1. Vị cay
Vị cay có tác dụng phát tán, hành khí, hành huyết và tư nhuận. Các thuốc giải biểu thường là có vị cay, có khả năng phát tán biểu tà.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy một số thuốc giải biểu như ma hoàng, quế chi, cảo bản, sài hồ... đều có khả năng hỗ trợ chống virus cúm, tác dụng này có được là do chúng chứa nhiều tinh dầu.
Đa phần các thuốc lý khí như chỉ thực, chỉ xác, trần bì, thanh bì, phật thủ… đều có vị cay. Thành phần tinh dầu trong các vị thuốc này có tác dụng làm ấm, kích thích các phản xạ co bóp đường tiêu hóa, giúp cho dạ dày và ruột thông khí, bài trừ tích trệ, tạo nên công năng mà Đông y gọi là "hành khí".
Các vị thuốc hoạt huyết như xuyên khung, hồng hoa, diễn hồ sách, ích mẫu, nga truật... cũng đều có vị cay và chúng có tác dụng thúc đẩy lưu thông huyết dịch, cải thiện tình trạng thiếu máu của tổ chức, Đông y gọi đó là công năng "hành huyết".
Vị thuốc xuyên khung có tác dụng hoạt huyết.
2. Vị ngọt
Vị ngọt có tác dụng bồi bổ, hoãn giải hay nói cách khác là có tác dụng "phù chính". "Chính" ở đây là chỉ "chính khí".
Theo nghiên cứu hiện đại "phù chính" có quan hệ mật thiết với việc nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể và thành phần hóa học có tác dụng điều chỉnh vấn đề này chính là các sac charides, protid và acid amin chứa trong dược vật.
Các vị thuốc bổ như nhân sâm, hoàng kỳ, kỷ tử, dâm dương hoắc, linh chi, bạch linh... đều chứa nhiều đường. Các vị khác như đại táo, long nhãn, kỷ tử, hồ đào nhân, lộc nhung, cáp giới, tử hà sa... đều chứa nhiều protid, acid amin... làm cơ sở vật chất cho công năng "tư bổ" của dược vật.
Cam thảo vị ngọt cũng đã được chứng minh là có tác dụng làm giãn cơ trơn, chống co thắt... tạo nên hiệu quả "cam năng hoãn", "hoãn cấp chỉ thống" theo quan niệm của Đông y.
3. Vị chua
Vị chua có tác dụng thu sáp. Hầu hết các thuốc có vị chua như ngũ vị tử, sơn thù, ô mai, kim anh tử, ngũ bội tử, kha tử... đều có công năng thu sáp và đều chứa nhiều tanin đặc biệt như ngũ vị tử có hàm lượng tanin đạt tới 60 - 77%.
Công dụng làm săn se và bảo vệ niêm mạc, sáp tràng, cầm đi lỏng của tanin, đã được Tây y phát hiện từ lâu, hơn nữa tanin còn có tác dụng cầm máu và kháng khuẩn. Điều này cho thấy rõ tính năng thu sáp của các dược vật có vị chua và hàm lượng tanin trong thành phần của chúng cũng có một mối quan hệ mang tính quy luật.
Vị thuốc kha tử bảo vệ niêm mạc.
4. Vị đắng
Vị đắng có tác dụng tả hỏa, táo thấp. Đại bộ phận các thuốc khổ hàn (đắng lạnh) đều có công năng thanh nhiệt, tả hỏa. Kết quả thống kê cho thấy trong 100 vị thuốc có hoạt chất chính là các alkaloid thì có tới 1/3 là các thuốc có vị đắng, tính lạnh.
Mặt khác, đa số các thuốc có tác dụng thanh nhiệt và chống u bướu đều có vị đắng và thành phần hóa học chủ yếu là các alkaloid... như anthraquinone, glycoside, cardiac, glycoside, saponin, flavonoid với hàm lượng cao hơn nhiều so với các thuốc có mùi vị khác.
Người ta cũng nhận thấy tác dụng thanh nhiệt của các vị thuốc này cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào các hoạt chất trên. Ví dụ, thành phần chủ yếu có tác dụng kháng khuẩn của hoàng bá, hoàng liên là berberine, coptisine, jateorrhizine, phellodendrine; của khổ sâm và sơn đậu căn là matrine, matrine oxide, của hoàng cầm là baicalin; của tần bì là aesculin.
5. Vị mặn
Vị mặn có tác dụng tả hạ, nhuyễn kiên (nhuận tràng và làm mềm). Ví như hải tảo, côn bố có công năng nhuyễn kiên tán kết dùng để trị u bướu đều có vị mặn. Nghiên cứu hiện đại cho thấy chúng có chứa nhiều muối vô cơ, đặc biệt là rất giàu iodine nên thường được dùng để chữa u bướu tuyến giáp trạng.
Như vậy, có thể thấy lý luận về ngũ vị của Đông dược cũng có một cơ sở khoa học khá sâu sắc, không đơn thuần sử dụng vị giác mà còn là căn cứ điều trị hiệu quả thông qua thực tiễn lâm sàng của từng vị thuốc.
Mời bạn xem thêm video
Toàn cảnh hiện trường đổ nát vụ cháy gần 10 nhà dân ở Nam Từ Liêm