Bạn đã biết đến sức mạnh của cảm xúc?

03-08-2021 17:23 | Y học 360

SKĐS - Chỉ cần học cách điều chỉnh cảm xúc đúng mực, bạn có thể thay đổi quan điểm về cuộc sống và thậm chí cải thiện tình trạng cơ thể theo hướng tích cực. Dưới đây là một số ảnh hưởng của những cảm xúc thường gặp đến cơ thể bạn.

Cảm xúc của bạn có thể ảnh hưởng đến cả tinh thần và thể chất của bạn

Nhiều người trong chúng ta không nhận thức được sức mạnh của những cảm xúc thường gặp như thế nào và cách mà cảm xúc điều khiển ta một cách dễ dàng ra sao. 

Vậy hãy cùng nhau tìm hiểu thêm về sức mạnh đáng ngạc nhiên mà cảm xúc có thể ảnh hưởng đến cơ thể và cách quản lý cảm xúc để mang lại sự hài hòa cho trạng thái thể chất và tinh thần của bạn nhé! Sự cân bằng đó sẽ giúp bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn.

Bạn đã biết đến sức mạnh của cảm xúc? - Ảnh 1.

Cảm xúc của bạn có thể ảnh hưởng đến cả tinh thần và thể chất của bạn.

1. Tình yêu

Khi đang yêu, bạn có nhận thấy nhịp tim bạn đập nhanh và tay đổ mồ hôi? Bạn trải qua những thay đổi này là do máu chảy dồn dập trong cơ thể. Sự kích thích của norepinephrine và adrenaline là nguyên nhân đứng đằng sau trạng thái "đang yêu" làm tăng nhịp tim của bạn. 

Cơ thể của bạn tiết ra "hormone tình yêu" gọi là oxytocin, giúp bạn cảm thấy tự tin và hạnh phúc. Các hormone này cũng hoạt động như thuốc giảm đau và giúp bạn giảm bớt cơn đau nhức trên cơ thể nếu có.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, cơ tim của bạn khỏe hơn khi bạn đang yêu, và đó là một lý do để họ kêt luận: Những người đã kết hôn hạnh phúc có khả năng sống lâu hơn vì … đang sống trong tình yêu.

2. Căng thẳng và tức giận

Cả căng thẳng và tức giận đều có thể ảnh hưởng đến cơ thể bạn theo cách tiêu cực. Giận dữ là bạn của cáu kỉnh, bực bội và thịnh nộ. Chúng dẫn đến sự thay đổi nồng độ nội tiết tố của cơ thể và khiến bạn phải đối mặt với chứng mất ngủ, đau đầu, các vấn đề về da, rối loạn tiêu hóa… 

Bạn thậm chí có thể bị đột quỵ hoặc đau tim khi bạn đang trải qua cảm xúc đặc biệt này. Lúc nào cũng tức giận có nghĩa là bạn là người thường xuyên căng thẳng, lo lắng và có thể khiến bạn mắc các triệu chứng rối loạn lo âu tồi tệ hơn.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn lo âu có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu… Vì vậy, hãy kiểm soát cảm xúc tiêu cực này. Đừng thực hiện bất kỳ hành động nào khi bạn đang tức giận vì bạn sẽ hối hận khi không còn chịu tác động của cảm xúc này nữa.

3. Trầm cảm

Có rất nhiều cách đáng ngạc nhiên mà cảm xúc có thể ảnh hưởng đến cơ thể của bạn, và hệ lụy này thể hiện khá rõ ràng khi bạn bị trầm cảm. Trầm cảm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn dịch của bạn và hệ thống miễn dịch suy yếu sẽ mở ra cánh cửa cho tất cả các loại nhiễm trùng và bệnh tật. 

Trầm cảm cũng đặc trưng với những suy nghĩ rắc rối, và khi bạn suy nghĩ tiêu cực về những thứ xung quanh mình, điều đó tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Những người bị trầm cảm có nguy cơ cao mắc chứng mất ngủ. Khi trầm cảm, bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi đưa ra quyết định. Trên thực tế, trầm cảm còn có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn.

4. Sợ hãi

Bạn đã từng nhìn thấy một khuôn mặt ai đó tái xanh, nhợt nhạt hẳn đi khi sợ hãi chưa? Cảm xúc "sợ hãi" khiến bạn thành ra như vậy là do phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy" từ hệ thống thần kinh tự trị. Khi có điều gì đó gây ra nỗi sợ hãi, các mạch máu sẽ hạn chế dòng chảy đến mặt và tứ chi. 

