LTS: “Một xã hội vô cảm sẽ là một xã hội chết - cái chết trước hết từ tâm hồn”- Nhận định đó quả thật không sai trước sự vô cảm đang hiện hữu và ngày càng lan rộng trong đời sống xã hội như một thứ dịch bệnh. Đừng nghĩ thứ “virut vô cảm” ấy không ảnh hưởng đến bản thân bạn, gia đình bạn. Người bị tai nạn giao thông nằm lại trên đường không được đưa đến bệnh viện kịp thời, người bị cướp giật đơn độc chống lại kẻ bất lương trong khi bao người khác đứng nhìn, những đồng tiền cứu trợ bị cắt xén đút túi kẻ có quyền vô lương... Vô cảm nhiều khi chính là tội ác! Hãy cùng chúng tôi, mỗi người góp một tiếng nói, ngõ hầu đẩy lùi căn bệnh này trước khi nó trở thành đại dịch nhấn chìm chúng ta! Mọi bài vở xin gửi về báo Sức khỏe&Đời sống: “Diễn đàn: Tuyên chiến với vô cảm”, email: baoskds@yahoo.com hoặc bandientuskds@gmail.com.
Tôi cho rằng vô cảm chỉ là hiện tượng, còn bản chất của vô cảm chính là sự cầu an, tức là không muốn làm việc gì để mình bị liên lụy. Ngày xưa, các cụ đã từng có câu tục ngữ: Làm phúc phải tội, nghĩa là người ta sẽ gặp phiền phức khi giúp người khác.

Giữa cuộc sống xô bồ hiện đại, người ta cứ tranh nhau mà đi, tranh nhau mà sống.
Trong cuộc sống đã từng xảy ra những sự việc như thế. Có nhiều người thường phản ứng tức thời và thiếu suy nghĩ nên khi xảy ra tai nạn giao thông chẳng hạn, người nhà ra bất biết sự thể diễn ra thế nào, cứ thấy ai tỏ ra có trách nhiệm với người bị nạn thì cho đấy là người gây ra tai nạn, rồi vội vàng có những hành vi ứng xử không tốt với họ, thậm chí là chửi mắng, đánh đập. Thế là người cứu nạn lại thành ra tội phạm và trở thành nạn nhân của vụ hành hung. Vì thế nên dần dà người ta không muốn giúp người bị nạn nữa. Rồi những người sau lại tiếp tục vô cảm vì trông thấy tấm gương làm phúc phải tội của người trước. Thế rồi cả xã hội dường như tỏ ra như vô cảm, chứ thực ra người ta thương người bị nạn chứ, nhưng người ta không dám ra tay nữa vì sợ liên lụy và đành phải rút lui vào vỏ ốc cầu an.
Xem chương trình Camera giấu kín thấy mọi người cứ thờ ơ, vô cảm trước việc kẻ cắp móc túi người khác ngay trước mắt mình. Thực ra ai cũng ghét thằng ăn cắp, nhưng ai cũng ngại nếu can thiệp thì sẽ bị trả thù và bản thân họ không chống trả được. Lực lượng bảo vệ an ninh cũng không có mặt kịp thời để giúp người ta, giải thoát những hành động lưu manh, côn đồ của bọn xấu. Tại sao pháp luật không bảo vệ được họ?
Hay những người tố cáo những việc làm sai trái trong cơ quan, ai là người bảo vệ họ? Hậu quả là họ phải thôi việc, bị trù dập, vô hiệu hóa. Kể cả người được bảo vệ thì cũng chỉ được bảo vệ khi sự việc xảy ra. Còn sau khi giải quyết xong về mặt pháp lý, về tổ chức thì những người bị phát hiện, bị đấu tranh, bị lôi ra trước pháp luật người ta trả đũa trong cả cuộc đời của người tố cáo. Lúc ấy không ai theo để bảo vệ họ nữa rồi. Hẳn chúng ta còn nhớ chuyện anh giáo viên tố cáo những gian trá trong thi cử, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngợi khen nhưng sau đó đã bị vùi dập, thậm chí còn bị vu oan.
