Những nghiên cứu mới nhất đã giúp lý giải vì sao người lớn lại yêu trẻ con, vì sao hầu hết các cha mẹ đều ngay lập tức bị hút lấy con mình, và đặc biệt là sức mạnh kỳ diệu của tình mẫu tử. Tất cả đều bắt nguồn từ một phản ứng mẫu/tử nằm trong vỏ não.
Tình mẫu tử ảnh hưởng đến gen
Tình mẹ con đã được các thi sĩ ngợi ca từ biết bao nhiêu thế hệ. Các nhà khoa học từ lâu cũng đã biết là các chất hóa học trong não bộ ảnh hưởng tới tình cảm, cảm xúc và hành vi con người. Nhưng chỉ từ khoảng 30 năm trở lại đây, các cuộc nghiên cứu khoa học mới tìm hiểu rõ hơn bản chất của tình cảm cao quý này và dùng chính khoa học để giải thích sức mạnh kỳ diệu mà tình mẹ con có thể tạo ra trong cuộc sống.
Năm 2004, các nhà nghiên cứu Italia và Pháp đã tìm ra rằng tình cảm mẹ con mạnh hay yếu sẽ tạo ảnh hưởng giống như những chất ma túy làm giảm đau. Các sinh vật được thiên nhiên huấn luyện từ lúc sinh ra để "mắc nghiện" tình yêu của mẹ. Và tình yêu này giống như những thứ thuốc có ma túy trị đau đớn. Giáo sư Francesca R. D'Amato và các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu khoa học thần kinh Rome (CNR) đã thử trên những con chuột. Chuột sơ sinh cũng "bám mẹ" như loài người, khi mẹ vắng mặt thì tỏ ra lo lắng, sợ hãi. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những con chuột bị làm hỏng một thứ gen tạo nên phản ứng giảm bớt đau khi được chích ma túy, thì chúng cũng mất cả mối liên hệ đó với mẹ. Những con chuột bị thí nghiệm này đã mất cảm thụ về "tình mẫu tử" vì bị các nhà khoa học làm hỏng gen tiếp nhận tình mẫu tử. Chúng vẫn kêu (khóc) khi bị lạnh, bị đau về thể chất. Nhưng khi bị tách rời khỏi mẹ thì chúng không lo lắng sợ hãi nữa.
Đến năm 2007, người ta tiếp tục phát hiện ra sự tiếp xúc với mẹ, trong những tuần lễ đầu tiên trong đời, còn có khả năng thay đổi não bộ, tăng thêm những hormon có tính tích cực, ảnh hưởng mạnh hơn cả những chất nha phiến xoa dịu thần kinh và có thể làm thay đổi cuộc đời đứa trẻ. Một cuộc thí nghiệm ở Đại học McGill, ở Montreal, Canada đối với loài chuột cho thấy: những con chuột sơ sinh được chuột mẹ âu yếm nhiều hơn thì khi trưởng thành có tác phong bình yên, nhẹ nhàng hơn so những con chuột không được mẹ săn sóc. Những con chuột được mẹ chạm vào để bày tỏ lòng thương yêu sẽ có những gen được biến cải và mang theo suốt đời, giúp cho chúng khi lớn lên không bị ảnh hưởng của những lo âu, sợ hãi nhiều như những con chuột không được mẹ săn sóc.
Tương tự, một cuộc nghiên cứu khác ở Viện Y tế quốc gia (NIH) tại Washington, Hoa Kỳ, lấy loài khỉ để thí nghiệm, cũng cho kết quả đáng chú ý: Những con khỉ được cha mẹ săn sóc nhiều thì giữ được rất bền một thứ gen mà ở những con khỉ không được chăm sóc thứ gen đó bị biến đổi khiến chúng trở thành bạo động và phá phách. Từ những nghiên cứu này, các nhà khoa học kết luận rằng việc chăm sóc của người mẹ đối với những em bé sơ sinh có thể ảnh hưởng đến cả gen, tức là cấu tạo sinh học của con người.
Tình mẫu tử có sức mạnh kỳ diệu. |
Điều gì xảy ra từ sự săn sóc của người mẹ?
