Hà Nội

Ban Dân y Trung ương cục miền Nam kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam

23-04-2018 09:16 | Xã hội
google news

SKĐS - PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã vô cùng tự hào khi đứng trên mảnh đất nơi từng là bệnh viện liên cơ của ban Dân y miền Nam. Đây là cũng là nơi Trung ương cục miền Nam đã chỉ huy các lực lượng quân và dân miền Nam thực hiện cuộc chiến tranh và cuộc tổng tiến công thần tốc, thống nhất đất nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác Bộ Y tế đã dự lễ mitting kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018) vào ngày 22/4/2018 tại khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Kim Tiến, PGS. TS. Trần Thị Trung Chiến và lãnh đạo BV Ung bướu TP.HCM tặng quà cho người nghèo xã Tân Lập, Tân Biên (Tây Ninh)

“Nơi đây đã viết lên trang sử hào hùng của dân tộc. Việc thành lập câu lạc bộ Truyền thống ban Dân y miền Nam mang một ý nghĩa vô cùng to lớn với ngành y tế, giúp cho cán bộ y tế được sống trong thời kỳ hòa bình, khi đất nước được độc lập tự do luôn ghi ân sự hy sinh dũng cảm và cống hiến trọn cuộc đời của nhiều thế hệ chiến sĩ nói chung và cán bộ trong ngành y tế nói riêng,” Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.

Đối với ngành y tế cũng đang học tập “nghệ thuật quân sự”, Bộ trưởng Bộ Y tế Kim Tiến cho biết. Trong chiến tranh, Bộ tổng tham mưu của chúng ta đã “cầm lấy thắt lưng địch mà đánh” bằng ba mũi giáp công: dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực mà làm nên cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, phát biểu trong lễ mitting kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018)

“Ngành y tế là ngành chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân trong giai đoạn đổi mới với nhiều chính sách giúp ngành phát triển, chúng ta cũng vận dụng 3 mũi tấn công, trong đó quân dân du kích cực kỳ quan trọng rải khắp miền đất nước chính là y tế cơ sở, mạng lưới y tế khắp thôn bản đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Bộ đội địa phương là tuyến tỉnh, tuyến huyện gồm y tế dự phòng, khám chữa bệnh. Chúng ta đang thực hiện chính sách tinh giảm đầu mối, các trung tâm đa chức năng tại tuyến huyện và khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh. Bộ đội chủ lực là các bệnh viện tuyến cuối và y tế chuyên sâu cả về khám chữa bệnh, dự phòng và nghiên cứu khoa học,” Bộ trưởng Bộ Y tế Kim Tiến chia sẻ.

Theo PGS. TS. Trần Thị Trung Chiến, Nguyên Ủy viên TW Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Dân y miền Nam, khu di tích Lịch sử - Văn hóa Ban dân y Trung ương cục miền Nam được hình thành gần 10 năm kể từ khi đại hội chính thức bầu ban chủ nhiệm lần thứ nhất ngày 27/2/2009.

“Đó là nguyện vọng của các vị y tế lão thành cách mạng, anh chị em công tác trong ngành y tế, các tổ chức, cá nhân đã tâm huyết đóng góp, xây dựng để có một công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc, tạo một quần thể của vùng căn cứ cách mạng kết nối với khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia đặc biệt Trung ương cục miền Nam,” PGS. Trung Chiến phát biểu.

Qua đó nhằm trả ơn đồng đội, đáp nghĩa đồng bào, là nơi để các thế hệ trẻ trong ngành y tế tìm hiểu giá trị lịch sử của những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Lãnh đạo ngành y tế cắt băng khánh thành khu Di tích Lịch sử - Văn hóa ban Dân y Trung ương cục miền Nam

Gắn liền với sự phát triển của đất nước, ngành y tế Việt Nam cũng không ngừng tiến bộ về mọi lĩnh vực trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Đảng và Nhà nước quan tâm, nâng cao mức đầu từ cho y tế để đáp ứng các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bao gồm: đưa bác sĩ về tuyến y tế cơ sở để chăm sóc cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; đào tạo cán bộ y tế có trình độ chuyên khoa sâu để nâng cao năng lực cán bộ; làm tốt công tác y tế phổ cập, y tế dự phòng, cung cấp đủ loại vắc xin cơ bản cho trẻ em…

Nhờ vậy, ngành y tế đã khống chế thành công  các dịch bệnh nguy hiểm. Về phát triển y học trình độ cao, chúng ta đã ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép giác mạc, ghép tụy, chuẩn bị dự án ghép phổi và nhiều ứng dụng kỹ thuật y tế hiện đại khác.

Từ những thành tựu ngày hôm nay, chúng ta luôn biết ơn các chiến sĩ là thầy thuốc đã hy sinh cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, tại nhà thờ Liệt sĩ của ngành y tế ở đồi 82 Tân Biên, Tây Ninh đã ghi danh trên bia đá được 538 cán bộ y tế hy sinh trong hai cuộc kháng chiến và còn hàng vạn chiến sĩ vẫn còn mang trong người nhiều thương tật do chiến tranh để lại, nhưng vẫn phải vượt qua nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, nhân dịp 43 năm giải phóng miền Nam, thay mặt đoàn công tác của Bộ Y tế, lãnh đạo ngành Y tế có một lời hứa chân thành sâu sắc những thế hệ đi sau luôn biết ơn thế hệ đi trước và nỗ lực phấn đấu hết mình, đặt quyền lợi của ngành, của nhân dân lên trên hết. Quyết tâm đổi mới xây dựng ngành hướng tới nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.


An Quý
Ý kiến của bạn