Bạn có thể bị cận đến bao nhiêu độ?

01-05-2025 07:54 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nếu cận thị do giác mạc có thể khiến bạn cận tối đa hơn 10 D (đi-ốp), còn cận thị do hình dạng thủy tinh thể thì độ cận sẽ cao hơn nữa. Một số trường hợp cận do bệnh lý có thể lên đến hơn 20 D.

Hỏi: Gần đây tôi có đọc được một trường hợp cận 22D (đi-ốp), nguyên nhân có phải trường hợp bị cận thị nhưng không đeo kính thường xuyên? Những người bị cận thị có nên đeo kính 24/24 không thưa bác sĩ? (Lê Thị N - Hải Phòng).

Theo ThS.BS Đỗ Việt Dũng – Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội) nguyên nhân dẫn đến cận thị được chia làm 2 loại: cận thị do giác mạc (khúc xạ giác mạc), với nguyên nhân này độ cận có thể dao động tối đa hơn 10 D (10 đi - ốp). Trường hợp còn lại là bệnh cận thị do nguyên nhân hình dạng thủy tinh thể thì độ cận sẽ cao hơn so với cận thị do giác mạc. Với những trường hợp cận lên đến hơn 20D D thường do cận thị bệnh lý gây ra và khá hiếm gặp.

ThS.BS Đỗ Việt Dũng giải đáp thông tin về việc bị cận thị có nên đeo kính thường xuyên.

Bị cận thị có nên đeo kính thường xuyên không?

Nhiều cha mẹ có tâm lý sợ các bạn nhỏ bị cận thị sẽ lệ thuộc vào kính mắt. Từ đó dẫn đến tình trạng chỉ cho trẻ đeo kính khi học, ngoài ra không cần đeo kính. Tuy nhiên đây là một quan niệm sai lầm. Bởi với người bị cận thị, kính thuốc là phương tiện giúp người bệnh nhìn rõ hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Đặc biệt với người bệnh bị cận thị nhưng không đeo kính, mắt sẽ làm việc trong trạng thái nhìn mờ và điều tiết quá mức từ đó dẫn đến tăng độ. Từ đó khiến tốc độ tăng số cận nhanh hơn so với những người đeo kính thường xuyên. Do vậy, với những người bị cận thị đặc biệt là cận thị nặng nên đeo kính đúng số và thường xuyên đeo kính để cải thiện được tầm nhìn. Người bị cận thị nên đeo kính khi thức, chỉ bỏ kính ra lúc ngủ và tắm.

Bạn có thể bị cận đến bao nhiêu độ?- Ảnh 1.

Trẻ đã được chẩn đoán là cận thị cần đeo kính và thăm khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.

Hiện nay cũng chưa có phương pháp nào để tập luyện cho mắt giảm độ cận. Do vậy người bệnh không nên tin vào những bài tập lan truyền trên mạng xã hội vì có thể gây ra những hậu quả về sau ảnh hưởng đến thị lực.

Bên cạnh đó, người bị cận thị cần lưu ý một số vấn đề sau trong sinh hoạt hàng ngày để kiểm soát độ cận:

  • Có chế độ dinh dưỡng đa dạng bằng cách bổ sung thêm cá, rau, các thực phẩm giàu vitamin… vào thực đơn hàng ngày
  • Với trẻ nhỏ cần duy trì tư thế ngồi học, đọc sách đúng. Người lớn cần duy trì tư thế ngồi làm việc đúng, giữ khoảng cách với máy tính, thiết bị điện tử
  • Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như: xem tivi, ipad, máy tính, điện thoại…
  • Không nên thức khuya
  • Thăm khám mắt định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ.
Vitamin và khoáng chất nào tốt cho mắt cận thị?Vitamin và khoáng chất nào tốt cho mắt cận thị?

SKĐS - Mặc dù vitamin và khoáng chất không làm giảm được độ cận, nhưng khi được bổ sung đầy đủ sẽ giúp mắt khỏe và hạn chế gia tăng độ cận...


ThS.BS Đỗ Việt Dũng
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Mắt Hà Nội
Ý kiến của bạn