Sẽ như thế nào nếu người thân của một người hiến tặng nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc trên thân xác của một người hoàn toàn xa lạ, điều này sẽ gây những cú sốc về tinh thần rất lớn.
Đây là một trong những dự luật mới được Mỹ thông qua và vừa chính thức được áp dụng. Ngoài khuôn mặt, dự luật của Chính phủ Mỹ còn quy định về hiến tặng bàn tay và chi ở người.

Hình ảnh trước và sau ca phẫu thuật ghép mặt đầu tiên tại Mỹ năm 2008.
Dự luật về hiến tặng mặt và các chi là dự luật gây tranh cãi nhất bởi nó không như các cơ quan nội tạng khác, mặt và tay chân là các bộ phận cơ thể định danh một người, nó không chỉ xác nhận một con người dưới danh nghĩa là một người sinh học mà còn cả một con người xã hội nữa.
Trước đây việc hiến tặng các bộ phận cơ thể đã từng được quy định trong luật, tuy nhiên các bộ phận được phép hiến tặng và cấy ghép mới chỉ là các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận và nhiều cơ quan nội tạng khác. Nhưng giờ đây dự luật mới ở Mỹ sẽ cho phép con người được hiến tặng cả khuôn mặt. Việc hiến tặng khuôn mặt về khoa học nó là một loạt các cấy ghép bao gồm da, xương, cơ, mạch máu, dây thần kinh và mô liên kết. Và kết quả sẽ cho ra một người với một vẻ ngoài hoàn toàn khác so với bản thân bệnh nhân.

Phẫu thuật ghép mặt
Từ năm 2008 đến nay đã có 7 cuộc cấy ghép khuôn mặt được tiến hành tại Mỹ, 8 người được ghép 2 tay mới và 14 người được ghép 1 tay, cuộc phẫu thuật ghép tay đầu tiên tại Mỹ năm 1999.
Những người phản đối cho rằng việc hiến tặng khuôn mặt sẽ gây nhiều tác động không tốt bởi nó là vẻ bề ngoài, mang tính thẩm mỹ và là đặc điểm nhận dạng của mỗi người. Sẽ như thế nào nếu người thân của một người hiến tặng nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc trên thân xác của một người hoàn toàn xa lạ, điều này sẽ gây những cú sốc về tinh thần rất lớn. Nó không chỉ tác động đến những khía cạnh tinh thần mà còn ảnh hưởng cả tới vấn đề đạo đức. Bởi bộ mặt của một kẻ trộm cắp, hung tợn sẽ được ghép cho một người lương thiện, hiền lành. Tất nhiên vẻ ngoài của con người sẽ không phản ánh bản chất của người đó, nhưng liệu người được cấy ghép một khuôn mặt mới có chấp nhận một bộ mặt không như ý muốn trên khuôn mặt của mình hay không. Đó là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức và quyền con người.

Một bệnh nhân nữ đã nhận được khuôn mặt mới.
Hiến tặng khuôn mặt và chi không thể chối cãi là nó có tác dụng trả một con người đang bị huỷ hoại vẻ bề ngoài về với cuộc sống, hoà nhập với xã hội. Nhưng những vấn đề sau đó sẽ tác động đến cuộc sống của người bệnh, vấn đề đó trở nên cực kỳ phức tạp. Đối với các chi chẳng hạn, nếu người nhận được ghép cả một cánh tay vô hình chung đối với xã hội, họ sẽ được định danh bằng vân tay của người hiến tặng. Cuộc sống xã hội của họ sẽ mãi mãi không thoát khỏi việc gắn với người đã tặng cho mình một cánh tay, nhất là khi công nghệ vân tay đang ngày càng thịnh hành ở nhiều quốc gia tiên tiến.
Dự luật của Chính phủ Mỹ về hiến tặng khuôn mặt hiện tại được cho là chặt chẽ hơn như người có thẻ tình nguyện hiến tặng các bộ phận cơ thể sẽ không được phép hiến tặng khuôn mặt và tay nếu không có người thân của người đó đồng ý cho phép.
Hải Yến
(Theo Dailymail, AP)