Bạn có thể mắc ung thư máu nếu có những triệu chứng này

24-09-2024 13:28 | Phòng mạch online

SKĐS - Ung thư máu là bệnh lý ác tính với tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu bệnh thường ít có biểu hiện, ung thư máu thường được phát hiện ở giai đoạn muộn với tiên lượng xấu.

Ung thư máu là gì?

Ung thư máu là một bệnh lý nguy hiểm nhưng triệu chứng thường không rõ ràng, lúc phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn và tiên lượng nặng. Sau đây là một số dấu hiệu có thể gặp khi bị ung thư máu:

- Do lượng hồng cầu trong máu bị giảm, người bệnh sẽ gặp tình trạng da nhợt nhạt, xanh xao.

- Cảm thấy mệt mỏi không rõ lý do.

- Giảm cân đột ngột.

- Chức năng của các tế bào bạch cầu suy giảm nên dễ tái phát tình trạng nhiễm trùng.

- Sưng hạch bạch huyết (lạc đạo) dưới da, vị trí thường gặp là ở cánh tay, bẹn, ngực, cổ và không có cảm giác đau.

- Sốt không rõ lý do.

Việc phát hiện và chẩn đoán ung thư máu cần thực hiện các xét nghiệm định kỳ và kiểm tra tủy xương, xét nghiệm tế bào, di truyền…

Bạn có thể mắc ung thư máu nếu có những triệu chứng này- Ảnh 1.

Ung thư máu xảy ra khi lượng bạch cầu sản sinh quá nhiều và quá nhanh trong khoảng thời gian ngắn.

Vì sao bị ung thư máu?

Nguyên nhân gây ung thư máu là do tình trạng bạch cầu sản sinh ra quá nhiều, quá nhanh trong khoảng thời gian rất ngắn. Lượng bạch cầu sẽ tấn công hồng cầu, và khi hồng cầu bị phá hủy sẽ khiến người bệnh có các biểu hiện thiếu máu

Nguyên nhân gây tình trạng ung thư máu hiện vẫn chưa được xác định, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

- Người tiếp xúc với những tác nhân gây ung thư nói chung như tia X, các loại hóa chất độc hại.

- Người uống nhiều rượu bia, người hút thuốc lá.

- Ung thư máu có yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người bị ung thư máu hoặc có người mang gen ung thư máu thì bạn có nguy cơ mắc ung thư máu.

Phòng ngừa ung thư máu bằng cách nào?

Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra bệnh ung thư máu do vậy mọi người cần giảm các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

- Duy trì lối sống lành mạnh thông qua chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại rau củ quả tươi, vitamin C, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

- Hạn chế tiếp xúc với những tác nhân gây ung thư như hóa chất độc hại, khói thuốc lá, uống rượu bia…. Nếu làm việc trong môi trường độc hại thì cần mặc đồ bảo hộ theo quy định.

- Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần đến cơ sở y tế thăm khám và tìm nguyên nhân.

Bạn có thể mắc ung thư máu nếu có những triệu chứng này- Ảnh 2.

Ung thư máu là một bệnh lý nguy hiểm nhưng triệu chứng thường không rõ ràng, lúc phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn và tiên lượng nặng.

Ung thư máu sống được bao lâu?

Với tiến bộ của khoa học hiện đại, người mắc ung thư máu không phải là dấu chấm hết. Hiện nay, tỷ lệ sống của người mắc ung thư máu đã được cải thiện và việc tiên lượng của người bệnh ung thư máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng sức khỏe, mục tiêu điều trị, giai đoạn bệnh, tình trạng đáp ứng với điều trị…

Tương tự như vậy, việc điều trị bệnh nhân ung thư máu cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chủ yếu phương pháp điều trị trong ung thư máu là hóa trị, xạ trị, cấy ghép tế bào gốc. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể làm tăng hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ tử vong, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Do vậy, mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường và các yếu tố nguy cơ nếu có.

Chế độ ăn cho người ung thư máu. Người bệnh mắc ung thư máu cần có chế độ ăn đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối tuân thủ yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra các bữa ăn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, cân bằng giữa mỡ động vật và dầu thực vật. Để tăng hiệu quả điều trị, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh bổ sung các thực phẩm chứa nhiều protein dự trữ, năng lượng cho cơ thể. Người bệnh nên lựa chọn cách chế biến mềm, lỏng để dễ tiêu hóa.

Người mắc ung thư máu kiêng ăn gì? Người bệnh cần tránh các đồ ăn không đảm bảo vệ sinh như gỏi, đồ ăn tái, sống… đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn có dấu hiệu bị ôi thiu, nấm mốc…. Bên cạnh đó cần tránh các chất kích thích như thuốc lá, trà, cà phê, rượu bia, đồ uống có gas… Mỗi bệnh nhân sẽ có chỉ định riêng về chế độ ăn uống. Nếu muốn bổ sung các loại thực phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng… cần xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm video được quan tâm:

Ung thư máu ở trẻ em - các dấu hiệu nhận biết sớm hầu hết mọi người đều bỏ qua | SKĐS


BSCKI Lại Thị Hương
Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn