Bàn giao thiết bị dây chuyền lạnh 'tiếp sức' cho tiêm chủng vaccine an toàn tại Việt Nam

01-11-2023 19:59 | Y tế

SKĐS - Vaccine cần được bảo quản trong dây chuyền lạnh ở nhiệt độ thích hợp trong suốt quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng. Các thông tin về nhiệt độ, điều kiện bảo quản vaccine phải được theo dõi và ghi chép hàng ngày nhằm đảm bảo chất lượng vaccine từ khi tiếp nhận đến khi sử dụng...

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin này tại hội nghị trực tuyến bàn giao thiết bị dây chuyền lạnh do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hỗ trợ diễn ra chiều nay 1/11 do Bộ Y tế và UNICEF tổ chức.

Bàn giao thiết bị dây chuyền lạnh 'tiếp sức' cho tiêm chủng vaccine an toàn tại Việt Nam  - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.

Thiết bị sẽ giúp tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh cho tiêm chủng, cho phép vận chuyển và bảo quản vaccine từ khi nhập khẩu vào trong nước đến khi tiêm chủng cho trẻ em và người lớn trong cộng đồng, bảo vệ họ không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể phòng ngừa được bằng vaccine.

Dây chuyền lạnh - thiết bị bảo quản vaccine cho tiêm chủng tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để đảm bảo chất lượng vaccine từ khi tiếp nhận đến khi sử dụng, chương trình tiêm chủng mở rộng Việt Nam đã thiết lập và duy trì một hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản, vận chuyển vaccine từ tuyến trung ương, khu vực, tỉnh, huyện, xã, và bảo quản tại điểm tiêm chủng.

Trong những năm vừa qua với sự đầu tư của nhà nước và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccine đã được tăng cường về số lượng và chất lượng. Hiện nay tại các địa phương đều đã được trang bị tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vaccine, là các tủ lạnh thế hệ mới nằm trong danh mục của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về thiết bị hiệu suất, chất lượng, chống đông băng, an toàn trong bảo quản vaccine.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNICEF đã tích cực vận động kinh phí hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng từ các nhà tài trợ để bổ sung trang thiết bị lạnh chuyên dụng cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bàn giao thiết bị dây chuyền lạnh 'tiếp sức' cho tiêm chủng vaccine an toàn tại Việt Nam  - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

"Sự hỗ trợ này đã giúp cho chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đủ năng lực bảo quản vaccine trong tiêm chủng thường xuyên, nhờ có hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có trong tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã đảm bảo việc bảo quản vaccine an toàn góp phần vào thành công của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021-2022 với số lượng lớn hơn 262 triệu liều vaccine"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam thông tin, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, UNICEF đã cung cấp tổng cộng 4.112 tủ lạnh âm và tủ lạnh dương. Ngoài ra, UNICEF đã bàn giao 5 xe tải lạnh chuyên dụng cho tuyến quốc gia và khu vực nhằm đảm bảo vận chuyển và cung ứng vaccine kịp thời cho các địa phương trên cả nước.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ bổ sung tủ lạnh với các thiết bị theo dõi nhiệt độ tự động đi kèm cũng như đào tạo cho cán bộ tuyến huyện và tuyến xã để tăng cường hơn nữa hệ thống dây chuyền lạnh của Việt Nam.

Nhu cầu bổ sung tủ lạnh cho các tuyến, đặc biệt là tuyến xã rất lớn

Bàn giao thiết bị dây chuyền lạnh 'tiếp sức' cho tiêm chủng vaccine an toàn tại Việt Nam  - Ảnh 3.

Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam.

Cũng theo bà Rana Flowers - có đủ thiết bị dây chuyền lạnh chỉ là bước đầu tiên. Tiếp theo, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng thiết bị được vận hành và bảo trì đúng cách. Sau khi bàn giao và lắp đặt thiết bị, UNICEF cũng đã hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo khác nhau cho nhân viên tiêm chủng mở rộng cũng như cung cấp bảo hành thiết bị 3 năm trong trường hợp có bất kỳ lỗi nào phát sinh do thiết kế, vật liệu hoặc các sự cố khác.

Ngoài ra, các tài liệu đào tạo trực tuyến về vận hành, bảo trì và xử lý sự cố nhỏ cho cán bộ tiêm chủng mở rộng tất cả các tuyến cũng đã được cung cấp. "Những hỗ trợ này nhằm mục đích xây dựng năng lực nền tảng cho việc sử dụng hiệu quả các tủ lạnh này trong những thập kỷ tới"- bà Rana Flowers nói.

Do Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai trên toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 700 huyện và hơn 10.000 xã triển khai tiêm chủng hàng tháng nên nhu cầu bổ sung tủ lạnh cho các tuyến, đặc biệt là tuyến xã còn rất lớn. Trong bối cảnh triển khai vaccine phòng chống dịch COVID-19 và vaccine mới thời gian tới theo Nghị quyết 104 của Chính phủ, nhu cầu bổ sung về tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vaccine cho tất cả các tuyến lại tăng lên.

Vì thế Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị WHO, UNICEF, các tổ chức Quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng Việt Nam nói chung và hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccine nói riêng trong thời gian tới.

Bàn giao thiết bị dây chuyền lạnh 'tiếp sức' cho tiêm chủng vaccine an toàn tại Việt Nam  - Ảnh 4.

GS.TS Phan Trọng Lân phát biểu tại hội nghị.

Để tiếp tục đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần quản lý tốt và sử dụng hiệu quả các thiết bị dây chuyền lạnh đã được trang bị, đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo ngành Y tế duy trì hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccine an toàn, bố trí nguồn lực để duy trì, bổ sung hệ thống dây chuyền lạnh đảm bảo vaccine luôn được bảo quản an toàn, chất lượng.

Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị đã được cấp thiết bị dây chuyền lạnh sử dụng hiệu quả, thực hiện bảo quản vaccine trong dây chuyền lạnh theo đúng các qui định chuyên môn. Xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, bảo trì và cung ứng các thiết bị theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh. Chủ động xây dựng định mức dây chuyền lạnh phù hợp với yêu cầu bảo quản vaccine theo lộ trình đưa thêm vaccine mới vào tiêm chủng mở rộng...

Bàn giao thiết bị dây chuyền lạnh 'tiếp sức' cho tiêm chủng vaccine an toàn tại Việt Nam  - Ảnh 5.

Lãnh đạo ngành y tế nhiều địa phương bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ của UNICEF.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ở nước ta chương trình tiêm chủng mở rộng được thí điểm năm 1981 và mở rộng toàn quốc năm 1985.

Trải qua gần 40 năm hoạt động, chương trình tiêm chủng mở rộng đã đạt được một số thành tựu to lớn như mỗi năm hàng triệu trẻ em và phụ nữ được tiêm chủng miễn phí vaccine phòng bệnh, Việt Nam đã được công nhận thanh toán bệnh bại liệt năm 2000 và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005, khống chế thành công các dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi, rubella.

COVID-19 là bệnh nhóm B: Giám sát và phòng chống thế nào?COVID-19 là bệnh nhóm B: Giám sát và phòng chống thế nào?

SKĐS - Nhóm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn