“Đánh phủ đầu”, “Can thiệp nhanh”… hay những tiêu đề mỹ miều khác chỉ là những bộ phận cấu thành nên học thuyết G.Bush nhằm tới ngôi: Bá chủ toàn cầu, Sen đầm quốc tế. Song muốn làm được Sen đầm quốc tế thì cần phải quân sự hóa toàn cầu. Mà muốn quân sự hóa toàn cầu thì trước tiên và trên hết phải đè bẹp Nga - một cường quốc quân sự thế giới đủ sức chơi ngang với Mỹ. Nếu không quân sự Nga cứ lớn lên theo thời gian và những đồng minh chiến lược của Nga cũng lớn lên thì giấc mộng Bá chủ toàn cầu, Sen đầm quốc tế ấy sẽ tuột khỏi tầm tay, ở xa tầm mắt.
Bộ óc điện tử chủ nghĩa G.Bush chọn phương thức làm suy yếu nước Nga dần dần bằng cách khống chế chú gấu Nga. Vậy thì ngoài việc giữ nguyên hiện trạng bố trí quân đội Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc cần phải siết gọng kìm, thiết lập vành đai quanh nước Nga ngay tại biên giới Nga và những điểm chủ yếu nhất để can thiệp vào nước Nga.
Máy bay viện trợ Mỹ cập cảng Tbilisi. Ảnh: AFP |
Về biên giới Nga thì những quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech là những vị trí đắc địa nhất... Còn những điểm chủ yếu vào Nga thì không đâu, không một quốc gia nào lợi hại, thiết thực, hiệu quả bằng hai quốc gia vốn từng là anh em của Nga trong Cộng hòa Liên bang Xô Viết trước đây và Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG ngày nay. Thế là lập tức có kế hoạch, lên chương trình “Cách mạng nhung”, “Cách mạng sắc màu”.
Để lớp nhân sự thân phương Tây lên nắm chính quyền ở các quốc gia này bằng mọi giá. Và rồi miếng bánh phương Tây liền chìa ra: Nào là đồng minh chiến lược của Mỹ, những hứa hẹn gia nhập NATO, gia nhập EU treo lơ lửng rất cám dỗ chính quyền Kiev, đặc biệt là chính quyền Tbilisi, sân khấu chính trị được công diễn: Ông Saakashvili thủ vai trung tâm một cách đắc lực.
Vật cản không nhỏ: Nước cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia kiên quyết ly khai, quyết tâm giành độc lập bằng mọi giá. Abkhazia và Nam Ossetia vốn là hai vùng đất được Stalin sáp nhập vào nước Cộng hòa Gruzia từ thời Liên bang Xô Viết. Công dân ở hai vùng lãnh thổ này, chủ yếu là những người Nga sinh sống làm ăn lâu đời ở đây. Kể từ khi ông Edourard Chevardnadze - Một tổng thống Gruzia có quan hệ êm thuận với Nga bị lật đổ thì linh tính chính trị khiến cư dân ở hai vùng đất này đặc biệt lo sợ. Họ không yên tâm làm nước cộng hòa tự trị của Gruzia mà quyết đòi độc lập bằng mọi giá và luôn hướng tới Nga. Kế hoạch thực hiện học thuyết G.Bush thế là không thuận buồm xuôi gió. Được sự hậu thuẫn của quan thầy, ông Saakashvili đã tấn công nước Cộng hòa Nam Ossetia từ tháng7/2008. Nga đã kêu gọi Gruzia không dùng vũ lực đối với hai nước cộng hòa đòi ly khai. Phớt lờ lời kêu gọi của Nga, Liên hợp quốc và các nước trong khu vực, đêm mùng 7 rạng 8/8, Gruzia đánh mạnh vào Nam Ossetia làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, nhà cửa công trình thành đống gạch vụn. Nước Nga buộc phải thực hiện lời hứa “quyết tâm bảo vệ công dân của mình” mà Tổng thống Nga Medvedev đã tuyên bố từ cuối tháng 7. Chiến sự Nga - Gruzia bắt buộc phải diễn ra. Gruzia đã bị đánh bại. Nga không chỉ đơn thuần đánh vào Gruzia mà còn đánh vỗ vào mặt những thế lực hậu thuẫn đứng sau Gruzia. Ngày 16/8, Tổng thống Nga Medvedev đã ký hòa ước với Tổng thống Gruzia Saakashvili. Nhưng vãn hồi hòa bình chỉ là hình hài còn nguy cơ về một cuộc chiến với quy mô lớn đã hiện nguyên hình.
Bàn cờ chiến lược Gruzia mới chỉ bắt đầu
Trước đây việc bố trí tên lửa đánh chặn của Mỹ trên đất Ba Lan được bàn đi tính lại mãi. Thương thuyết rồi lại mặc cả. Hoãn rồi lại bàn mãi vẫn chưa thành. Chiến sự Nga - Gruzia vừa xảy ra, hiệp ước được ký trong chớp nhoáng. Ngày 19/8, 26 nước thành viên NATO theo đề nghị của Mỹ đã tổ chức họp khẩn cấp ở Bỉ với chủ trương “làm dịu đi tình hình căng thẳng giữa Nga và Gruzia” song thực chất thì hoàn toàn ngược lại. Các nước NATO làm thành dàn hợp xướng hết sức thông cảm với Gruzia và ra sức chỉ trích lên án thậm chí không từ cả việc vu khống Nga. Tuy không thể khỏa lấp được sự bất đồng, song tất cả các nhạc công trong dàn hợp xướng NATO đã cùng chơi dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Mỹ. Những luận điệu “nghi ngờ việc rút quân của Nga” được bắt đầu từ Ngoại trưởng Mỹ lây sang Ngoại trưởng sứ sương mù... Ngày 22/8 tàu chiến NATO đã tập trận trên biển Đen thuộc lãnh hải Rumani chỉ cách biển Gruzia 900km. Ngày 23/8 những hạm đội III của Mỹ ở vùng Vịnh kéo hết cả về vùng biển Đen Gruzia. Biển Đen giờ đây đang rợp bóng các tàu chiến Mỹ và tàu chiến NATO với những lời ngụy biện. Những chuyến hàng “viện trợ nhân đạo rất đáng ngờ” đang ngày đêm đổ vào Tbilisi. Theo tướng Anatony Nogovstyn, Phó tham mưu trưởng quân đội Nga thì Tbilisi đang bố trí tên lửa cho chiến sự đợt III. Ông nói, với họ “hai chiến sự vẫn là chưa đủ”, dã tâm thì quá lớn mà cái áo ngụy trang thì vô lý, mỏng manh chật hẹp. Mưu toan đã dần hiện nguyên hình. Lần này không giật dây viện trợ từ xa, NATO dưới sự chỉ đạo của Mỹ đang sát cánh bên Gruzia khiêu khích kéo Nga vào bẫy để hất cẳng Nga ra khỏi Gruzia rồi khai hỏa bằng một cuộc chiến có quy mô lớn đủ làm khủng hoảng cả vùng Kapkaze và biển Đen. Ván cờ chiến lược giữa Mỹ, NATO và Nga mới chỉ bắt đầu và bàn cờ đang ở lãnh thổ Gruzia.
Nguyên Vũ