Xã hội không bảo vệ được những người dám thể hiện chính kiến của mình, cũng như hành động bênh vực lẽ phải, bênh vực người bị hại khiến phần lớn người ta phải né tránh. Cứ thế thói vô cảm trở thành bệnh xã hội.
Như một hệ quả, gần như cả xã hội mắc bệnh cầu an. Vậy bệnh này sinh ra từ đâu? Nói cho cùng, nó là sự bất cập của pháp luật và các cơ quan thi hành luật pháp, một mặt khác là sự suy thoái đạo đức, người ta không dám chấp nhận sự hy sinh cho người khác. Trên thực tế vẫn còn rất nhiều người không vô cảm, những người ấy dám chấp nhận sự hy sinh. Chỉ tiếc rằng những người như thế không có nhiều so với những vụ việc tiêu cực xảy ra. Những lực lượng dám đấu tranh vì công lý không nhiều như trước đây bởi một điều rất quan trọng là chúng ta đã mất đi một lối sống, không chỉ là khẩu hiệu mà thực tế trước đây đã từng là lẽ sống: Mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Trong lúc đói khổ, chiến tranh, sống mái như thế thì con người gắn bó với nhau, một người vì mọi người, mọi người vì một người. Sự cưu mang, đùm bọc, sẻ chia giờ đây không còn nữa. Khẩu hiệu đó dường như đã đi vào quên lãng. Tôi cũng không hiểu tại sao không nhắc lại, không cổ động cho lối sống ấy nữa. Tại sao cái lý tưởng sống tốt đẹp thế lại không tiếp tục vận động xã hội làm theo?
Hôm nay có nhiều cái hay của thời kỳ bao cấp bị phủ định, thậm chí có cái nhìn rất không đúng cứ cho cái gì của thời kỳ bao cấp là lạc hậu. Thế nhưng cũng có nhiều người hôm nay than vãn: Bao giờ cho đến ngày xưa. Ngày xưa ở đây không phải là thời phong kiến mà là thời những năm 1960, những ngày cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác đem lại niềm vui lớn cho con người, mặc dù sống kham khổ nhưng thanh thản. Ngày xưa mà người ta luyến tiếc chính là mối quan hệ con người với con người. Nhà thơ Tố Hữu đã từng lãng mạn hóa, thi vị hóa xã hội những năm đó: Người với người sống để yêu nhau. Thế hệ chúng tôi trải qua thời kỳ đó bây giờ nghĩ lại thấy tiếc lắm, hồi đó cũng có những cuộc ngồi kiểm điểm nhau móc da móc thịt dưới góc nhìn của quan điểm lập trường giai cấp, nhưng sau đó thương nhau lắm, người nọ quan tâm cuộc sống người kia.
Ngày xưa, “pháo nổ pháo nang cả làng cùng chịu”, còn bây giờ “cháy nhà hàng phố bình chân như vại”. Lối sống đó là của cơ chế thị trường, co lại trong phạm vi cá nhân, ai biết người nấy, cạnh tranh nhau.
Ngày trước, khi từ Hải Phòng về Hà Nội, tôi có phân biệt lối sống ở Hà Nội và Hải Phòng bằng hai chữ: Hà Nội người ta trông nhau mà đi, trông nhau mà sống; còn ở Hải Phòng: tranh nhau mà đi, tranh nhau mà sống. Nhưng đến bây giờ, Hà Nội không còn trông nữa mà cũng tranh rồi. Đó là hậu quả của lối sống cạnh tranh và thoán đoạt trong cơ chế thị trường, thêm nữa, sự chạ của người Hà Nội (người ở nhiều nơi về với những nguồn gốc văn hóa khác nhau) không hòa mình được vào đời sống văn hiến của người Tràng An xưa. Nếp sống thanh lịch chỉ còn trong một số tầng lớp, không còn trong đại bộ phận dân chúng Hà Nội. Nếp sống thanh lịch phai nhạt dần thì thói cầu an của căn bệnh vô cảm là điều tất yếu xảy ra trong xã hội.
TS. Trần Đình Ngôn