ. Đó là tính thực dụng của người Đức, xấu xí nhưng hiệu quả!

Argentina cũng gây bất ngờ khi sử dụng 2 tiền vệ đánh chặn (Mascherano – Biglia) ở trận gặp Bỉ. Sự thay đổi này giúp Albiceleste chia cắt hoàn toàn tuyến tiền vệ của Quỷ đỏ, khiến đội bóng châu Âu gặp quá nhiều khó khăn để chuyển bóng lên hàng tấn công. Đó là sự thực dụng cần thiết của thầy trò Alejandro Sabella nếu họ muốn tiến sâu ở giải năm nay. Tương tự, Hà Lan cũng tỏ ra cẩn trọng trước đối thủ bị đánh giá thấp nhất vòng tứ kết, Costa Rica. Minh chứng là cả trận, Oranje đã có tới 15 pha phạm lỗi và 18 cú tắc bóng.

Như HLV Scolari đã từng nói “bóng đá đẹp mà không thắng cũng chỉ là thứ bóng đá tầm thường”. Ông đã giúp Brazil lọt vào bán kết bằng triết lý mà ông đã từng giành cúp vàng năm 2002. Chính sự thực dụng của Big Phil mới là yếu tố mà NHM xứ sở Samba kì vọng nhất vào thời điểm này.

Còn Joachim Low, đây lại là 1 chiến lược gia “2 mặt”. Cùng với Klinsmann, ông đã từng làm cách mạng ở ĐT Đức, biến Mannschaft trở thành đội bóng tấn công quyến rũ. Nhưng triết lý ấy toàn mang tới thất bại đau đớn cho “cỗ xe tăng” ở những thời điểm quan trọng (thất bại ở bán kết World Cup 2006 và 2010, thua ở CK EURO 2008 và bán kết EURO 2012). Vậy đây là thời điểm quan trọng để Joachim Low thay đổi! Đức cần những bước đi chậm chắc và họ đã thể hiện điều đó qua 2 chiến thắng “không thuyết phục” trước Algeria và Pháp.

Cuộc so tài thú vị của 4 chiến lược gia ở bán kết

Hà Lan của Van Gaal dù tấn công quyến rũ và là 1 trong những đội bóng có hàng công mạnh nhất vòng bảng cũng phải cần tới sự cơ bắp và triết lý thực dụng trong từng thời điểm. Bằng chứng là Oranje không hề áp dụng đấu pháp “đấu nhanh thắng nhanh” trong 2 cuộc đụng độ Mexico và Costa Rica vừa qua. Sự thận trọng là yếu tố mà Van Gaal buộc phải tính tới trong cách thay đổi chiến thuật linh hoạt từ 3-5-2 sang 4-3-3.

Đội bóng còn lại, Argentina dù có hàng công “siêu khủng” cũng chỉ giành chiến thắng tối thiểu xiên suốt từ vòng bảng tới tứ kết. Chất cống hiến không còn là yếu tố quá quan trọng với Sabella, người thừa hiểu sự mong manh của Albiceleste do không sở hữu quá nhiều tên tuổi ở hàng phòng ngự.

Nói tóm lại, những toan tính về chiến thuật đã và đang khiến World Cup 2014 khô hạn bàn thắng, nhất là khi giải đấu đi về giai đoạn nước rút. Bởi vậy, vòng bán kết sắp tới sẽ là cuộc chiến của sự thực dụng. Chiến thắng có thể sẽ gọi tên những đội bóng có sự chuẩn bị tốt hơn về đấu pháp và thể lực. Về mặt này, 2 đại diện Nam Mỹ, Brazil và Argentina có vẻ nhỉnh hơn…

Theo Bóng đá số


Ý kiến của bạn
Tags: