Tổng quan về bàn chân khoèo bẩm sinh ở trẻ
Bàn chân khoèo bẩm sinh là dị tật bẩm sinh của bàn chân, với biểu hiện nhón gót và vẹo trong, gồm ba biến dạng: Gập lòng khớp cổ chân, vẹo trong và áp bàn chân. Nghiên cứu cho thấy dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh gặp ở khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh.
Tỷ lệ bàn chân khoèo bẩm sinh bị cả ở 2 chân khoảng 50%, trong đó bé trai chiếm nhiều hơn bé gái. Mỗi năm ước tính trên thế giới có hơn 100.000 trẻ sinh ra bị bàn chân khoèo, trong đó 80% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Nếu không được điều trị, trẻ đi đứng sẽ không bình thường, bị tàn phế về thể chất, ảnh hưởng nặng đến tâm sinh lý, giảm cơ hội học hành và lao động về sau. Bệnh này cần được điều trị sớm sau sinh và hiệu quả điều trị thường rất cao.
Nguyên nhân bàn chân khoèo bẩm sinh
Nguyên nhân dẫn đến bàn chân khoèo bẩm sinh đến nay vẫn chưa rõ, các bất thường giải phẫu thường gặp là xương sên nhỏ, đầu và cổ xương sên lật ngửa hướng vào trong. Ngoài ra, một số bệnh như viêm khớp, bại liệt, bại não và tổn thương tủy sống, bàn chân bình thường có thể bị biến dạng dần và trở thành bàn chân khoèo.
Các chuyên gia còn cho rằng, nguyên nhân của dị tật này là do tư thế nằm xấu của thai nhi trong bụng mẹ hoặc do khiếm khuyết của mầm xương, di truyền…
Dấu hiệu nhận biết bàn chân khoèo bẩm sinh
Trẻ bị dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh thường rất hay gặp, do bẩm sinh hoặc cũng có thể là hậu quả của bệnh bại liệt trẻ em. Khi mắc dị tật này, bàn chân trẻ bị khoèo vào trong, giống như hình ảnh của đầu gậy chơi gôn. Bàn chân khoèo thường xảy ra đơn độc, nhưng cũng có thể kết hợp với các dị dạng bẩm sinh khác.
Cha mẹ quan sát sẽ thấy trẻ mắc bàn chân khoèo bẩm sinh có biểu hiện như:
- Khép và nghiêng trong phần trước, giữa bàn chân;
- Bàn chân có hình dáng như cây gậy chơi golf (gập lòng bàn chân);
- Mép ngoài bàn chân cong;
- Nếp làn da sau gót bàn chân rõ;
- Giới hạn duỗi bàn chân và gập cổ chân;
- Các dị tật khác có thể kèm theo như trật khớp háng, cứng khớp gối, trật khớp xương bánh chè, cứng khớp khuỷu, bàn tay khoèo.
Sẽ phát hiện sớm được dị tật bàn chân khoèo vào khoảng 3 tháng giữa thai kỳ, nhất là khi bị cả hai bên, nếu thai phụ có đi khám và siêu âm thai định kỳ.
Điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh
Mặc dù có thể phát hiện sớm dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh, tuy nhiên, không thể xử trí những trường hợp bàn chân khoèo trước sinh. Nhưng cha mẹ cần gặp gỡ chuyên gia tư vấn về di truyền hay bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, để được tư vấn sớm về các phương án điều trị.
Để điều trị bàn chân khoèo thông thường được khuyến cáo nên bắt đầu sớm từ 1 - 2 tuần lễ sau khi sinh. Bởi vì xương khớp trẻ lúc này rất linh hoạt, các dây chằng cũng như bao khớp và các gân đều mềm dẻo thay đổi hình dạng và cơ năng của bàn chân trước khi trẻ tập đi.
Kéo duỗi bàn chân bằng các bài tập, cho trẻ đi giày hoặc mang nẹp và đai cho bàn chân 24/24 trong khoảng 3 tháng, ba năm tiếp theo chỉ mang về đêm.
Phẫu thuật khi bàn chân khoèo nặng không đáp ứng với các điều trị không phẫu thuật: Mổ kéo dài gân gót để dễ đưa bàn chân về đúng vị thế, bó bột 2 tháng và mang dây đeo trong một năm. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây biến dạng nặng nề cho bàn chân, bắt buộc phải phẫu thuật rất phức tạp, nhưng kết quả lại không tốt.
Tóm lại: Bàn chân khoèo bẩm sinh ở trẻ là vấn đề thường gặp, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, phụ nữ khi có thai cần lưu ý: Không hút thuốc và tránh khói thuốc; không uống rượu; không dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc, khám thai định kỳ.
Điều quan trọng là cần đi khám thai thường xuyên, siêu âm thai để phát hiện sớm, khám đúng chuyên khoa và điều trị càng sớm càng tốt.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-