Bạn đã biết cách sử dụng thuốc chống nấm ketoconazol đúng cách?

23-04-2011 08:05 | Dược
google news

Ketoconazol có nhiều dạng bào chế như thuốc uống, kem bôi, dầu gội đầu, hỗn dịch uống... Việc dùng thuốc không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Nấm là sinh vật thường được tìm thấy trên da. Khí hậu nóng, ẩm là điều kiện thích hợp để nấm phát triển. Khi da bị tổn thương hoặc thường xuyên bị ẩm ướt hoặc khi hệ vi khuẩn bình thường của cơ thể bị thay đổi do điều trị kháng sinh kéo dài, nấm có thể sinh sôi nảy nở gây ra viêm da trên cơ thể đặc biệt là những vùng da mỏng, ẩm ướt.

Nấm cũng có thể gây nhiễm trùng phổi và các mô khác của cơ thể đặc biệt là ở những bệnh nhân với các hệ thống miễn dịch suy yếu. Khi đó cần sử dụng các thuốc chống nấm mà sự lựa chọn hiện nay hay gặp là ketoconazol. Hiện nay, ketoconazol có khá nhiều dạng bào chế như viên uống, kem bôi, hỗn dịch uống, dầu gội đầu... Đây là loại thuốc chống nấm tổng hợp giúp ngăn ngừa và chữa trị nhiễm độc nấm nói chung và trên da, nhất là các trường hợp bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân AIDS. Tuy đã có các thuốc chống nấm mới hơn, ít tác dụng phụ hơn như fluconazol và itraconazol nhưng cơ chế tác dụng cũng tương tự như ketoconazol.

Chống nấm hiệu quả

Không nên sử dụng đồng thời các dạng bào chế khác nhau nhưng cùng chứa hoạt chất này.

Ketoconazol thường có tác dụng kìm hãm nấm nhưng thuốc cũng có thể diệt nấm ở nồng độ cao. Tác dụng diệt nấm của ketoconazol ở nồng độ cao có thể là do tác dụng hóa lý trực tiếp của thuốc trên màng tế bào nấm. Với Candida albicans, các thuốc chống nấm loại azol ức chế sự biến đổi từ dạng bào tử chồi thành thể sợi có khả năng xâm nhập gây bệnh. Ketoconazol là thuốc chống nấm có phổ rộng, tác dụng trên nhiều loại nấm gây bệnh như Candida, Blastomyces dermatitidis, Coccidioides immitis... Thuốc còn tác dụng trên một vài vi khuẩn gram dương.

Ketoconazol hấp thu nhanh ở đường tiêu hóa, tốt nhất là ở pH acid. Sau khi uống, thuốc hòa tan trong dịch dạ dày và chuyển thành dạng muối hydroclorid rồi được hấp thu ở dạ dày. Sinh khả dụng của thuốc uống phụ thuộc vào pH dạ dày, pH tăng sẽ làm giảm hấp thu thuốc, do đó nếu dùng đồng thời với các thuốc làm tăng pH dạ dày sẽ làm giảm hấp thu ketoconazol.

Ảnh hưởng của thức ăn đối với tốc độ và mức độ hấp thu thuốc ở dạ dày còn chưa được xác định rõ, tuy nhiên nhà sản xuất cho rằng dùng ketoconazol với thức ăn sẽ làm tăng mức độ hấp thu thuốc và làm cho nồng độ thuốc trong huyết tương đậm đặc hơn, đó là do thức ăn làm tăng tốc độ và mức độ hòa tan của thuốc. Nồng độ thuốc tối đa trong huyết tương đạt được sau khi uống 1 - 2 giờ. Ketoconazol phân bố vào các dịch khớp bị viêm, nước bọt, mật, nước tiểu, sữa, gân, da, các mô mềm, tinh hoàn... thuốc qua được nhau thai nhưng không qua được hàng rào máu - não nên chỉ đạt một lượng không đáng kể trong dịch não tủy. Ketoconazol chuyển hóa một phần ở gan tạo ra các dẫn chất không có hoạt tính qua quá trình ôxy hóa và thoái giáng vòng imidazol và piperazin. Con đường chính thải trừ thuốc và các chất chuyển hóa của nó là qua mật rồi vào phân.

