Bạn có biết về 10 tác dụng phụ không tốt của rau?

12-01-2024 14:30 | Cảnh giác thực phẩm

SKĐS - Rau luôn được coi là một thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe của mọi người vì chứa chất xơ, vi chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, rau cũng có những tác dụng phụ có thể gây bất lợi cho một số người.

Ăn rau được đánh giá là tốt cho cân nặng, tốt cho tim và ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2. Những thực phẩm thực vật này không chứa các chất gây dị ứng thực phẩm hàng đầu, ít calo, chất béo và natri, dễ chế biến theo những cách ngon miệng nên phù hợp với hầu hết mọi chế độ ăn kiêng.

Theo Hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) khuyến nghị nên bổ sung rau vào các bữa ăn trên 1/4 đĩa ăn, còn Hướng dẫn chế độ ăn uống giai đoạn 2020–2025 khuyến nghị người lớn nên cố gắng ăn tương đương 2 đến 3 cốc rau mỗi ngày. Điều này được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ) gọi là yếu tố cốt lõi của chế độ ăn uống lành mạnh.

Bạn có biết về 10 tác dụng phụ không tốt của rau?- Ảnh 1.

Rau củ quả là một phần quan trọng của chế độ ăn lành mạnh.

Tuy nhiên, có một số trường hợp khi thêm rau vào chế độ ăn có thể không phải là ý tưởng hay nhất. Một số người có tình trạng sức khỏe đặc biệt nhất định cần cân nhắc khi ăn rau. Tham khảo 10 tác dụng phụ khó chịu của rau dưới đây:

1. Ăn rau có thể gây tiêu chảy khi tham gia chạy bộ

Tiêu chảy có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, TS. Michael J. Thomas, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Nhi đồng Palm Beach ở Florida cho biết, ăn nhiều rau có thể gây tiêu chảy khi bạn chạy bộ. TS. Thomas nói rằng thực phẩm giàu chất xơ như rau quả có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy khi tập thể dục.

Điều đó không có nghĩa là bạn không bao giờ nên ăn rau nếu đang tập luyện cho một cuộc đua. TS. Thomas khuyên: "Khuyến nghị là nên tránh những món ăn rau ít nhất ba giờ trước khi tập thể dục, đặc biệt ở những người có tiền sử tiêu chảy và các vấn đề về đường tiêu hóa khác. Người chạy bộ nên thử các chế độ ăn kiêng như vậy trong quá trình tập luyện để đánh giá mức độ không dung nạp".

2. Rau đóng hộp có thể tăng lượng natri

Nói chung, việc bổ sung bất kỳ loại rau từ tươi đến đông lạnh hoặc đóng hộp đều là tốt cho sức khỏe nhưng tốt nhất hãy bỏ qua loại đóng hộp khi có thêm muối. Thông thường, các nhà sản xuất thêm nhiều muối vào rau đóng hộp để bảo quản hương vị của chúng. Ví dụ: cà chua đóng hộp có thêm muối chứa 306 miligam natri trong mỗi cốc khác xa so với 9 miligam trong 1 cốc cà chua sống, tươi.

Đối với những người có vấn đề về sức khỏe tim mạch, lượng natri cao này có thể gây rắc rối. Tiêu thụ quá nhiều rau có hàm lượng natri cao dễ dẫn đến những hậu quả bất lợi cho sức khỏe như tăng huyết áp, tim bệnh và đột quỵ. Theo một đánh giá có hệ thống cho thấy rằng cứ tăng 1 gam natri trong lượng natri sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên 6%.

Nếu bạn hiện đang có vấn đề về sức khỏe tim mạch hoặc có nguy cơ mắc bệnh, giải pháp rất đơn giản: Chọn rau quả tươi thay vì đóng hộp. Hoặc nếu bạn chọn rau đóng hộp, hãy thử rửa sạch chúng trước khi ăn để loại bỏ lượng natri dư thừa hoặc chọn các sản phẩm không thêm muối.

Bạn có biết về 10 tác dụng phụ không tốt của rau?- Ảnh 2.

