Hà Nội

Bạn có đủ “mỡ nâu” không?

29-10-2014 07:00 | Y học 360
google news

Mặc dù mỡ nâu ít được biết đến hơn mỡ trắng trong cơ thể, nhưng với tiến bộ của khoa học ngày nay, con người ngày càng biết đến vai trò và tác dụng của mỡ nâu, đặc biệt trong việc phòng chống béo phì,

Mặc dù mỡ nâu ít được biết đến hơn mỡ trắng trong cơ thể, nhưng với tiến bộ của khoa học ngày nay, con người ngày càng biết đến vai trò và tác dụng của mỡ nâu, đặc biệt trong việc phòng chống béo phì, đái tháo đường - hai vấn nạn bệnh tật mà con người đang phải đối mặt hiện nay. Vậy làm thế nào để tăng cường hay kích hoạt lượng mỡ nâu trong cơ thể là vấn đề được nhiều người quan tâm để mang lại lợi ích sức khỏe cho mình.

Vai trò và tác dụng của mỡ nâu

Cơ thể người có hai loại mỡ: Mỡ trắng là loại mỡ ta thường biết đến và mỡ nâu ít được biết hơn. Mỡ nâu được sinh ra trong thời kỳ bào thai. Mỡ nâu có tác dụng bảo vệ trẻ khi mới sinh. Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi sống trong tử cung - môi trường có nhiệt độ của mẹ là 37oC. Khi ra ngoài tử cung, trẻ sơ sinh thường phải sống trong môi trường có nhiệt độ thấp hơn (khoảng trên dưới 25oC). Trẻ sơ sinh dùng mỡ nâu để sinh nhiệt từ các axít béo. Người trưởng thành cũng có mỡ nâu. Loại mỡ này không có chức năng như mỡ trắng là tích tụ lipid, mà mỡ nâu thường có tác dụng đốt calo! Mỡ nâu cũng thường thấy nhiều ở các loài động vật ở trạng thái “đông miên”. Vào cuối mùa đông, mỡ nâu trong con vật hoạt động lại đốt mỡ trắng và sinh nhiệt để sưởi ấm vật chủ. Người ta cũng thấy mỡ nâu ở động vật có vú nhỏ sống trong những vùng lạnh giá. Mỡ nâu hoạt động như những “lò sưởi” tự nhiên.

Mỡ nâu.

Trước đây, ở người, các nhà khoa học cho là không có loại mỡ này. Theo một bài báo trên tạp chí “Nghiên cứu” (La recherche): “Quan niệm này đã ăn sâu vào tâm lý các nhà sinh lý học, trong nhiều năm qua họ đã không quan tâm đến những nhận xét để đặt lại vấn đề này. Còn trong những năm gần đây, những nhận xét của các nhà khoa học lại được thực hiện trong những nghiên cứu khảo sát rất xa so với chuyên khoa của họ, là khoa học hình ảnh trong y học nghiên cứu về ung thư và những nhận xét này lại được đăng tải trên những tạp chí chuyên khoa về y học phân tử, ít có dịp được biết đến với các nhà sinh lý học”.

Các nhà nghiên cứu ung thư thường có thói quen khu trú các khối u bằng cách nghiên cứu các mô tiêu thụ nhiều năng lượng. Họ nhận xét, ở cơ thể người trưởng thành không bị ung thư có những vùng đốt nhiều năng lượng hơn những vùng khác, đó là những vùng có mỡ nâu, nằm dọc theo cổ và xương đòn.

Các tế bào mỡ nâu mà các nhà khoa học gọi là tế bào mỡ (adipocytes bruns, theo tiếng Hy Lạp cổ: adipo là mỡ, cyte là tế bào), khác xa với tế bào của mỡ trắng. Những tế bào này rất giàu ty lạp thể (mitochondries) - là những lò phát điện của tế bào. Những ty lạp thể này sẽ cho phép các tế bào hoàn thành chức năng của mình (ví dụ để tế bào cơ co lại) và không tạo ra năng lượng tế bào. Chúng chỉ sản sinh ra nhiệt lượng. Điều này rất quan trọng với chúng ta vì nếu ta có nhiều mỡ nâu, mỡ này sẽ đốt cháy nhiều calo.

Vì mỡ nâu đốt cháy năng lượng và tỏa nhiệt, do đó, đứng trên quan điểm giảm cân, mỡ nâu là một loại “mỡ tốt” và mỡ trắng là nơi tích tụ lipid nên là “mỡ xấu”. Bác sĩ Paul Lee, Viện Nghiên cứu y học Garvan, Sydney, giải thích như sau: “Lợi ích trong lĩnh vực mỡ nâu đã tăng nhanh trong những năm gần đây vì khả năng đốt cháy năng lượng của chúng, mở ra một mục tiêu trong điều trị bệnh béo phì và bệnh đái tháo đường”.

Mỡ trắng.

Những nghiên cứu của ông đưa ra cho thấy: 50g mỡ nâu có thể đốt cháy 50g mỡ trắng mỗi ngày (tương ứng 300kcalo). Và những người có nhiều mỡ nâu cũng ít đường huyết trong máu hơn.

Hãy chuyển mỡ trắng thành mỡ nâu!

Điều đáng mừng là mỡ trắng có khả năng chuyển được thành mỡ nâu. Việc này có thể được xảy ra dưới tác dụng của một hormon, đó là chất Irisine. Đây là nghiên cứu của Trường đại học Harvard được đăng tải trên các tạp chí khoa học vào năm 2012. Theo đó, chất này được cơ tạo thành khi chúng ta tập thể dục hoặc khi cơ thể của ta bị run. Chẳng hạn, ở trong môi trường mát khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày để cơ thể run lên sẽ làm tăng cơ số mỡ nâu trong cơ thể ngang bằng một buổi tập thể dục vừa phải. Thực tế, sự run là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, làm co cơ, sản xuất nhiệt để sưởi cơ thể khi nhiệt độ không đủ. Run bắt đầu xảy ra khi nhiệt độ xung quanh dưới 16oC và ta mặc quần áo mỏng. Và cũng theo những nghiên cứu tại Đại học Havard, lượng Irisine được tạo thành khi run trong 15 phút ngang bằng đạp xe 1 giờ.

Tuy nhiên, tác dụng kích hoạt mỡ nâu trong cơ thể còn tốt hơn nếu ta tạo thói quen ngủ trong môi trường mát mẻ. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Diabetes” năm 2014 đã chứng minh là ngủ trong phòng có nhiệt độ 19oC làm tăng lượng mỡ nâu lên 30 - 40%, trong khi ngủ ở nhiệt độ 27oC, lượng mỡ nâu giảm.

Vào ban ngày, làm việc ở môi trường có nhiệt độ 19oC là vừa đủ. Tuy nhiên, ngày nay, người ta có xu hướng sưởi nhiều hơn. Ở nhiệt độ phòng làm việc cao hơn 22oC, lượng mỡ nâu có xu hướng giảm, dẫn đến nguy cơ tăng trọng lượng, béo phì và đái tháo đường...    

(Theo SNI, 9/2014)

P.Tiến


Ý kiến của bạn