Hà Nội

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia: Kiến nghị giãn cách thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam

31-07-2021 21:01 | Y tế

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tại cuộc họp chiều ngày 31/7, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Chiều 31/7, tại Trụ sở Chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cùng các thành viên Ban Chỉ đạo (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổ Phân tích thông tin) cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ban Chỉ đạo phòng Quốc gia: Kiến nghị giãn cách thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp        Ảnh: Đình Nam

Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam

Thống nhất tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại khu vực này có xu hướng gia tăng, các địa phương nên tiếp tục thực hiện giãn các xã hội, thậm chí một số khu vực cần siết chặt thêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bởi các ca mắc ở đây vẫn có xu hướng tăng, chưa có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội còn chưa nghiêm, còn tình trạng người dân vẫn ra đường khi không cần thiết.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu Tiểu ban Giám sát dịch COVID-19 (của Ban Chỉ đạo) tiếp tục giám sát chặt chẽ để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo khi các địa phương có dấu hiệu chuyển từ nguy cơ lên nguy cơ cao (phải giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg), nguy cơ cao lên nguy cơ rất cao (phải giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg) để chỉ đạo các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, đối với thành phố Hà Nội, sau khi hệ thống giám sát cảnh báo về mức nguy cơ rất cao, Ban Chỉ đạo đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ban Chỉ đạo thống nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tuy nhiên, tùy vào mức độ kiểm soát dịch bệnh, các địa phương có thể nới lỏng cục bộ.

Đối với khu vực tiếp giáp, khi thực hiện nới lỏng công tác phòng, chống dịch phải thống nhất với các địa phương khác; báo cáo Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia trước khi quyết định.

Người dân không nên tự ý trở về quê

Liên quan đến vấn đề người dân tự ý trở về quê, PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 phải được đặt lên hàng đầu.

Qua theo dõi, nhiều địa phương không kiểm soát được do người dân đi về tự phát; trong số đó, có những người đã mắc COVID-19, trên đường đi lây nhiễm lẫn nhau.

"Trong lúc này, người dân không nên tự ý trở về quê; nên ở lại và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội của chính quyền các địa phương, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng"- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Trước tình trạng này, Ban Chỉ đạo thống nhất, trên nguyên tắc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không ai được ra khỏi vùng đang giãn cách, trừ mục đích công vụ và lý do đặc biệt - được chính quyền cho phép; do đó, các địa phương phải thực hiện thật nghiêm nguyên tắc này. Các địa phương không kiểm soát được tình hình, để người dân tự ý ra khỏi địa bàn, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Đối với những người dân đã đi ra khỏi địa bàn đang giãn cách xã hội, sang địa phương khác, khi được phát hiện, chính quyền địa phương đó phải có trách nhiệm đón, đưa những người này tiếp tục về quê hương an toàn, bố trí xe ô tô khách để chở bà con về, không để đi xe máy (nếu cần, có thể bố trí xe tải chở xe máy của người dân về).

Nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương chăm lo đầy đủ đời sống, sức khỏe người dân; tuyên truyền chủ trương của Chính phủ về việc đồng ý nguyên tắc tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19, tiêm hết cho người dân trên địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., để bà con yên tâm ở lại.

Ban Chỉ đạo phòng Quốc gia: Kiến nghị giãn cách thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam - Ảnh 2.

Các thành viên dự cuộc họp     Ảnh: Đình Nam

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các địa phương này, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ, sau cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết luận, ưu tiên cao nhất vắc xin phòng COVID-19 cho khu vực này để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.

Theo đó, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hồ Chí Minh để rà soát, điều chỉnh cần thiết về quy trình, thủ tục tiêm để tiêm nhanh nhất, bảo đảm an toàn. Mặt khác, Bộ Y tế bảo đảm nguồn vắc xin theo đúng tiến độ tiêm của TP Hồ Chí Minh đề ra. Đồng thời, Thành phố khẩn trương xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh sau khi đã tiêm vắc xin cho tất cả những người trong độ tuổi (theo khuyến nghị của nhà sản xuất).

“Đặc biệt, các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm đời sống, trợ giúp y tế để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.

Đến ngày 31/7/2021, TPHCM đã được phân bổ 3 triệu liều, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.

Đến nay TPHCM đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vắc xin, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế đã có công văn thông báo về việc dự kiến phân bổ vắc xin phòng COVID-19 năm 2021, theo đó, TPHCM sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm văc xin. Riêng trong tháng 8/2021, dự kiến TPHCM sẽ nhận thêm được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.


Thái Bình
Ý kiến của bạn