Bạn đã hiểu đúng về gan nhiễm mỡ?

21-08-2020 20:19 | Y học 360
google news

SKĐS - Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ mô tả tình trạng mỡ bị tích tụ quá nhiều trong gan. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2 - 4% trọng lượng của gan. Nhưng trong bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ sẽ chiếm ít nhất từ 5-10% trọng lượng của gan.

Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây gan nhiễm mỡ: do rượu và không do rượu.

Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ thường gặp nhất là do rượu, ngoài ra có nhiều người không uống nhiều rượu vẫn bị gan nhiễm mỡ do chế độ ăn không hợp lý.

Cơ chế gây ra gan nhiễm mỡ là do khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa sẽ tích trữ trong các tế bào gan. Bởi vậy tất cả các thực phẩm làm tăng quá trình tích trữ mỡ thừa trong tế bào gan đều góp phần gây ra gan nhiễm mỡ.

Bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng và các tổn thương do nó gây ra có thể hồi phục được. Bên cạnh đó, tình trạng gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể cải thiện được thông qua việc thay đổi các thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

Tình trạng gan nhiễm mỡ có thể cải thiện được qua chế độ ăn và tập luyện.

Tình trạng gan nhiễm mỡ có thể cải thiện được qua chế độ ăn và tập luyện.

Chế độ ăn giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ

Chế độ ăn giàu chất béo chưa hẳn là nguyên nhân của gan nhiễm mỡ. Chế độ ăn hợp lý, cân đối với các loại thực phẩm chống lại tổn thương tế bào, giúp cơ thể bạn sử dụng insulin dễ dàng hơn hoặc giảm viêm có thể giúp đảo ngược tình trạng bệnh.

Những thực phẩm nên sử dụng trong chế độ ăn để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ: Chất béo lành mạnh, carbonhydrate phức hợp, chất chống ôxy hóa.

Ăn các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh: Người bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế các loại chất béo không lành mạnh trong các loại đồ ăn nhanh, các món chiên rán, đồng thời bổ sung một lượng vừa phải các chất béo lành mạnh để cơ thể có thể hoạt động tốt. Thực phẩm chứa các chất béo lành mạnh cho người bị gan nhiễm mỡ bao gồm: hải sản, dầu olive, dầu hạt cải, dầu mè, các loại hạt và trứng.

Thực phẩm chứa carbonhydrate phức hợp: Có nghĩa là cần tránh xa các thực phẩm chứa nhiều đường tự do (đường đơn, đường đôi được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm). Hạn chế tiêu thụ các loại bánh kẹo, các thực phẩm cho thêm đường, đồ uống có đường, các loại ngũ cốc, bánh mỳ tinh chế (bánh mỳ trắng)... Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, gạo xát rối...

Thực phẩm chứa chất chống oxy hóa và bổ sung cho sức khỏe gan: Tế bào bị hư hại khi các chất dinh dưỡng không được phân hủy đúng cách. Điều này có thể dẫn đến tích tụ chất béo trong gan của bạn.

Thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa: các thực phẩm giàu vitamin E, vitamin C, beta caroten, selen, polyphenol, lycopene... Rau quả là nhóm thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa. Vitamin C có nhiều trong các loại quả họ cam quýt, ổi, rau lá xanh đậm. Betacaroten có nhiều trong các loại quả màu cam, vàng, đỏ như cà rốt, xoài, gấc, đu đủ, các loại rau lá xanh đậm. Vitamin E có nhiều trong rau quả, dầu thực vật, các loại hạt. Lycopene có nhiều trong gấc, cà chua, hồng. Polyphenol có nhiều trong các loại chè, rau gia vị.

Bên cạnh chế độ ăn lành mạnh, người bị gan nhiễm mỡ cần vận động thể lực hợp lý khoảng 60 phút/ngày, duy trì cân nặng hợp lý, thường xuyên kiểm tra các chỉ số lipid máu để điều chỉnh chế độ ăn và lối sống cho phù hợp.


BS. Lâm Phúc
Ý kiến của bạn