Kế thừa những giá trị ấy, gần đây Hãng phim Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu tới khán giả cả nước bộ phim tài liệu Những trang sử biên thùy có hàm lượng nghệ thuật cao và chứa đựng nhiều thông điệp lịch sử.
Trước đây, phim Việt đã có nhiều tác phẩm về vùng biên cương của Tổ quốc nhận được sự đón nhận, tình cảm của khán giả. Trong đó phải kể tới phim tài liệu Định cư trên núi Giăng Màn (kịch bản Phùng Kim Trọng, đạo diễn Hà Xuân Trường), Biên cương (Nguyễn Thị Hồng Ngát viết kịch bản, NSƯT Nguyễn Đức Việt đạo diễn), Trên đỉnh A Mú Sung (biên kịch Nguyễn Văn Kiểm, đạo diễn Lê Tuấn Anh)...Những tác phẩm điện ảnh này đã tái hiện hình ảnh về người lính Bộ đội cụ Hồ chốn tiền tiêu, đồng thời cung cấp đến khán giả cuộc sống và tình quân dân tốt đẹp. Chính vì lẽ đó, những thước phim đã chạm vào cảm xúc người xem và lan tỏa lòng tự hào, tình yêu Tổ quốc nồng nàn.
Đến dịp gần đây, Những trang sử biên thùy (đạo diễn Phan Tô Hoài) - bộ phim tài liệu dài tập sau 3 năm thực hiện với nhiều khó khăn, gian khổ đã được lên sóng phục vụ khán giả nước nhà (phần 1 và 2). Theo đạo diễn Phan Tô Hoài, kỷ niệm về hành trình làm bộ phim Những trang sử biên thùy rất nhiều. Trong đó ấn tượng nhất là chuyến đi Leng Su Sìn, A Pa Chải thuộc tỉnh Điện Biên, một trong những địa bàn được mệnh danh là “đệ nhất gian khổ” trong hệ thống các đồn, trạm biên phòng tuyến núi của nước ta. Đặc biệt là các tập phim phải quay giữa biển khơi và trên các chốt biên phòng cheo leo giữa đỉnh Trường Sơn thì sự vất vả còn tăng lên gấp bội. Tuy nhiên với quyết tâm cao, đoàn làm phim đã băng rừng, vượt suối để liên hệ, phỏng vấn, gặp gỡ rất nhiều nhân chứng, tích hợp làm sao để mỗi tập phim đều hấp dẫn khán giả.
Hình ảnh trong phim Những trang sử biên thùy.
Theo giới chuyên môn, loạt phim tài liệu Những trang sử biên thùy đã nói được sự quyết tâm của các thế hệ người Việt Nam trong việc gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ. Phạm vi ghi hình trải rộng trên 44 tỉnh, thành phố có đường biên giới, bờ biển, đảo trong cả nước. Các sự kiện, diễn biến trong phim mộc mạc, dễ đi vào lòng người. Nhiều ký ức lịch sử được ghi lại bằng hình ảnh, bằng lời kể của người trong cuộc, lời bình của các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhân chứng sống. Chính vì thế, Những trang sử biên thùy là loạt phim tài liệu nhiều giá trị và kỳ công.
Với 5 tập trong phần 1 gồm: Bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước thời nhà Lý, Công cuộc giữ nước thời nhà Trần, Phương lược biên phòng thời nhà Lê, Công cuộc mở cõi thời nhà Nguyễn và Ông cha ta bảo vệ chủ quyền biển đảo đã khái quát tương đối trọn vẹn các phương lược bảo vệ Tổ quốc, mở mang và trấn thủ bờ cõi trải qua các triều đại trong lịch sử, đồng thời, phản ánh các chiến công của cha ông cùng những tướng hùng, nhân kiệt trong bảo vệ chủ quyền của đất nước trước âm mưu thôn tính của giặc ngoại xâm...
Trong khi đó, phần 2 của loạt phim này, bằng cách chia theo các chủ đề như Nối nghiệp biên phòng, Đọ sức đôi bờ, Bài học về thu phục nhân tâm, Ta gác cho Người, Người gác cả non sông...đã phản ánh những quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ biên giới. Bên cạnh đó, những thước phim này cũng nói về những chiến công trong nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời bên sông Bến Hải, bên bờ Hiền Lương và phản ánh chiến công trong nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, bảo vệ mục tiêu... Trong các tập phim ở phần 2, đạo diễn Phan Tô Hoài đã khéo léo thể hiện để các trường đoạn phù hợp với từng diễn tiến lịch sử, để các tập phim toát lên được sự cống hiến, hy sinh của nhân dân ta, cùng các lực lượng vũ trang trong xây dựng và bảo vệ biên giới qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, trong đó có vai trò nòng cốt, chuyên trách của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Có thể nói, 2 phần đầu của loạt phim Những trang sử biên thùy đã chiếm được cảm tình của người xem với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của đoàn làm phim. Đặc biệt, loạt phim lịch sử này đã cho khán giả ngược lại thời gian, nhìn vào nhiều chiều lịch sử để tìm về với những di tích, những câu chuyện đậm chất sử thi phản ánh công cuộc bảo vệ, giữ gìn biên cương bờ cõi của các thế hệ người Việt, từ đó khơi gợi lòng tự hào dân tộc, động viên, cổ vũ nhân dân cả nước cùng hướng về biên giới... Và sau khi hoàn thành 2 phần đầu, đoàn làm phim tiếp tục đi khắp mọi miền đất nước để thực hiện phần 3 cũng là phần kết với chủ đề Vững vàng nơi phên dậu. Dự kiến những thước phim ấn tượng trong phần cuối của Những trang sử biên thùy sẽ đến với khán giả vào năm 2018.