Những chất hóa học trong não, sự truyền tin giữa các tế bào, hệ thống cảm nhận được chất giảm đau... tất cả đều có liên hệ đến tình mẫu tử - giáo sư Alan Schore của đại học USC, California đã khẳng định như vậy sau rất nhiều nghiên cứu của mình. Ông cho rằng, khi một người mẹ ôm con, nâng niu, chăm sóc con thì ngay lập tức bấy giờ trong người đứa trẻ sẽ có một phản ứng hóa học diễn ra. Phản ứng này đầu tiên tiết ra những chất giống như chất làm giảm đau đớn. Một đứa trẻ sơ sinh đang khóc vì đau đớn hay sợ hãi nhưng chỉ cần được đặt vào lòng mẹ là ngay lập tức, một chất hormon trong cơ thể trẻ sẽ được sản xuất để "trị bệnh" giúp đứa trẻ không lo lắng sợ sệt nữa và thôi khóc ngay. Đó là vì, một chất hóa học đã được sinh ra trong hệ thống thần kinh, có tên là oxytocin. Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng, chất oxytocin được sản xuất nhiều nhất khi người mẹ cho con bú.
Oxytocin không chỉ có tác dụng tức thì là đứa trẻ giảm đau, thôi khóc mà còn có tác động lâu dài đến đứa trẻ trong suốt cuộc đời. Nó ảnh hưởng rất mạnh đến lòng tin, một tình cảm tự nhiên đặt tin tưởng vào những người mình không hề quen biết. Năm 2005, một nhóm giáo sư sinh học ở Zurich đã nghiên cứu dựa trên sự nhất trí của 178 sinh viên với chất oxytocin (với sự đồng ý của ủy ban đạo đức trong nước họ). Họ tìm thấy rằng những người có nhiều chất oxytocin thì tin tưởng vào người khác nhiều hơn. Những ai thiếu chất đó thì không dễ "thật dạ tin người" như vậy. Những cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của tình mẫu tử trên các hóa chất trong não bộ hiện nay còn đang ở thời kỳ sơ khai, nhưng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều khám phá mới trong tương lai.
Không chỉ là chất xúc tác khiến cho những phản ứng hóa học trong cơ thể đứa trẻ diễn ra, tình cảm của người mẹ còn tác động ngay lên hệ thống gen của trẻ. Khi đứa trẻ sinh ra, các gen trong cơ thể đã chứa một nhược điểm khiến nó cảm xúc chậm chạp khi bị đau hay khi bớt đau, nhưng nếu được mẹ chăm nom gần gũi, thì ngay trong các gen ấy đã có những thay đổi khiến đứa trẻ trở lên nhanh nhạy hơn, mẫn cảm hơn và cũng vững vàng hơn. Giáo sư Alan Schore còn cho rằng, một điều khác mà các cuộc nghiên cứu khoa học về chủ đề này đã giúp chúng ta nhận ra rằng, những đứa trẻ nếu được bố mẹ quan tâm chăm sóc thì sẽ khởi phát tính vị tha rất sớm, từ trước một tuổi. Điều đó khiến chúng chú ý đến những đứa trẻ khác và có thể đồng cảm với những trẻ cùng tuổi ở bên mình. Khi thấy người bạn đau và khóc, nó cũng biết bày tỏ mối đồng cảm.
Như vậy, chăm sóc, quan tâm của người mẹ ngoài ảnh hưởng mạnh đến tâm lý đứa trẻ theo cách trực tiếp thì tự căn bản cũng có ảnh hưởng đến cấu tạo sinh học trong con mình. Chúng ta có thể tin rằng, khi một người mẹ bày tỏ lòng yêu thương con bằng cử chỉ nâng niu trìu mến, bằng cách ôm ấp, bồng bế, thì đó có nghĩa là người mẹ đang thúc đẩy cho những phản ứng sinh hóa có lợi trong cơ thể con mình hoạt động. Điều đó thực sự có lợi ích lớn lao đối với đứa trẻ trong suốt cuộc đời, góp phần xây dựng lòng tin, sự bác ái, vị tha trong một con người.
Bảo Trân (Theo Live Science)