Nhiều chủ gian hàng trên các mạng xã hội lo ngại về thông tin đóng thuế
Trước những thắc mắc liên quan đến các vấn đề về kinh doanh trên mạng xã hội được nêu tại Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) đã có giải đáp khá cụ thể.
Theo đó, Thông tư số 47 quy định, các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT, bao gồm: (a) website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; (b) website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; (c) website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
Đối tượng áp dụng của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Chính phủ ban hành ngày 16/5/2013 (Nghị định số 52) và Thông tư số 47 là các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm thương nhân, tổ chức cá nhân Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
Như vậy, nếu chủ mạng xã hội nước ngoài có hiện diện tại Việt nam thông qua văn phòng đại diện hoặc có tên miền “.vn” thì thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 52.
Đáng chú ý là, theo Thông tư 47, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khẳng định, người bán hàng trên mạng xã hội không phải đăng ký với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, người bán trên sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)….cho chủ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ cung cấp hàng hóa trên sàn giao dịch TMĐT. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mãi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Thực hiện các quy định khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch TMĐT. Cung cấp tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê TMĐT. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Về nghĩa vụ thuế, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khẳng định, theo nguyên tắc luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào.
Tuy nhiên, Thông tư số 47 không quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội. Trong khi đó, Nghị định số 52 quy định: “người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế…được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lý thuế.