Ketoconazol được chỉ định trong bệnh nấm toàn thân, nấm Candida ở da, niêm mạc nặng, mạn tính, nhiễm nấm dai dẳng ở âm đạo, nhiễm nấm miệng, cổ họng và dạ dày, ruột hoặc cơ quan nội tạng khác.Tuỳ theo tình trạng nhiễm nấm của cơ thể mà lựa chọn dạng bào chế thích hợp.

Ketoconazol có thể gây độc cho gan vì thế không nên dùng cho những người đã bị bệnh gan. Biến chứng ở gan thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, phụ nữ, người nghiện rượu hoặc bị suy chức năng gan do những nguyên nhân khác. Vì ketoconazol cũng có khả năng ức chế quá trình tổng hợp các steroid và chuyển hóa vitamin D, do đó khi điều trị kéo dài ở trẻ em nên hết sức thận trọng. Dùng ketoconazol kéo dài nhằm dự phòng các bệnh nấm cho những người suy giảm miễn dịch có thể gây ra những thay đổi hormon nghiêm trọng.

Ketoconazol qua được nhau thai, nhưng còn chưa có những nghiên cứu đầy đủ ở người. Thuốc chỉ dùng cho người mang thai khi lợi ích điều trị xác đáng hơn các nguy cơ có thể gây ra cho thai nhi. Thuốc có thể tiết vào sữa, do đó người mẹ đang điều trị với ketoconazol không nên cho con bú.

Một số tác dụng có hại

Ketoconazol có thể gây độc cho gan.

Tác dụng không mong muốn (ADR) của ketoconazol thường gặp trên hệ tiêu hóa là buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, đầy hơi, chảy máu đường tiêu hóa, tiêu chảy. Các tác dụng này có liên quan đến liều dùng và có thể giảm thiểu nếu dùng thuốc cùng với thức ăn. Hầu hết, các trường hợp độc với gan đã được ghi nhận ở những người bệnh dùng thuốc trị nấm móng và ở nhiều người khác dùng thuốc trị các bệnh nấm da mạn tính dai dẳng. Mặc dù tác dụng độc do ketoconazol gây ra với gan thường có thể hồi phục sau khi ngừng thuốc vài tháng nhưng cũng đã xảy ra một số hiếm trường hợp xấu như hoại tử gan cấp, biến đổi mỡ ở gan hoặc tử vong. Nếu phải điều trị kéo dài thì trước khi dùng thuốc, cần xét nghiệm chức năng gan và suốt thời gian điều trị cứ 1 hoặc 2 tháng lại kiểm tra ít nhất một lần, đặc biệt là những người bệnh đang dùng các thuốc khác có độc tính mạnh với gan như thuốc chống lao, kháng sinh. Khi kết quả xét nghiệm chức năng gan thay đổi đáng kể, hay không bình thường kéo dài hoặc xấu đi hoặc kèm theo những biểu hiện rối loạn chức năng gan khác, cần ngừng thuốc. Có thể uống ketoconazol trong hoặc sau khi ăn nhằm làm giảm buồn nôn và nôn. Vì ketoconazol có độc tính cao với gan nên khi người bệnh dùng thuốc chống nấm đồng thời với các thuốc khác cũng có khả năng gây độc cho gan, nên phải theo dõi cẩn thận, nhất là đối với những người cần điều trị kéo dài hoặc đã có tiền sử bị bệnh gan. Tránh để đông lạnh dạng hỗn dịch uống và kem bôi ngoài có ketoconazol. Dạng xà phòng gội đầu cần tránh ánh sáng.

Ketoconazol có nhiều dạng bào chế như thuốc uống, kem bôi, dầu gội đầu, hỗn dịch uống nên phải tuân thủ liều điều trị và không nên sử dụng đồng thời các dạng bào chế khác nhau nhưng cùng chứa hoạt chất này.

ThS. Lê Quốc Thịnh


Ý kiến của bạn