Nên ăn vừa đủ các loại rau giàu tinh bột.

3. Rau giàu tinh bột có thể cung cấp quá nhiều carbohydrate cho người bệnh đái tháo đường

Các loại rau có tinh bột có thể là một phần của chế độ ăn uống cân bằng cho người mắc bệnh đái tháo đường vì chúng bổ dưỡng, cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Tuy nhiên, các loại rau có tinh bột như khoai tây, ngô và bí mùa đông có thể làm tăng lượng đường trong máu vì chúng giàu carbohydrate. Để giữ ổn định lượng đường trong máu, hãy duy trì lượng rau củ có tinh bột ở mức vừa phải. Phương pháp đĩa ăn cho bệnh đái tháo đường của CDC cho phép rau củ giàu tinh bột chiếm tới 25% khẩu phần ăn.

Người bệnh đái tháo đường nên ưu tiên những lựa chọn không chứa tinh bột. Rau không chứa tinh bột là lựa chọn tốt cho những người có vấn đề về lượng đường trong máu. Chúng bao gồm các loại rau như rau lá xanh như rau bina, cải xoăn, rau diếp, bông cải xanh, súp lơ, cải Brussels, cà chua, ớt chuông, dưa chuột và bí xanh. Những loại rau này ít carbohydrate nhưng chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất.

4. Một số loại rau gây đầy hơi và chướng bụng

Một số loại rau nổi tiếng là gây đầy hơi. Theo nghiên cứu, các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ trắng và bắp cải có chứa các hợp chất gọi là glucosinolates. Khi bị phân hủy trong đường tiêu hóa, những chất này sẽ giải phóng khí lưu huỳnh có thể khiến bụng bạn cảm thấy no và căng như trống (chưa kể còn tạo ra khí có mùi).

5. Một số loại rau có thể gây ợ nóng

Rau rất có lợi cho tim nhưng không phải lúc nào cũng tốt cho chứng ợ nóng. Một số loại rau có tính acid có thể gây ra cơn trào ngược ví dụ như cà chua có tính acid cao và có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản với một số người. Các loại rau khác có thể gây ợ chua bao gồm hành, tỏi và ớt cay.

Việc ghi nhật ký thực phẩm có thể giúp xác định xem một số loại rau có gây kích ứng ở đường tiêu hóa trên hay không. Từ đó, bạn có thể thực hiện các bước để giảm thiểu các triệu chứng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu gặp các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản sau khi ăn một loại rau cụ thể, tốt nhất bạn nên tránh hoặc ăn nó một cách điều độ.

6. Có thể làm nặng thêm hội chứng ruột kích thích

Các loại thực phẩm khác nhau ảnh hưởng đến những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) theo những cách khác nhau. TS. Thomas khuyến cáo những người mắc IBS nên tránh các loại rau gây đầy hơi và chướng bụng, nhiều loại trong số đó có nhiều oligosacarit lên men, disacarit, monosacarit và polyol (FODMAP).

Những carbohydrate chuỗi ngắn (FODMAP) đặc biệt này được hấp thu kém ở ruột non và chuyển vào đại tràng, nơi chúng bị lên men nhanh chóng, dẫn đến đầy hơi và khó chịu ở bụng - TS. Thomas cho biết, các ví dụ bao gồm hành tây, tỏi tây, atisô, đậu Hà Lan, măng tây, nấm và súp lơ.

7. Có thể gây viêm ruột

Giống như IBS, bệnh viêm ruột (IBD) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống. Mặc dù mỗi trường hợp khác nhau nhưng một số loại rau có thể gây bùng phát bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng. TS. Thomas chỉ ra một nghiên cứu cho thấy 45% bệnh nhân mắc bệnh Crohn gặp phải các triệu chứng bất lợi sau khi ăn ngô.

Cách duy nhất để biết liệu một loại rau có gây rắc rối cho bạn hay không là theo dõi các triệu chứng. Khi đã xác định được các loại thực phẩm gây kích ứng, hãy thử hạn chế hoặc tránh hoàn toàn trong thời gian bùng phát.

