Những khu vực dễ xảy ra sạt lở đất
Gần đây nhiều vụ sạt lở đất xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình là vụ sạt lở đất vùi lấp xe khách ở tỉnh Hà Giang sáng 13/7 làm 11 người chết, 4 người bị thương và vụ sạt lở đất ở tỉnh Lâm Đồng trưa 15/7 vùi lấp 1 căn nhà và 1 người tử vong.
TS Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, nguyên nhân gây sạt lở, trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam rất đa dạng, trong đó phải kể đến các yếu tố như địa chất, kiến tạo, địa hình, địa mạo, thạch học, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, sử dụng đất, khí tượng, thủy văn...
Trước đây, những khu vực được xác định có mức độ nguy cơ cao, rất cao về trượt lở đất đá thường có ít dân cư sinh sống nên thiếu ghi nhận thiệt hại xảy ra ở đây. Những khu vực được xác định có mức độ nguy cơ trung bình hoặc thấp đối với trượt lở đất đá thường có mật độ dân cư cao, tập trung rất nhiều hoạt động nhân sinh.
Nhưng hiện nay, hiện tượng trượt lở đất đá xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu dân cư hoặc dọc các tuyến đường giao thông nằm sát các sườn đồi, núi, vách taluy cao dốc. Cá biệt, một số khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá thấp lại thường nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của nguy cơ lũ quét cao và rất cao.
Theo TS. Nguyễn Quốc Khánh, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, nguyên nhân gây sạt lở đất đá ở khu vực trên chủ yếu do mưa lớn, đặc biệt trong mùa gió mùa từ tháng 5 đến tháng 10. Các yếu tố như độ dốc lớn, phá rừng, sử dụng đất cũng như điều kiện địa chất góp phần làm cho các khu vực dễ bị sạt lở đất. Các hoạt động của con người như khai thác khoáng sản, xây dựng đường sá và cắt dốc không đúng cách cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ sạt lở đất.
Cũng do đặc điểm địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu gió mùa với cường độ mưa lớn trong mùa mưa, sạt lở đất đá ở khu vực miền núi là một trong những thiên tai thường xuyên xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La rất dễ xảy ra sạt lở đất đá do địa hình hiểm trở và mưa lớn. Các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng thường xuyên xảy ra sạt lở đất do có độ dốc lớn và mưa lớn.
Những vùng núi càng cao sẽ càng có nguy cơ xảy ra thiên tai và sạt lở. Bản chất là do sau những trận mưa liên tiếp nhiều ngày, nước sẽ làm cho các tầng đất đá bồi giảm tác dụng ma sát (không phải tầng đá nguyên sinh). Dưới tác dụng của trọng lực thì những loại đất đá này sẽ có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Đây cũng chính là nguồn gốc của những sự trượt lở hay lũ được hình thành.
Như ghi nhận ở Hà Giang cho thấy, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng lũ quét, lũ ống… Đây là những hiện tượng thiên nhiên gặp thiên tai mà việc dự báo là không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập ra được bản đồ thiên tai thì sẽ dễ dàng hơn trong quá trình dự báo, chỉ điểm những khu vực nguy cơ.
Cần dữ liệu đầy đủ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá
Theo TS Trịnh Hải Sơn, để phân vùng những nơi có nguy cơ trượt lở đất đá cao tại Việt Nam, trước hết, cần xây dựng được Bộ tiêu chí đánh giá và xác định các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá. Cần phải có được đầy đủ bộ cơ sở dữ liệu của các bản đồ thành phần như bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá, bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá để phân tích, đánh giá tổng hợp, tích hợp, từ đó mới có thể xây dựng và đề xuất được Bộ tiêu chí đánh giá và khoanh định các khu vực có nguy cơ cao về trượt lở đất đá.
Bộ tiêu chí này sẽ được áp dụng cho 15 tỉnh miền Bắc đã có đủ cơ sở dữ liệu phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá theo tỷ lệ 1:50.000 giúp khoanh định các "khu vực nhạy cảm" về trượt lở đất đá; áp dụng thêm tổ hợp 4 tiêu chí gồm: dân cư, giao thông, công trình trọng điểm và lưu vực sông suối.
Việc áp dụng các tiêu chí nêu trên giúp phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá đã lập được danh sách với tỷ lệ 1:10.000; đồng thời, lập được danh sách các khu vực có khả năng ảnh hưởng các công trình trọng điểm ở tỷ lệ 1:5.000. Các khu vực nhạy cảm được thể hiện ở 3 mức độ khác nhau từ cao, trung bình, thấp và là cơ sở khoa học cụ thể để cảnh báo sớm trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Theo TS Trịnh Hải Sơn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai thực hiện 2 Đề án "Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi và "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 của 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ. Dữ liệu chưa được chuẩn hóa, đồng bộ gây nhiều khó khăn cho công tác tổng hợp dữ liệu.
Đặc biệt, Bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm như: số liệu địa hình ở tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000) còn thiếu và chưa được cập nhật bổ sung; do đó, dẫn đến kết quả xử lý bị sai và thiếu. Bộ cơ sở dữ liệu về địa chất ở tỷ lệ trung bình (1:50.000) cũng vẫn còn thiếu rất nhiều và chưa được tiến hành điều tra chi tiết bổ sung; các tỷ lệ 1:10.000, 1:5.000 rất ít, hầu như chỉ có ở những khu vực điều tra, đánh giá các mỏ khoáng sản.
Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một Trung tâm cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá; đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá.
Ngoài ra, các hệ thống cảnh báo sớm về trượt lở đất đá theo thời gian thực tại một số địa điểm là những công cụ vô cùng quan trọng cho công tác cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trung Quốc nâng mức cảnh báo đỏ khi mưa lũ diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề | SKĐS