Hà Nội

Bạn đã đưa cha mẹ mình đi khám bệnh?

10-01-2014 09:07 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Một bạn kể về câu chuyện một bà mẹ có 8 đứa con nhưng phải đi khám bệnh một mình, cho dù bệnh nặng. Giật mình nghĩ lại, nhiều lúc tôi mải mê lo khám bệnh, mổ xẻ… mà không đưa mẹ mình đi khám bệnh.

Một bạn kể về câu chuyện một bà mẹ có 8 đứa con nhưng phải đi khám bệnh một mình, cho dù bệnh nặng. Giật mình nghĩ lại, nhiều lúc tôi mải mê lo khám bệnh, mổ xẻ… mà không đưa mẹ mình đi khám bệnh.

Văn hóa Việt Nam khác hẳn với phương Tây trong chuyện này. Nếu ai đó nghe nói cha mẹ nằm viện mà con cái không vào chăm nuôi thì họ nghĩ ngay đến việc người đó bất hiếu. Ở chỗ chúng tôi, mặc dù rất ít nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài người lớn tuổi đi khám bệnh mà không có con cháu đi theo, một số người do không có con cháu. Trong số những người không có con cháu, có một bệnh nhân mà chúng tôi luôn nhớ về ông.

Khi ông đến khám với chúng tôi, ông đã 80 tuổi, bà kém ông vài tuổi. Hai ông bà có mấy người con, tất cả đều nằm dưới lòng đại dương sau những chuyến vượt biên hồi cuối những năm 70, chỉ còn lại hai ông bà trơ trọi với tuổi già. Nghe những người hàng xóm vào thăm nói lại, hai ông bà không đến nỗi khó khăn về mặt kinh tế. Ông phải mổ. Cuộc mổ diễn tiến rất tốt, sau 1 tuần ông hồi phục và có thể xuất viện. Ông xin nằm lại thêm vì còn đau chỗ này chỗ khác và bao luôn phòng 2 giường cho bà nằm (không muốn bà nằm trên ghế bố, đau lưng lắm). Cứ thế, ông bà nằm viện hết tháng này sang tháng khác, dù đã rất khỏe (nhưng luôn còn chỗ nào đó chưa được khỏe hẳn). Có những lúc chúng tôi đông bệnh nhân quá, thiếu chỗ nằm. Như biết trước, ông bà luôn nói ngay khi gặp chúng tôi là xin nằm lại nữa, rằng còn cái này cái khác chưa ổn. Hết điều trị cột sống, khớp đến dạ dày, gan, chóng mặt…

Cho đến ngày Tết, chúng tôi cho ông xuất viện với lí do là chúng tôi sẽ đóng cửa nghỉ Tết. Ông nằm đến ngày cuối cùng mới xuất viện. Lúc đó, theo lịch thì sau 3 tháng ông mới phải tái khám, vậy mà ngày đầu tiên của năm mới, ông đến tái khám, rồi ngồi lại cho đến cuối buổi mới về. Sau đó cứ cách vài ngày ông bà lại vào khu vực phòng khám ngồi suốt ngày, thậm chí kêu cơm vào ngồi ăn. Chúng tôi không nhận khám thì ông bà vào chơi. Chúng tôi không cho ông nằm viện nữa vì thực sự ông không còn bệnh, đồng thời rất ái ngại chuyện thu tiền viện phí của ông bà khi ông không còn bị bệnh. Cứ như vậy cho đến hơn 1 năm sau.

 

Câu chuyện của ông bà đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc nắm bắt tâm lí của những bệnh nhân lớn tuổi, nhận biết sự khao khát tình cảm của họ. Chúng tôi dễ thông cảm hơn với những cơn đau vô cớ, với các triệu chứng cơ năng bất thường khi người bệnh lớn tuổi cho rằng con cháu chưa quan tâm đến mình đúng mức. Và chúng tôi cũng sẵn sàng hơn khi ngồi nghe những người bệnh lớn tuổi đi khám bệnh một mình kể tốt về các con của họ trong khi biết rằng sự thực có thể không hẳn là như vậy.

Rất may là những câu chuyện về những đưa con bất hiếu rất ít khi xảy ra ở xã hội chúng ta cho dù báo chí thỉnh thoảng vẫn đưa tin này tin khác. Đa số người già ở nước ta hiện nay đều sống cùng con cái, được con cái phụng dưỡng. Đối với những gia đình có con tương đối khá giả, những người cha người mẹ thường được chu cấp đầy đủ, thậm chí hơn cả mức mà họ muốn. Trong công việc hàng ngày, chúng tôi gặp không biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

Chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp những người con luôn có mặt mỗi khi cha mẹ đi khám bệnh, thường ở lại đêm với cha mẹ trong bệnh viện, mà sau đó chúng tôi mới biết được, người con đó là một cán bộ cao cấp, hoặc một doanh nhân thành đạt nổi tiếng, những người thường rất bận rộn với công việc. Một trong những đề xuất của những người con của những bệnh nhân lớn tuổi mà chúng tôi rất quen thuộc là yêu cầu bác sĩ nói với cha mẹ họ giá tiền ít ít thôi, vì nếu nghe nhiều tiền là thế nào ông hay bà cũng không chịu làm vì sợ tốn kém cho con cháu. Chúng tôi cũng khá quen với cái cảnh do không dặn trước, khi giải thích về các phương án chữa bệnh và số tiền dự trù phải chi cho từng phương án, những người con chọn ngay phương án rẻ tiền nhất, rồi sau đó khi bệnh nhân ra khỏi phòng họ mới quay lại và đề nghị làm cái gì được coi là tốt nhất mà không quan tâm đến chi phí, chỉ yêu cầu là nói với cha hoặc mẹ họ là làm theo phương án rẻ tiền nhất mà thôi.

Tôi vẫn thường nói với nhân viên của mình, rằng chúng tôi áp dụng được một số kĩ thuật mới là nhờ vào truyền thống hiếu thảo đối với cha mẹ của người Việt Nam. Thật vậy, một số kĩ thuật mới đòi hỏi chi phí cao, nhưng nhờ những người con hiếu thảo, không tiếc gì đối với cha mẹ mà chúng tôi mới có thể thực hiện được các kĩ thuật đó với số lượng lớn như hiện nay. Rất nhiều các bác sĩ nước ngoài ngạc nhiên khi biết được số lượng các ca mổ thuộc loại tốn kém mà tôi đã thực hiện vì họ biết Việt Nam là một nước nghèo, họ còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng đa số bệnh nhân và gia đình phải trả toàn bộ các chi phí vì rất ít người Việt Nam có bảo hiểm sức khỏe loại cao cấp.

Chúng ta thua các nước phương Tây rất nhiều, nhưng riêng về mặt này thì cho đến nay, chúng ta hơn hẳn họ.

BS. Võ Xuân Sơn

Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

 


Ý kiến của bạn