Một số bạn cháu và cháu hễ cứ đi ôtô là hay bị say xe. Tới đây, chúng cháu phải ra thành phố đi thi học và thường xuyên phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chúng cháu rất lo lắng. Có phụ huynh bạn cháu mách dùng miếng dán vào da thì tránh được say xe. Xin quý báo nói cho cháu rõ cách dùng thuốc này như thế nào?
Ngô Thị Hoa (Văn Chấn - Yên Bái)
Say tàu xe có nguyên nhân từ cơ quan tiền đình ở tai trong là chính. Do tàu xe chạy với vận tốc không đều, chạy rẽ ngoặt ngoằn ngoèo, những dao động tròng trành làm cho cơ thể thay đổi tư thế không có quy luật. Nếu khả năng thích ứng tốt thì không sao nhưng với những người cơ quan tiền đình quá mẫn cảm, kém thích ứng với sự thay đổi vị trí thì dễ mắc chứng say tàu xe.
Thuốc cháu hỏi là loại thuốc dán ngoài da nhưng cho tác dụng toàn thân không khác thuốc uống, còn được gọi băng dán xuyên da. Đó là scopoderm TTS mà hoạt chất thuốc là scopolamin thuộc hệ điều trị qua da để dán vào da. Để chống say tàu xe, thay vì uống thuốc, ta có thể dán dạng thuốc băng dán xuyên dachứa dược chất scopolamin, nó thuận tiện ở chỗ dễ dùng và duy trì được sự cung cấp liên tục thuốc trong thời gian dài, nếu cần có thể ngừng điều trị bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da là được. Khi dán vào da dược chất trong miếng băng dán sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu cho tác dụng giảm kích thích, giảm co thắt, chống buồn nôn và nôn.
Không dùng miếng dán say xe cho trẻ dưới 15 tuổi
Tuy nhiên, đã là thuốc thì nó còn có chống chỉ định (tức không được dùng) và tác dụng phụ: Không dùng thuốc này cho trẻ em dưới 15 tuổi. Không dùng cho phụ nữ nuôi con bú. Khi dùng thuốc, cần kiêng rượu. Ở một số người có thể gặp tác dụng phụ như nhức đầu, khô miệng, lơ mơ, rối loạn điều tiết mắt (hoa mắt, nhìn mờ, ảo giác), táo bón...
Để có đủ thời gian cho thuốc ngấm qua da vào máu phát huy tác dụng, cháu cần dán một miếng thuốc trước khi khởi hành 6 - 12 giờ. Dán phía sau tai, ở chỗ da khô không có tóc với một miếng dán đủ để phòng cho một chuyến đi trong 72 giờ. Nếu đi lâu hơn, sau 72 giờ sẽ bóc bỏ miếng cũ đi và dán một miếng mới ở phía tai bên kia. Nếu khi dùng thuốc mà thấy có những biểu hiện bất thường (như các tác dụng phụ nói trên) thì bóc bỏ miếng dán ngay.
Ngoài ra, cũng cần biết những phản xạ thần kinh của các cơ quan nội tạng truyền về trung tâm nôn ở não cũng góp phần làm tăng chứng say tàu xe. Đó là các yếu tố như quá đói hoặc ăn quá no vì dễ kích thích niêm mạc dạ dày, mất ngủ, bực tức, mệt mỏi, không khí ô nhiễm (khói thuốc lá, mồ hôi người, mùi xăng... ) cũng có thể gây đau đầu, buồn nôn cho một số người quá mẫn cảm. Bởi vậy, trước ngày đi, cháu cần thư giãn tinh thần tránh mệt mỏi. Trước khi đi, cần ăn nhẹ, không uống rượu bia và đồ uống có gas...