Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sân bay Tân Sơn Nhất phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tại đầu cầu TPHCM có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức; lãnh đạo các sở ngành,…
TP HCM đánh giá rủi ro dịch ở trong cộng đồng
Báo cáo về tình hình dịch bệnh tại địa phương, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ ngày 5/2 đến nay, thông qua việc giám sát, xét nghiệm chỉ định cho trên 8.000 nhân viên Sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện 8 ca mắc COVID-19. Ngoài ra, sau khi cho kiểm tra người tiếp xúc với các ca bệnh, TP HCM phát hiện thêm 25 ca mắc COVID-19. Các ca này chủ yếu liên quan đến nhân viên của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS).
Ngay sau đó, TP HCM nhanh chóng truy vết các ca lây nhiễm F1, F2, khoanh vùng dịch tễ đảm bảo kết quả xét nghiệm thực hiện trong 24 giờ; khoanh vùng, phong tỏa tạm thời 33 địa điểm có ổ dịch trong cộng đồng.
Ngành Y tế phối hợp Cảng vụ Hàng không miền Nam kiểm tra lại hoạt động của sân bay, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, có biện pháp chấn chỉnh; xét nghiệm tầm soát cho người nhà của nhân viên Công ty VIAGS, người đến khám tại Bệnh viện Quân y 175; kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế Trung ương đóng trên địa bàn, tập trung chống dịch.
Sẵn sàng triển khai các kế hoạch đã xây dựng trong toàn ngành, TP HCM tăng cường năng lực lấy mẫu và xét nghiệm để tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu khoanh vùng, dập dịch, sàng lọc nhóm nguy cơ; dự trù đầy đủ sinh phẩm, test-kit, đảm bảo năng lực xét nghiệm 30.000-40.000 mẫu/ngày (có thể làm mẫu gộp 5 khi cần); rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành hoạt động trong sân bay; hạn chế hoạt động tập trung đông người…
“Cơ bản, chúng ta đã đánh giá được tình hình ổ dịch ở Công ty VIAGS”- ông Nguyễn Tấn Bỉnh nêu rõ; đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế cung cấp sinh phẩm, test kháng nguyên nhanh, kháng thể để địa phương chủ động truy vết, đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Lãnh đạo TPHCM họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chiều 10/2. Ảnh: VGP/Đình Nam
GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết thêm: thời gian tới, UBND TPHCM sẽ tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo thành phố, kích hoạt toàn bộ hệ thống điều trị; khẩn trương tiến hành công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch khi xuất hiện ca bệnh mới; nâng cao năng lực xét nghiệm và công xuất điều trị; tiến hành tập huấn phát triển lực lượng lấy mẫu; quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở có nguy cơ cao (sân bay, bệnh viện,…); hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người,…
Các mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR phải xử lý ngay trong ngày
Tại điểm cầu văn phòng Bộ Y tế TPHCM, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP HCM cho biết thông tin thêm, hiện nay TPHCM lấy mẫu rất nhanh chóng, nhưng tiến độ xử lý mẫu còn chậm, Bộ yêu cầu các mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR phải xử lý ngay trong ngày.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM là đơn vị điều phối các đơn vị trực thuộc và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, xử lý các mẫu nhanh nhất.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị TPHCM tăng tốc xử lý mẫu xét nghiệm. Ảnh: VGP/Đình Nam
Qua phân tích thêm, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo để nghị TPHCM, ngành y tế phải hết sức chú ý đến cả trường hợp F2 dương tính là F1 của một ổ dịch khá, hoặc tình huống đã có mầm bệnh khá lâu âm ỉ tồn tại trong thành phố. Do đó, TPHCM cần phải tăng cường xét nghiệm rộng trong cộng đồng; xét nghiệm có trọng điểm tại những địa bàn có nhiều người qua lại để đánh giá tình hình.
Sân bay Tân Sơn Nhất phải tuyệt đối an toàn
Hoan nghênh Bộ Y tế và TPHCM đã phản ứng nhất nhanh, kịp thời, bài bản…, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng từ trước đến nay ngành y tế đã thực hiện giám sát thường xuyên một bước bằng việc khám, xét nghiệm tất cả người có triệu chứng ho, sốt khi đến bệnh viện.
Tuy nhiên, với tình hình của TPHCM hiện nay, từ kinh nghiệm ở Đông Triều (Quảng Ninh), Phó Thủ tướng đề nghị thành phố “cố gắng dệt một cái lưới” để tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm ở những địa điểm như quán nước gần bến xe,… để xem xét khả năng tồn tại của dịch ở trong cộng đồng.
Tại cuộc họp, TPHCM đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm (test-kit) nhanh để xét nghiệm hàng ngày tất cả nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Liên quan đến nội dung này, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ vừa nhận được khoảng 130.000 test-kit nhanh của Hàn Quốc và dự kiến sẽ phân bổ cho một số địa phương, tuy nhiên, trước yêu cầu của TPHCM, Bộ sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ cho TPHCM, trước mắt là 30.000 test-kit, và sẽ hỗ trợ tiếp theo khi TPHCM có yêu cầu trên cơ sở cân đối với các địa phương khác.
“Đầu tiên, sân bay Tân Sơn Nhất phải bảo đảm tuyệt đối an toàn”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
TPHCM là nơi đầu tiên xây dựng các bộ tiêu chí chấm điểm phòng chống dịch cho các cơ sở y tế, trường học, nhà máy…, vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế, trường học, cơ sở nhà máy, bến bãi, phương tiện công cộng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòngc hống dịch, tự đánh giá định kỳ và cập nhật thường xuyên lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn), “nếu xanh mới được hoạt động”.
“Kinh nghiệm cũng cho thấy ở bệnh viện hay sân bay, nơi nào có camera giám sát thì truy vết sẽ nhanh hơn, dễ hơn, vì vậy nhân lúc này chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tăng cường hệ thống này”, Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chiều 10/2. Ảnh: VGP/Đình Nam