Bạn có biết về 10 tác dụng phụ không tốt của rau?- Ảnh 4.

Một số loại rau củ gây "tác dụng phụ" khó chịu cho người bị hội chứng ruột kích thích...

8. Có thể cung cấp quá nhiều kali cho người mắc bệnh thận

Những người mắc bệnh thận cần duy trì sự cân bằng về kali. Khi thận không hoạt động bình thường, dễ gặp khó khăn trong việc loại bỏ kali khỏi cơ thể. Nồng độ kali có thể tích tụ trong máu và có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe như nhịp tim không đều, yếu cơ và thậm chí là đau tim.

Người bệnh thận cần chú ý vì có nhiều loại rau tốt cho sức khỏe lại chứa nhiều kali. Nếu bạn bị bệnh thận, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn tránh những lựa chọn có hàm lượng kali cao như khoai tây, rau bina và cà chua. Thay thế bằng việc ăn các loại rau có hàm lượng kali thấp như ớt chuông, dưa chuột, cà rốt nấu chín, bí xanh và đậu xanh có lợi cho sức khỏe người bệnh thận.

9. Chúng có thể thay đổi màu sắc và mùi nước tiểu

Ăn măng tây có thể ảnh hưởng đến mùi (và thậm chí cả màu sắc) của nước tiểu. Ăn nhiều củ cải đường có thể khiến nước tiểu có màu đỏ thẫm còn cà rốt có thể khiến nước tiểu có màu đỏ cam. Những thay đổi này là do sự hiện diện của một số hóa chất và sắc tố trong những loại rau này - acid asparagusic trong măng tây và betacyanins trong củ cải đường.

Tuy nhiên, những thay đổi về màu và mùi nước tiểu do ăn rau nhìn chung là vô hại, theo Harvard Health. Nhưng nếu bạn nghi ngờ có điều gì đó không ổn với sức khỏe tiết niệu của mình, tốt nhất bạn nên thảo luận vấn đề đó với bác sĩ.

10. Có thể ảnh hưởng đến ca phẫu thuật

Nếu bạn sắp phẫu thuật - đặc biệt là phẫu thuật liên quan đến đường tiêu hóa - bác sĩ có thể đề nghị một số điều chỉnh chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật. Điều này có thể bao gồm việc hạn chế ăn nhiều rau. Bằng cách hạn chế chất xơ, bạn sẽ ít đi tiêu hơn, giảm các biến chứng tiềm ẩn sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, TS. Thomas cho biết: Các tài liệu gần đây hơn chứng minh kết quả có lợi của việc bổ sung đủ chất xơ trong chế độ ăn uống ngay sau khi phẫu thuật và không có sự gia tăng thống kê về tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật. Ông cho biết thêm, lợi ích của hàm lượng chất xơ trong rau đối với hệ vi sinh vật đường ruột phát triển mạnh có thể lớn hơn bất kỳ nhược điểm nào sau phẫu thuật.

Do đó, điều quan trọng là phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống trước và sau phẫu thuật. Nếu bạn nhận được lời khuyên nên bỏ rau trong một thời gian, cần hỏi khi nào bạn nên ăn rau trở lại.

Ăn đủ trái cây và rau quả có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và kiểm soát trọng lượng cơ thể nhưng cơ chế chính xác vẫn chưa được biết rõ. Các báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc khuyến nghị người lớn nên tiêu thụ ít nhất năm phần trái cây và rau quả mỗi ngày, ngoại trừ các loại rau có tinh bột.
Ăn mấy tép tỏi mỗi ngày để có tác dụng tốt nhất cho sức khỏe?Ăn mấy tép tỏi mỗi ngày để có tác dụng tốt nhất cho sức khỏe?

SKĐS - Ăn tỏi sống chưa nấu chín là một trong những cách tốt nhất để tận dụng lợi ích của tỏi nhưng ăn bao nhiêu và ăn thế nào là đúng cách?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bắp cải: Món rau lý tưởng cho người trên 50 tuổi.

Hoàng Nam
Ý kiến của bạn