Bạn đang bị glocom góc đóng hay góc mở?

25-12-2022 08:00 | Y học 360
google news

Glocom là một bệnh nguy hiểm và phức tạp trong nhãn khoa, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp nhầm lẫn giữa Glocom góc đóng và Glocom góc mở. Những tư vấn của các chuyên gia nhãn khoa thuộc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về 2 thể Glocom này.

Bạn đang bị glocom góc đóng hay góc mở? - Ảnh 1.

Glocom – Bệnh lý gây mù không hồi phục

Trong nhóm Glocare - Cộng đồng Glôcôm Việt Nam có nhiều người bệnh hoang mang về triệu chứng đau nhức mắt và đau lan lên đầu. Sau khi đi khám, nhiều nơi chuẩn đoán đây là biểu hiện của Glocom góc đóng. Tuy nhiên, sau khi khám lại, bác sĩ tại địa phương kết luận là Glocom góc mở. Chính vì thế, việc điều trị phải thay đổi cách điều trị khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, Glocom là bệnh lý nguy hiểm, gây suy giảm thị lực của nhãn khoa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Glocom là nguyên nhân đứng thứ 2 gây mù loà sau đục thuỷ tinh thể và là nguyên nhân hàng đầu gây mù không hồi phục.

Glocom là một bệnh mắt gây tổn hại cho thần kinh thị giác. Bệnh Glocom là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù ở những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, mù do bệnh Glocom có thể ngăn chặn được nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm.

Bạn đang bị glocom góc đóng hay góc mở? - Ảnh 2.

Ở Việt Nam, từ lâu Glocom còn được gọi là thiên đầu thống. Nguyên nhân gây bệnh có nhiều, trong đó chủ yếu do có sự ứ đọng của thủy dịch trong mắt quá mức làm tăng nhãn áp, gây tổn hại thần kinh thị giác. Glocom được chia thành 2 loại chính là Glocom góc mở và Glocom góc đóng với cơ chế bệnh sinh và triệu chứng lâm sàng khác nhau.

Phân biệt triệu chứng của Glocom góc đóng và Glocom góc mở

Glocom góc đóng:

Thường gặp nhiều ở người châu Á do cấu trúc giải phẫu nhãn cầu của người châu Á nhỏ hơn người châu Âu. Bệnh cũng thường xuất hiện ở người 35 tuổi trở lên, tuổi càng cao, khả năng bị Glocom càng lớn. Giới nữ bị Glocom góc đóng nhiều hơn nam giới, đặc biệt ở giai đoạn mãn kinh, tỉ lệ nữ giới bị Glocom góc đóng cao gấp 4 lần nam giới. Những người có nhãn cầu nhỏ như những người viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm , hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn Glocom.

Ngoài ra, yếu tố gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán Glocom góc đóng, khi trong gia đình có 1 người đã có cơn Glocom cấp thì những người còn lại trong gia đình có nguy cơ cao sẽ mắc Glocom.

Glocom góc đóng xảy ra do mống mắt áp sát vào góc tiền phòng gây tắc nghẽn lưu thông thủy dịch. Khi tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây ra cơn glocom cấp (một cấp cứu nhãn khoa). Biểu hiện của cơn Glocom cấp là mắt đột ngột mờ, đau nhức, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, nhìn đèn thấy nhiều quầng xanh đỏ, buồn nôn, giảm thị lực nghiêm trọng. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Glocom góc đóng có thể gây mù nếu không được điều trị ngay.

Đáng nói, bệnh thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh,

Glocom góc mở:

Khác với Glocom góc đóng, Glocom góc mở thường gặp hơn ở người da trắng. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, tuổi càng cao nguy cơ bị Glocom góc mở càng lớn.

Những người ruột thịt của bệnh nhân Glocom có nguy cơ mắc bệnh 5-6 lần nhiều hơn người bình thường.

Glocom góc mở thường không có triệu chứng và ở giai đoạn đầu không ảnh hưởng đến thị lực. Ở giai đoạn muộn của bệnh, có thể xuất hiện các điểm mù (vùng không nhìn thấy) trong trường nhìn. Phần lớn bệnh nhân Glocom góc mở chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn của bệnh, do đó bệnh Glocom được gọi là "kẻ trộm thị giác âm thầm". Vì vậy những người có tuổi cần chủ động khám mắt để được phát hiện sớm bệnh Glocom. 

Bạn đang bị glocom góc đóng hay góc mở? - Ảnh 3.

Các chuyên gia nhấn mạnh, tùy vào mỗi thể loại Glocom bác sĩ sẽ có các chỉ định điều trị khác nhau cũng như đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị trong suốt cuộc đời dưới sự theo dõi định kỳ của bác sỹ.

Đặc biệt, để chuẩn đoán đúng thể loại glocom góc đóng hay góc mở, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa có chuyên môn cao để chẩn đoán chính xác bệnh bởi Glocom là bệnh nguy hiểm, gây suy giảm thị lực mà không có khả năng hồi phục.

Hiện nay, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là có thăm khám bệnh Glocom cũng như các bệnh lý nhãn khoa khác với đội ngũ chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến giúp chẩn đoán đúng bệnh và điều trị hiệu quả.

Bạn đang bị glocom góc đóng hay góc mở? - Ảnh 4.

 


PV
Ý kiến của bạn