Điều này sẽ giúp tăng cung cấp máu cho các cơ trong cơ thể, để bạn có thể sẵn sàng đối phó với mối đe dọa trước mặt. Sợ hãi có thể gây ra nhiều phản ứng khác của cơ thể như: tức ngực, ớn lạnh; khô miệng; buồn nôn; tim đập, loạn nhịp; hụt hơi; đổ mồ hôi; run sợ; bụng khó chịu,...

Ngoài các triệu chứng về thể chất, bạn có thể gặp các triệu chứng tâm lý như bị ngợp, khó chịu, cảm thấy mất kiểm soát hoặc cảm giác như sắp chết…

Bạn đã biết đến sức mạnh của cảm xúc? - Ảnh 2.

Trầm cảm, sợ hãi tác động tiêu cực tới cơ thể chúng ta

5. Chán ghét

Khi bạn cảm thấy chán ghét, nó cũng ảnh hưởng đến cơ thể của bạn theo nhiều cách. Thực ra để kiểm soát cảm xúc này khá khó khăn, và nó rất khác với những cảm xúc khác theo nhiều cách. Ví dụ, nhịp tim của bạn tăng lên khi tức giận hoặc sợ hãi, nhưng nhịp tim của bạn chậm lại một chút khi bạn cảm thấy ghê tởm ai đó hoặc điều gì đó. Bạn sẽ cảm thấy bất ổn trong dạ dày, thậm chí có thể đối mặt với chứng buồn nôn và nôn. 

Tất cả những điều này lại chính là yếu tố sinh lý kiểm soát hệ tiêu hóa. Khi cảm thấy chán ghét, ghê tởm, bạn chỉ cần hít thở sâu và cố gắng kiểm soát suy nghĩ của mình để cảm thấy tốt hơn.

6. Xấu hổ

Đó là một cảm xúc phức tạp, bạn có thể trải qua sự xấu hổ lành mạnh ( ví dụ sự e thẹn) và không lành mạnh ( ví dụ như hổ thẹn) vào những thời điểm khác nhau. Sự xấu hổ lành mạnh không ảnh hưởng đến ý chí , tự do và lòng tự trọng của bạn, nhưng bạn sẽ cảm thấy căng thẳng vì sự xấu hổ không lành mạnh và độc hại. Nó có thể dẫn đến việc cơ thể sản xuất quá mức hormone căng thẳng chính gọi là cortisol, do đó có thể dẫn đến co thắt động mạch và tăng nhịp tim.

 Bạn nên học cách ngừng so sánh những gì bạn có với những gì người khác có. Làm việc hăng say để cảm thấy tự tin hơn về bản thân và không lo lắng về những gì người khác nghĩ hoặc nói về bạn. Không cần phải lo lắng về những gì người khác nghĩ, miễn là bạn biết những gì bạn đang làm là đúng.

7. Ghen

Ghen bao gồm ghen tuông, ghen tỵ ở một mức độ nhất định có thể không có hại, nhưng quá nhiều nó có thể ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của bạn một cách tiêu cực.

Cảm thấy ghen tỵ với thành tích của người khác cùng là điều khá tự nhiên và không hại gì khi vì thế bạn thể hiện tốt hơn và tiến lên phía trước trong cuộc sống. Tương tự, nỗi sợ hãi mất đi người mình yêu cũng có thể khiến bạn cảm thấy ghen tuông, nhưng điều đó sẽ không làm bạn tổn thương nhiều. 

Tuy nhiên, ghen tuông không lành mạnh có thể phá hủy các mối quan hệ, gia đình và trái tim. Nhịp tim của bạn tăng lên khi bạn cảm thấy ghen tỵ/ ghen tuông với điều gì đó/ ai đó, và cũng sẽ làm tăng huyết áp của bạn. Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác, chẳng hạn như chán ăn, các vấn đề về dạ dày, mất ngủ, sút cân... 

Hãy chủ động và thậm chí tìm đến sự trợ giúp của y tế để học cách vượt qua sự ghen tuông để cứu vãn mối quan hệ của bạn, và cả sức khỏe của bạn nhé!

Xem thêm video được quan tâm:

Hướng dẫn rửa tay đúng cách.


Lan Thanh
Ý kiến của bạn